Hết thời sao chép vô tội vạ?

Hết thời sao chép vô tội vạ?
TP - Hiệp hội Quyền Sao chép Việt Nam đang vận động thành lập, hứa hẹn đem lại nhiều quyền lợi cho các tác giả và nhà xuất bản, thay đổi tình trạng sao chép vô tội vạ hiện nay.
Hết thời sao chép vô tội vạ? ảnh 1
Bìa cuốn Công ước Berne 1886 về bảo hộ các tác phẩm văn học và nghệ thuật. Việt Nam tham gia công ước này từ 2004

Ban vận động Hiệp hội Quyền Sao chép Việt Nam gồm 12 thành viên là các tác giả, nhà quản lý, nhà khoa học, chuyên gia... đã ra mắt báo giới sáng 28/8 tại Cục Xuất bản.

Ông Hoàng Trọng Chương, Giám đốc Nhà Xuất bản (NXB) Y học, cho hay: Có những công trình đầu tư hàng tỷ đồng, hàng triệu USD, rút cuộc phát hành số lượng hạn chế, trả nhuận bút bèo bọt và không tái bản nổi vì bị ăn cắp bản quyền.

Nhiều trường hợp sách giáo khoa của NXB bị chính các trường ĐH sao chép, thay bằng bìa của họ - trên đó đề rõ số điện thoại, địa chỉ để độc giả đến mua sách - số lượng không hạn chế. Ông Chương nói, sách của NXB Y học còn bị chính các NXB khác sao chép và xuất bản trái phép.

“Hiệp hội ra đời là rất cần thiết. Việc ban hành các điều luật và hoạt động của bộ máy quản lý nhà nước chưa đủ. Phải có sự tham gia của các lực lượng xã hội mới mong thay đổi tình hình”.

Thời đại số hóa và nối mạng làm cho tình trạng sao chép ấn bản phẩm thêm trầm trọng. Việc sao chụp trái phép không chỉ làm mất đi khoản thu nhập quan trọng mà các tác giả và NXB lẽ ra được hưởng theo quy định pháp luật, mà còn gây bất lợi trong công cuộc phát triển văn hóa dân tộc, bản địa.

Theo phân tích, các nước sử dụng ngôn ngữ không phổ biến trên thế giới sẽ chịu ảnh hưởng nặng hơn từ nạn sao chép phi pháp. Bởi với các nước này, thị trường nội địa gần như là nơi duy nhất để các tác giả và NXB tạo thu nhập. Nạn xâm phạm bản quyền bằng sao chép cũng tạo nên rào cản lớn trong hợp tác đối với các tổ chức, cá nhân nước ngoài.

Ông Nguyễn Chí Tuyến - NXB Thế giới cho hay, vấn đề sao chép trái phép gây khó khăn cho việc mua bản quyền nước ngoài, đặc biệt là giáo trình của các trường ĐH danh tiếng.

Hiệp hội Quyền Sao chép Việt Nam tên giao dịch tiếng Anh: VIETRRO- đặt mục đích cụ thể là đại diện cho người nắm giữ quyền khai thác giá trị kinh tế của các tác phẩm mà họ ủy quyền, thông qua việc cho phép và quản lý thu phí việc sử dụng tác phẩm dưới hình thức sao chụp, số hóa và khai thác trên mạng.

Tất cả các cá nhân, tổ chức nắm quyền tác giả đều có thể là thành viên của VIETRRO và hưởng thụ các dịch vụ mà VIETRRO mang lại. VIETRRO được tổ chức và hoạt động theo các nguyên tắc cơ bản: tự nguyện, phi lợi nhuận, tuân thủ pháp luật và điều lệ, tự chủ về tài chính và trách nhiệm hữu hạn.

Được biết, khi đi vào hoạt động, VIETRRO sẽ buộc các NXB khi nộp lưu chiểu phải nộp kèm hợp đồng hoặc giấy ủy quyền sử dụng tác phẩm của tác giả.

Ông Nguyễn Kiểm - Cục trưởng Cục Xuất bản, Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam - Trưởng Ban Vận động thành lập Hiệp hội Quyền Sao chép Việt Nam cho hay, sẽ có chế độ hỗ trợ học sinh, sinh viên khi sao chép số lượng nhỏ, một phần tư liệu - để không phương hại đến quyền học tập, tiếp cận kiến thức của đối tượng này.

MỚI - NÓNG
Các nhà hoạt động biểu tình tại hội nghị khí hậu COP29 ở Azerbaijan ngày 23/11. (Ảnh: AP)
Nhiều nước bất bình với quỹ khí hậu 300 tỷ USD
TPO - Hội nghị về khí hậu của Liên Hợp Quốc vừa thông qua một thỏa thuận cung cấp ít nhất 300 tỷ USD hằng năm cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu của nhân loại và giúp các quốc gia đang phát triển đối phó với sự tàn phá của thiên tai do nhiệt độ toàn cầu nóng lên.