Ngay trước đó ngày 9-2, Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Park Hee-Tae cũng từ chức sau khi bị cáo buộc gian lận phiếu bầu. Ngày hôm sau 10-2, ba bộ trưởng của bang Karnataka, Ấn Độ đồng loạt đệ đơn từ chức sau khi truyền hình địa phương phát cảnh những vị này đang xem clip khiêu dâm trên điện thoại trong giờ họp.
Xa hơn nữa, năm ngoái ứng viên sáng giá chức Tổng thống Pháp, ông Dominique Strauss-Kahn, từ chức TGĐ Quỹ tiền tệ quốc tế IMF sau cáo buộc xâm hại tình dục đình đám...
Ý thức về trọng trách phải là mẫu mực của uy tín và đạo đức cho nước Đức, trong phát biểu từ chức Tổng thống của mình, ông Wulff thừa nhận tuy không làm gì sai luật nhưng đã “mắc sai lầm”, đánh mất lòng tin của dân chúng. Còn 3 vị bộ trưởng cấp bang ở Ấn Độ thì quyết từ chức “để không làm mất hình ảnh của đảng Bharatiya Janata”, như họ tuyên bố. Còn ông Strauss-Kahn, nay đã hoàn toàn vô tội, tuyên bố từ chức vì “muốn bảo vệ danh dự tổ chức mà mình đã phục vụ với niềm vinh dự và lòng tận tụy”.
Nêu những ví dụ về từ chức của các quan chức khắp nơi từ Đông sang Tây, từ phẩm hàm cao nhất là Tổng thống tới cỡ quan vừa vừa hàng tỉnh (bộ trưởng bang), từ các quốc gia phát triển như Mỹ, Đức tới nước đang phát triển như Ấn Độ, để thấy rằng: Từ chức rõ ràng là một hành động xảy ra phổ biến và thường xuyên trên khắp hành tinh này, bất kể họ là ai, đang giữ chức vụ gì. Và tất cả các lý do từ chức nêu trên đều vì hai chữ “liêm sỉ” mà ra, một phạm trù đạo đức cần có của con người, quan chức lại càng cần.
Ở các nước, một cây cầu sập, một vụ tàu hỏa đâm nhau, một tai nạn thảm khốc hay một vụ xì-căng-đan... đều lập tức có người nhận trách nhiệm và sau đó thường ai đó sẽ tuyên bố từ chức. Thế nhưng, hành động từ chức phổ biến đó lại dường như quá hiếm tại Việt Nam, lẽ nào hai từ “liêm sỉ” đang thiếu vắng quanh đây?
Chính vì vậy, theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn, trong quý I này, Bộ sẽ trình Chính phủ Đề án về quy trình từ chức và văn hóa từ chức. Theo ông Tuấn, việc từ chức là bình thường nếu cán bộ đó thấy mình không hoàn thành nhiệm vụ được giao, và “những người từ chức đáng được trân trọng”.
Trở lại vụ việc cưỡng chế thu hồi đất nhức nhối tại Tiên Lãng, Hải Phòng mà đích thân Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa có kết luận, khẳng định sai phạm của chính quyền, yêu cầu kiểm điểm. Lạ thay, đến giờ này tuyệt nhiên không thấy vị cán bộ liên quan nào đệ đơn xin từ chức.
Chỉ thấy vị quan huyện này bị đình chỉ công tác, mấy ông quan xã kia bị cách chức, chả thấy vị cán bộ lãnh đạo “đáng được trân trọng” nào dám đường hoàng đứng lên xin từ chức vì quan liêu, làm khổ dân, hại uy tín của cấp ủy Đảng và chính quyền trong vụ này cả.
Thế nên, dù Bộ Nội vụ sắp ban hành “Quy trình từ chức và văn hóa từ chức” thì hỡi những công bộc của dân, nếu biết cách giỏi thăng quan tiến chức, hãy biết cách từ chức đúng lúc để dân nhờ. Biết làm quan và cũng biết từ chức để làm dân, đó là phẩm chất không thể thiếu của quan chức muôn đời nay, khắp thế gian này.