> Không thể ‘nhốt’ học sinh đến 19h
Cuộc gặp giữa Sở giao thông vận tải Hà Nội với Sở Giáo dục đào tạo, đại diện các trường, đại diện công an các quận, huyện chiều nay, 6 - 2. |
Khổ cũng phải chịu
Theo ông Mai Sỹ Nhật, Trưởng phòng quản lý công tác học sinh - sinh viên (Sở GD&ĐT Hà Nội), chủ trương đổi giờ học, giờ làm là đúng đắn, nhằm giảm tình trạng ùn tắc giao thông. Tuy nhiên, qua năm ngày triển khai, nổi lên một số khó khăn, vướng mắc trong công tác thực hiện, đặc biệt là đối với khối các trường THPT.
“Việc tan trường THPT lúc 19h là quá muộn, nhiều trường không duy trì được nếp sinh hoạt như chào cờ, sinh hoạt. Học đến 19h khi trời đã tối cũng không đảm bảo điều kiện về thể lực, ánh sáng để hoàn thiện các môn như giáo dục quốc phòng, giáo dục thể chất, chưa kể đến chi phí phát sinh do lượng điện, nước tiêu thụ tăng lên” – Ông Nhật cho biết.
Ông Nhật cũng đề cập đến việc học sinh THPT còn phải ôn tập chuẩn bị các kỳ thi tốt nghiệp, đại học sắp tới, nên việc đổi giờ học, vô hình chung sẽ gia tăng áp lực cho các em.
“Tan trường muộn như thế, nhiều em nhà xa, về học muộn, ăn cơm, tắm rửa, học bài, làm bài, sáng hôm sau lại đi học sớm, ảnh hưởng đến sức khỏe, chưa kể đến sự mất an toàn khi các em về nhà buổi tối trên đường”.
Học sinh trường THPT Quang Trung (Đống Đa - Hà Nội) tranh nhau mua bánh mỳ tại căng tin chống đói trước khi vào học tiết 5 buổi chiều. |
“Nhiều giáo viên phải nuôi con nhỏ, biết gửi con ở đâu để dạy học tới 19h. Một số trường dân lập cũng gặp rất nhiều khó khăn do phải đưa đón học sinh, sinh viên đến trường, mà lịch học của các em lại lệch nhau quá lớn” – Ông Nhật phân tích tiếp.
Tuy gặp nhiều khó khăn, nhưng ông Nhật cho biết, quan điểm của Sở là các trường phải thực hiện một cách nghiêm túc những quy định thay đổi giờ học, giờ làm. “Nhiều trường đã gửi văn bản lên Sở nói về những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện, nhưng quan điểm của Sở là phải thực hiện nghiêm túc, không cho phép các trường tự đặt ra khung giờ riêng".
“Sở cũng không cho phép các trường thu thêm bất kỳ khoản chi phí phát sinh nào. Có một số trường đã thu thêm 5.000 đồng tiền quản lý học sinh, nhưng chúng tôi đã cho dừng lại. Chúng tôi yêu cầu các trường tổng hợp lại các chi phí phát sinh, gửi lên Sở để xem xét, quyết định. Ban đầu, các khó khăn về chi phí thực hiện, Sở sẽ chi”.
Đại học xin thực hiện theo khung giờ của doanh nghiệp
Đại diện các trường đại học có mặt tại cuộc gặp đều lên tiếng ủng hộ chủ trương thay đổi giờ học, giờ làm, nhưng lại cho rằng, nếu đưa vào áp dụng sẽ có ảnh hưởng đến việc sắp xếp lịch học của trường.
Hầu hết các trường vẫn đang sắp xếp lịch học theo ba ca sáng, chiều, tối. Nếu thay đổi theo quy định mới sẽ không còn đủ thời gian để đảm bảo học được ba ca. “Trường tôi vẫn áp dụng lịch học theo ca. Ca một bắt đầu trước 7 giờ, ca hai tan học lúc 18h để chuẩn bị cho ca ba vào học và tan lúc 21h. Nếu lùi thời gian kết thúc tiết 2 lại theo đúng quy định là 19h thì tiết 3 sẽ kết thúc muộn, ảnh hưởng rất lớn tới sinh viên. Xe buýt thì hết chuyến, trong khi nhiều em nhà xa tận Long Biên” – Đại diện trường Đại học Công nghiệp Hà Nội nói.
Trao đổi về vấn đề này, đại diện Đại học Kinh doanh và công nghệ cho rằng, với những trường học ba ca, cán bộ, học sinh, sinh viên, cơ sở vật chất của nhà trường sẽ phải hoạt động hết công suất. “Chúng ta nên xem xét đến tiêu chí kinh tế xã hội để đánh giá hiệu quả của chủ trương này xem được và mất cái gì. Nếu không, chúng ta sẽ trả giá quá đắt để giảm được ùn tắc giao thông”.
Vị đại diện này cũng cho biết, nếu áp dụng giờ học mới, trường Đại học Kinh doanh và công nghệ xin hoạt động theo khung của một doanh nghiệp làm theo ca để dễ sắp xếp.
Công an quận, huyện ủng hộ
Đại diện công an quận Từ Liêm, Đống Đa, Hoàn Kiếm… - nơi áp dụng thay đổi giờ học, giờ làm đều cho rằng, chủ trương đổi giờ học, giờ làm sau năm ngày thực hiện bước đầu có hiệu quả. Khi áp dụng khung giờ mới đã giảm được lượng người và phương tiện giao thông trong giờ cao điểm, lực lượng chức năng không quá vất vả như trước.
“Tôi cho rằng, chủ trương đổi giờ làm là đúng, bởi lẽ ở một địa bàn trung tâm như Hoàn Kiếm, những nút giao thông chính như khu vực Cửa Nam, Điện Biên Phủ, ngã tư Nguyễn Khuyến, Lê Duẩn, đầu cầu Chương Dương, lượng giao thông trong giờ cao điểm có giảm đi. Một số phụ huynh ở Hoàn Kiếm đưa con đi học ở các trường THPT có bị thay đổi về mặt giờ giấc, ảnh hưởng tới sinh hoạt. Nhưng tôi cho rằng, những cái đó là nhỏ, và chúng ta đạt được cái lớn là giảm được ùn tắc giao thông” - Đại diện Công an quận Hoàn Kiếm nhận xét.
Tắc đường nghiêm trọng ở cổng trường Tiểu học, Trung học cơ sở Tô Hoàng trên đường Đại Cồ Việt ngày đầu tiên thực hiện việc đổi giờ học. |
Tuy nhiên, đại diện phòng cảnh sát giao thông Hà Nội lại cho rằng, việc thay đổi giờ học, dù đã giảm được ùn tắc ở một số điểm, lại phát sinh nhiều điểm mới ở cổng các trường tiểu học, trung học cơ sở, mà nguyên nhân là do phụ huynh đến đón con cùng lúc.
Ông Nguyễn Quốc Hùng – Giám đốc sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho rằng, những điểm ùn tắc đó là do phụ huynh, chứ không phải do việc thay đổi giờ học, giờ làm.
Kết luận hội nghị, ông Hùng cho biết, ghi nhận những ý kiến phản hồi từ Sở Giáo dục Hà Nội, đại diện các trường, công an các quận huyện và sẽ tổng hợp để báo cáo, đề ra biện pháp xử lý.
Như vậy, sau năm ngày đưa vào áp dụng, cả Sở Giao thông Vận tải và Sở giáo dục Hà Nội vẫn đang đánh giá tốt chủ trương đổi giờ học, giờ làm, trong khi đó, các thầy, cô giáo, các em học sinh vẫn đang vật lộn để chống lại sự mệt mỏi, đói khát trong những giờ học kéo dài tới 19h.