Tuy nhiên, cái chết đau đớn bằng cách tự treo cổ trong tâm thế tuyệt vọng trước nỗi oan khuất “ kêu trời không thấu” của chị Đào Thị Phúc, một người mẹ trẻ hiền dịu, một nông dân chất phác thật thà ở tận xã nghèo vùng sâu Ea H’đing huyện Cư M’gar tỉnh Đắk Lắk mà báo Tiền Phong vừa phản ánh trong bài “Dân nghèo sập bẫy cò ngân hàng” khởi đăng ngày 7-10-2010 đã khiến dư luận chấn động, nghẹn ngào thương xót.
Quá nhiều ý kiến chia sẻ cùng gia đình chị Phúc từ bạn đọc gửi đến báo Tiền Phong, hầu hết không tán thành với sự buông lỏng quản lý của Agribank Đắk Lắk, để cán bộ ngân hàng tiếp tay với cò lừa đảo chiếm đoạt tài sản của dân nghèo.
Độc giả thắc mắc hỏi vì sao dân không đến thẳng ngân hàng vay vốn mà lại chịu mất tới 10% số tiền vay qua tay cò? Nhiều độc giả nhức nhối kêu lên: Vì sao cơ quan chức năng không nhanh chóng vào cuộc làm rõ thủ phạm và mạnh tay trừng trị?!
Cái chết tức tưởi cùng lá thư tuyệt mệnh của chị Phúc đã gióng lên một hồi chuông báo động về những hậu quả đau thương, nghiêm trọng mà tệ nạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản người khác bằng mọi thủ đoạn mấy năm gần đây hoành hành khắp nơi như một dịch bệnh.
Người ta tự hỏi: Phải chăng luật pháp chưa đủ nghiêm minh, thậm chí tồn tại dai dẳng quá nhiều kẽ hở giúp bọn gian manh luồn lách, xem thường? Không ít vụ lừa đảo được nhà chức trách “dân sự hoá” hoặc bỏ sót người lọt tội, kẻ lừa vay dễ dàng tẩu tán tài sản, tuồn những khối của cải giá trị lớn cho thân nhân đứng tên trước sự bất lực của các chủ nợ.
Mới đây, một trung tá trong hàng ngũ lãnh đạo công an tỉnh Đắk Lắk từng mặc quân phục, đeo quân hàm cùng vợ đi lừa vay rồi xù nợ nhiều tỉ đồng đã chịu kỷ luật bằng hình thức buộc thôi việc, ra khỏi ngành vì làm mất uy tín lực lượng (!)
Vì sao vị trung tá ấy lại chấp nhận đánh mất cả sự nghiệp lẽ ra đáng tự hào của mình, bằng cách dấn thân vào con đường phạm pháp với nguy cơ đứng trước vành móng ngựa?
Có hay không sự thật quanh dư luận những kẻ lừa đảo sẵn sàng trích bớt vài khoản tiền chiếm đoạt được để lo lót hối lộ, “cố đấm ăn xôi” nhằm làm giàu bất chính trên mồ hôi nước mắt người khác, bằng cách “hy sinh đời bố củng cố đời con?”.
Vụ lừa đảo do đôi vợ chồng Nguyễn Thị Hoa- Tôn Thất Vinh trú tại xã Hoà Thắng đã được nhiều người dân, trong đó có chị Đào Thị Phúc đánh động từ cuối năm ngoái, với rất nhiều đơn thư khiếu nại tố cáo gửi đến các cơ quan công quyền.
Nhưng tiếc thay, chị Phúc đã mất lòng tin, đã tuyệt vọng vì không hề nhận được hồi âm, trong khi ngân hàng từng ngày hối thúc xiết nhà, tịch biên gia sản. Và mãi tới bây giờ, khi trên mồ chị Phúc cỏ bắt đầu lên xanh, vụ án vẫn chưa được khởi tố! Hoa-Vinh vẫn thách thức những người bị lừa và vẫn bình yên trước pháp luật.
Xót thương nào có ích gì, nếu vẫn không ai trả lời chị Phúc ?