Quyết liệt với thịt heo bẩn

Quyết liệt với thịt heo bẩn
TP - Chất cấm tạo ra heo siêu nạc đang gây hoang mang cho người tiêu dùng. Ngày 17-3, Hiệp hội chăn nuôi, cơ quan quản lý nhà nước và người chăn nuôi ở Đồng Nai đã cùng bàn thảo tìm giải pháp loại trừ chất cấm trong chăn nuôi heo.

>Chở thịt thối cho công ty chế biến thực phẩm
>Thịt siêu nạc thực chất là thịt nạc giả

Ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai đưa ra con số báo động: Sau khi có thông tin dồn dập về tình trạng người chăn nuôi sử dụng chất cấm để tạo ra heo siêu nạc, giá heo hơi từ 52 ngàn đồng đã giảm xuống còn 42 ngàn đồng/kg, trong khi giá đầu tư là 48 ngàn đồng/kg. Người chăn nuôi bị thiệt hại nặng nề, nguy cơ thiếu hụt sản lượng thịt heo, mất cân đối về giá sẽ xảy ra. Theo ông Công, thiệt hại nặng nề nhất là giảm sút lòng tin của người tiêu dùng.

Những nhà chăn nuôi khẳng định việc sử dụng chất cấm chỉ xảy ra với số ít người chăn nuôi, nhưng hậu quả là ảnh hưởng chung, thiệt hại đến từ hai phía là người tiêu dùng và người chăn nuôi, nhất là người chăn nuôi ở Đồng Nai- nơi có đàn heo lớn nhất nước. Ông Phạm Văn Bộ, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, cũng là chủ trại chăn nuôi heo lớn ở Đồng Nai nhận định: Người chăn nuôi dùng chất tạo nạc không giúp heo chóng lớn, trái lại còn giảm trọng lượng bởi sự chuyển hóa mỡ sẽ làm heo giảm trọng lượng. Giá chất tạo nạc cũng rất cao. Ông Nguyễn Duy Tường, Giám đốc Cty Dolico- đơn vị sản xuất cung cấp giống heo cho rằng để tạo ra con giống chất lượng tốt, có tỷ lệ nạc cao phải mất thời gian nhiều năm để lai tạo giống, không thể chỉ trong mười mấy ngày heo đã bung đùi, nở mông, siêu nạc như quảng cáo. Đó là sự giả tạo và phản khoa học.

Ông Phạm Đức Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, chủ doanh nghiệp sản xuất thức ăn gia súc khẳng định: Cần tìm ra người cung cấp chất cấm, xử lý nghiêm, đồng thời phạt nặng người sử dụng chất cấm, rút giấy phép những trại chăn nuôi vi phạm. Việc thông tin phản ánh tác hại của chất cấm là cần thiết để người tiêu dùng hiểu tác hại, phân biệt tẩy chay thịt bẩn. Người chăn nuôi không bán được heo siêu nạc thì chất cấm sẽ không ai sử dụng.

Ông Trần Văn Quang, Chi cục phó Chi cục Thú y Đồng Nai nhận định, người tiêu dùng phản ứng với thịt bẩn là chính xác, cái gốc là người chăn nuôi phải nhìn ra được rằng sản phẩm không an toàn thì người tiêu dùng quay lưng. Ông Quang khẳng định các ngành chức năng tỉnh Đồng Nai đã vào cuộc quyết liệt với thịt heo bẩn để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng và vực lại ngành chăn nuôi.

Bị phạt 50 triệu đồng vì dùng chất cấm để nuôi heo

Hôm qua 17-3, ông Tạ Ngọc Khang- Chi cục phó Chi cục Thú y tỉnh Bình Dương cho biết vừa ra quyết định xử phạt hành chính 50 triệu đồng đối với hai hộ chăn nuôi heo dùng chất tạo nạc nhóm Beta – agonist đã bị cấm trong chăn nuôi. Trước đó, khi lấy mẫu xét nghiệm trên đàn heo của hộ ông Nguyễn Văn Hùng, ở xã Trừ Văn Thố và hộ ông Trịnh Ngọc Quang, ở xã Lai Uyên thuộc huyện Bến Cát, cơ quan thú y phát hiện các mẫu đều dương tính với chất cấm nhóm Beta-agonist. Theo ông Khanh, có 5 đoàn công tác được Chi cục Thú y thành lập đang lấy mẫu xét nghiệm tại 200 trang trại chăn nuôi heo lớn ở Bình Dương để kiểm tra chất lượng thịt heo có nhiễm chất cấm hay không.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Điều 'kỳ lạ' ở thủ đô của Na Uy
Điều 'kỳ lạ' ở thủ đô của Na Uy
TPO - Tại các công trường xây dựng ở thủ đô Oslo của Na Uy có những bãi vật liệu xây dựng được tập kết gọn gàng, công nhân xây dựng và máy móc miệt mài làm việc, nhưng không có tiếng ồn như ở những công trường khác.