Đây không phải là lần đầu giáo sư Hồ Ngọc Đại bày tỏ những trăn trở về một nền giáo dục nặng tính áp đặt, chưa coi trẻ con là chủ thể tham gia hoạt động giáo dục.
Băn khoăn của giáo sư Hồ Ngọc Đại cũng là tâm sự chung của nhiều trí thức. Ngành GD&ĐT không phải là không nhận thấy cần phải thay đổi. Chỉ có điều họ vẫn loay hoay với những khẩu hiệu như kiểu lấy học sinh làm trung tâm mà không hiểu phải làm sao để gạt chính mình ra khỏi trung tâm!
Từ nhiều năm nay, Bộ GD&ĐT chủ trương thực hiện đổi mới phương pháp dạy học trong cơ sở giáo dục. Hàng năm nhiều cuộc tập huấn cho giáo viên được tổ chức với mục tiêu tạo sự lan tỏa trong đổi mới phương pháp.
Đổi mới phương pháp trở thành một tiêu đề dễ giải trình nhất cho mọi đề xuất về việc tổ chức hội thảo – hội nghị các cấp, từ cơ sở tới địa phương, tới trung ương. Song cho đến nay đổi mới phương pháp giáo dục vẫn chỉ là một ước mơ để thầy trò cả nước vươn tới.
Nguyên nhân cốt lõi phải chăng nằm ở câu hỏi mà một đại biểu đặt ra từ cách đây hai năm trong một hội thảo về đổi mới phương pháp giáo dục được tổ chức ở TP Hồ Chí Minh: Tại sao Bộ cứ hô hào đổi mới từ cơ sở mà không đặt vấn đề đổi mới từ trên xuống?
Theo nhiều giáo viên, không phải họ không muốn học sinh thích học hơn, không phải họ cũ kỹ thiếu sáng tạo. Tuy nhiên, mọi ngọn lửa sáng tạo nếu được nhen nhúm đều không thể bùng lên bởi cách “làm theo chỉ đạo” từ trên xuống trong toàn hệ thống.
Một mặt giáo viên muốn đổi mới mặt khác canh cánh nỗi lo chạy theo các chỉ tiêu thi đua thành thử cách làm cũ vẫn được duy trì vì tạo ra các tỉ lệ phần trăm ổn định. Trong các vấn đề liên quan tới quyền lợi học sinh, danh hiệu của giáo viên, của nhà trường, của cấp trên... bao giờ cũng được đặt lên bàn cân và hầu hết trường hợp học sinh bị gạt ra khỏi vị trí trung tâm.
Tâm lý làm theo chỉ đạo hằn sâu trong tư tưởng giáo viên đến nỗi từ rất nhiều năm nay, Bộ GD&ĐT kêu gọi từ bỏ suy nghĩ “sách giáo khoa là pháp lệnh” nhưng trên thực tế, thầy cô khi đứng lớp đều lo mình dạy không giống y chang sách giáo khoa!
Đa số giáo viên không thích phát biểu ý kiến phản biện của mình về các vấn đề liên quan tới chuyên môn của mình trên các phương tiện truyền thông cũng chính là hệ luỵ từ tâm lý làm theo chỉ đạo. Ngay cả khi có ý kiến tích cực nhiều giáo viên cũng ngần ngại không dám phát biểu vì sợ đồng nghiệp đánh giá là “chơi trội”.
Một giáo viên khi được giải trong cuộc thi giáo viên dạy giỏi bao giờ cũng lồng vào câu “nhờ công sức của cả tâp thể giáo viên” khi nói về thành tích của mình... Giáo viên không dám bộc lộ cái tôi sáng tạo, làm sao họ đủ bản lĩnh khuyến khích cái tôi sáng tạo của học trò?
Sự bó buộc bởi các chỉ đạo từ trên cản trở sức sáng tạo được nhiều hiệu trưởng trường phổ thông nhận ra khi so sánh trường mình với trường ngoài công lập. Họ nói, “chúng tôi cũng từng cảnh báo với nhau, không khéo mình sẽ thua ngay trên sân nhà!”.
Thua ở đây là thua về không gian sáng tạo. Bộ sách lớp một giáo dục hiện đại của nhóm Cánh Buồm ra mắt, trong khi nhóm giáo viên các trường ngoài công lập bày tỏ sự quan tâm thì nhóm giáo viên các trường công lập ngơ ngác vì “chưa nghe Sở nói gì”!
Quả là học sinh khó mà chen vào vị trí trung tâm khi mà quyền lực vẫn nằm ở giữa!