GS Phạm Duy Hiển |
Ngay sau đó đã có ý kiến phản bác lại từ phía một số cơ quan chức năng. Tiền phong có cuộc trao đổi với GS Phạm Duy Hiển – Nhà khoa học hàng đầu của ngành hạt nhân Việt Nam, người từng giữ trọng trách chỉ huy xây dựng và vận hành lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt.
Nghe những ý kiến phản bác đó, GS nghĩ gì?
Trước hết, tôi muốn bình luận ý kiến của một chuyên gia Nhật Bản đến Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt dự hội thảo và được đưa lên VTV1 gần đây. Ông ta nói nước Nhật vận hành hơn 50 lò phản ứng rất an toàn, do đó các bạn Việt Nam nên nhanh chóng xây dựng nhà máy điện hạt nhân (ĐHN), không có gì phải lo lắng.
Sự thực, hơn 10 năm gần đây Nhật Bản đã giữ kỷ lục thế giới về các tai nạn ĐHN. Đó là những sự cố lò neutron nhanh Monju (1995) khiến phương hướng năng lượng sống còn, nhưng rất tốn kém này của nước Nhật phải bị đình chỉ, tai nạn xảy ra ở nhà máy xử lý nhiên liệu Tokaimura năm 1999 do những sai sót hết sức ngớ ngẩn đã làm chết 2 kỹ thuật viên, 600 người bị chiếu xạ, 320.000 người dân địa phương được yêu cầu không ra khỏi nhà.
Nhân đây tôi xin nói rằng một số Cty nước ngoài muốn bán nhà máy cho ta đã không ngần ngại dụ dỗ và tuyên truyền một chiều trong các hội thảo khoa học, triển lãm, tổ chức hàng trăm lượt người đi tham quan nhà máy ĐHN như những khách VIP.
Mắt thấy tai nghe để ủng hộ ĐHN là việc nên làm, nhưng lạm dụng chuyện này để bán nhà máy mà không đả động gì đến thực trạng an toàn nhà máy ĐHN và trình độ còn thấp của chúng ta là rất nguy hiểm.
Và họ đã thành công?
Đúng thế, đến thăm nhà máy ĐHN, tai bạn không nghe một tiếng động, mũi bạn không thấy bốc mùi, khói đen kịt không thoát ra từ ống khói như nhà máy điện chạy than thông thường. Trái lại, mắt bạn bị choáng ngợp bởi các thiết bị hiện đại, sáng choang.
Nhưng bạn không thể nào hình dung được sức công phá ghê gớm của hàng tỷ cu ri chất phóng xạ bị nhốt bên trong khối bê tông kia một khi con “quỷ dữ đó sổng chuồng”. Chỉ cần vài cu ri trong số hàng tỷ cu ri đó cũng đủ chết người.
Đây chính là câu chuyện an toàn từng làm cho dân chúng ở nhiều nước tiên tiến “nói không” với ĐHN, làm cho ĐHN dẫm chân tại chỗ trong nhiều thập kỷ liền. Nước nào làm ĐHN cũng phải tính đến chuyện này như vấn đề sống còn của cả dân tộc.
Cho nên rất dễ hiểu khi thấy Phần Lan, nước châu Âu độc nhất đang xây lò phản ứng, lại phải chịu bỏ tiền ra mua lò đắt nhất của Pháp vì mục tiêu an toàn trên hết. Chưa hết, họ đang trễ tiến độ đến gần 2 năm cũng chính vì để bảo đảm an toàn.
Mà ĐHN có an toàn hay không đâu phải là chuyên thuần túy kỹ thuật như các Cty thường ve vãn. Đây là vấn đề con người, cụ thể là trình độ chuyên gia, quản lý, thực thi luật pháp và hạ tầng cơ sở. Tất cả những tai nạn hạt nhân đến nay đều do con người gây ra.
Người ta cố tình lờ đi những chuyện này cốt sao Việt Nam sớm ra quyết định làm ĐHN, xây một lúc càng nhiều lò càng tốt. Mục tiêu trước mắt của họ là bán được nhà máy, sau đó ... sẽ tính tiếp!
Mô hình Nhà máy ĐHN đầu tiên tại Việt Nam |
Xin GS nói rõ hơn tính tiếp là thế nào?
Sẽ tốt đẹp nếu ta có đủ người am hiểu, làm chủ được công nghệ phức tạp, lại có hệ thống luật pháp nghiêm minh, biết quản lý theo công nghiệp hiện đại.
Song chúng ta đang thiếu tất cả những thứ đó. Giả sử nếu năm 2009 Quốc hội quyết định xây nhà máy ĐHN thì năm 2010 các chuyên gia sẽ phải vào cuộc để quyết định những việc hệ trọng ở tầm chuyên môn sâu nhằm khởi động dự án, như chọn công nghệ, ra bài thầu, xét duyệt các phương án thiết kế và xem xét chu đáo tác động đến môi trường của rất nhiều hạng mục công trình.
Ai làm việc này? Có thể kể đến một số anh em có kinh nghiệm vận hành lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt, nhưng chưa thể nói đây là các chuyên gia ĐHN, vả lại số người này cũng không thấm vào đâu. Vậy phải phó thác những quyết định lớn cho người nước ngoài chăng?
Các Cty nước ngoài rất hiểu tình trạng này của chúng ta. Họ tin rằng đằng nào ta cũng phải trông chờ vào sự điều khiển của họ trong mọi khâu sau này. Kịch bản tương lai là thế đó! Rồi biết đâu nhà máy ĐHN sẽ trở thành một thứ con tin trong tay họ.
Vậy không thể nói như một nhà quản lý rằng nhà máy ĐHN chẳng khác gì nhà máy điện chạy than thông thường, chỉ một bên được đốt bằng than, bên kia bằng hạt nhân?
Tôi nghĩ, khi nghe những ý kiến kiểu này, người nào chưa “sợ” ĐHN, ắt phải “sợ”, ai đã “sợ” rồi chắc phải ... khiếp! Bởi ĐHN nằm trong tay những người chỉ cưỡi ngựa xem hoa thì cực kỳ nguy hiểm.
Theo GS, có thể đào tạo nhân lực trình độ chuyên gia bằng cách nào?
Đào tạo người vận hành thì dễ, vài năm là xong, thậm chí dễ ợt theo cách nói của một vị quan chức mới đây. Đào tạo chuyên gia mới khó. Các cơ sở đào tạo trong nước hiện không đủ điều kiện, vì ĐHN không thể dạy chay, mà ngay cả người dạy chay cũng thiếu.
Chúng ta chỉ dạy cho thoát nạn “mù chữ hạt nhân” thôi. Đầu vào lại rất thiếu, lớp trẻ có năng lực không thích vào ngành này. Dù sao, vẫn cứ phải tổ chức lại và nâng cấp các cơ sở hạt nhân ở trường và viện để đào tạo cán bộ, chuẩn bị cho lâu dài.
Nhìn ra nước ngoài, tôi cũng không hy vọng họ sẵn lòng đào tạo chuyên gia, nhất là trao các hiểu biết công nghệ về ĐHN cho ta. Vậy chỉ còn cách là tập hợp những người ưu tú nhất hiện có và tổ chức tự đào tạo qua công việc. Cho nên, tôi kiên trì ý kiến trước mắt chỉ xây dựng một lò 1.000 MW, lấy đó làm trường đào tạo và thử nghiệm mọi cơ sở hạ tầng của chúng ta.
Thành công của dự án này không chỉ là đưa một lò phản ứng vào vận hành, mà chính là qua đó đặt những nền tảng ban đầu cho cả quá trình phát triển ĐHN sau này. Nghĩ mãi, tôi không thấy cách nào khác. Đốt cháy giai đoạn, hậu quả khôn lường!
Nhưng có ý kiến cho rằng xây luôn 4 lò cũng tốn từng ấy người và xác suất xảy ra sự cố cũng chẳng khác gì xây một lò mà lại kinh tế hơn?
Chao ôi! Không biết vị này du nhập thứ triết lý kỳ quặc này từ đâu mà cho rằng xây 4 lò cũng tốn từng ấy người và xác suất xảy ra sự cố cũng giống như xây một lò.
Còn kinh tế hơn, thì có thể, nhưng chỉ có lợi cho bên bán thiết bị thôi. Mà tiêu chí của chúng ta là an toàn cho dân chúng hay kinh tế? Nếu có một quyết định nào đó sai lầm trong khi xây đồng thời bốn lò thì “quay đầu” lại bằng cách nào? Có tốn kém hơn không?
Lại có ý kiến cải chính rằng 4 lò sẽ xây gối đầu nhau chứ đâu cùng một lúc?
Muốn 2020 có ĐHN ngay từ 2013 ta phải động thổ lò thứ nhất, đến 2011 -2018 phải động thổ lò thứ tư. Vậy từ đó trở đi không phải xây đồng thời 4 lò là gì? Chuyện hiển nhiên vậy mà một số người vẫn thích chơi trò tù mù!
Xin cảm ơn ông!
Mỹ Hằng thực hiện