Vậy là sau bao năm chờ đợi, người dân huyện xa nhất của thành phố lớn nhất Việt Nam đã có nước máy. Dự án được nói là đã tiết kiệm cho ngân sách 50 tỷ đồng/năm nhờ không còn phải chi phí vận chuyển nước sạch từ nội thành TPHCM ra Cần Giờ.
“Mẹ mừng lắm các con ạ”, là câu nói của mẹ Việt Nam anh hùng Đoàn Thị Thê, 84 tuổi ở thị trấn Cần Thạnh (Cần Giờ) khi chứng kiến dòng nước máy đầu tiên chảy về vùng đất ngập mặn ven biển của TPHCM, sau bao đời dân nơi đây chỉ biết dùng nước sông hay những giọt nước mưa hiếm hoi.
Trong vài năm trở lại đây, Tuần lễ nước sạch và vệ sinh môi trường đã trở thành hoạt động quen thuộc ở nước ta. Mỗi dịp ấy, công chúng lại vui mừng đón nhận tin địa phương X, vùng sâu Y đã có nước sạch như những tiến bộ của xã hội, kết quả thực tế sau các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức…
Tuy nhiên, xét theo bối cảnh hiện tại, nâng cao nhận thức của toàn dân về tầm quan trọng của nguồn tài nguyên nước nói riêng và vấn đề bảo vệ môi trường nói chung là câu chuyện dài. Trong khi 150.000 dân Cần Giờ vui vì từ nay không phải suốt ngày lo gạn đục, đánh phèn để có nước sinh hoạt.
Thực trạng đồng bào nghèo miền núi phía Bắc ở Hà Giang, Cao Bằng, Lai Châu, người dân nhiều tỉnh Tây Nguyên vẫn chưa thể thoát khỏi tình cảnh trong mùa khô đi hứng từng giọt nước mưa, trèo đèo vượt non để gùi về từng can nước suối, dân ĐBSCL vẫn phải chấp nhận ăn uống, sinh hoạt bằng nước sông rạch...
Ngay cả những nơi đông dân, được coi là đô thị hiện đại nhất nước như Hà Nội và TPHCM, tình trạng thiếu nước sạch vẫn tái diễn vào mùa khô. Trong khi ấy, sự suy kiệt nguồn nước ngầm do khai thác quá mức, tình trạng xâm nhập mặn mà nguyên nhân gồm đủ yếu tố chủ quan, khách quan, con người và tự nhiên.
Dù vậy, vẫn còn đó tình trạng “người ăn không hết, kẻ lần chẳng ra”. Vẫn biết nước là nguồn tài nguyên hữu hạn, nhưng nơi này nơi kia vẫn xảy ra chuyện sử dụng lãng phí, vô trách nhiệm. Nguồn nước ngầm bị khai thác vô tội vạ dẫn đến suy kiệt nhưng tình trạng khai thác phục vụ kinh doanh không theo bất cứ chuẩn mực nào có hầu như khắp mọi đô thị.
Các dòng sông, nguồn sống của hàng chục triệu người dân vẫn có thể dễ dàng bị làm ô nhiễm bởi những kẻ chỉ coi trọng lợi ích riêng, hoặc nhóm lợi ích. Trong bối cảnh ấy, luật pháp dù có chặt chẽ, nghiêm minh đến đâu nhưng bản thân mỗi người trong chúng ta chưa nhận thức đúng vai trò của tài nguyên nước, của môi trường sống trong lành, thì vẫn còn “cửa sống” cho những hành vi phản văn hóa, phản môi trường.
Cũng như điện, chúng ta tiết kiệm bao nhiêu thì đồng bào vùng khó sẽ có thêm cơ hội tiếp cận nước sạch bấy nhiêu. Chuyện này không khó nếu mỗi lần vặn vòi, ta dành một giây nghĩ tới những cái can lem luốc với thứ nước sền sệt, đỏ quạch đất lẫn bùn của những người phụ nữ Tây Nguyên hay ánh mắt của chú bé vùng cao Hà Giang khi chứng kiến trong vô vọng, những giọt nước từ vách đá khô khốc dần dần thưa rơi.