Mặt trận Tổ quốc vào cuộc vụ cưỡng chế đất đai ở Hải Phòng

Mặt trận Tổ quốc vào cuộc vụ cưỡng chế đất đai ở Hải Phòng
“Cưỡng chế hay cưỡng đoạt?” - nhiều ủy viên Ủy ban trung ương MTTQ VN cùng đặt câu hỏi này tại phiên họp tổng kết năm của Hội đồng tư vấn về dân chủ pháp luật và Hội đồng tư vấn về kinh tế ngày 18-1.

 > Thủ tướng yêu cầu làm rõ đúng, sai, trách nhiệm
 > Để không đổ máu khi thu hồi đất

Phó chủ tịch MTTQ VN Vũ Trọng Kim đồng tình với đa số ý kiến của hai hội đồng trên về việc “đề nghị Chính phủ chỉ đạo thanh tra toàn diện vụ cưỡng chế đất của ông Đoàn Văn Vươn ở xã Vinh Quang (Tiên Lãng, Hải Phòng), đưa ra xét xử công bằng trước pháp luật mọi đối tượng vi phạm, MTTQ VN sẽ sớm cử đoàn công tác tới tận địa phương giám sát vụ việc này”.

Theo ông Kim, MTTQ VN cần thành lập đoàn giám sát, tìm hiểu thật kỹ để đưa ra kết luận chính xác về vụ việc. Trước mắt, qua nhiều kênh thông tin khác nhau, nhiều ý kiến trong Mặt trận bày tỏ sự băn khoăn về vụ việc cưỡng chế thu hồi đất ở Tiên Lãng.

“Pháp luật quy định giao đất nuôi trồng thủy sản phải 20 năm. Vậy vấn đề thi hành pháp luật trong vụ cưỡng chế này thế nào? Việc huy động cả lực lượng quân đội tham gia cưỡng chế có vi hiến hay không? Chính quyền có phải bồi thường cho dân khi san phẳng ngôi nhà không thuộc diện tích cưỡng chế không? Việc dư luận cho rằng chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng và chủ tịch UBND xã Vinh Quang là anh em ruột, có vấn đề gì đằng sau đó không? Ông Vươn chống người thi hành công vụ có những tình tiết gì tăng nặng hay giảm nhẹ? Ông Vươn có bị dồn đến đường cùng hay không?... Đó là hàng loạt câu hỏi dư luận đang rất bức xúc, đòi hỏi các cơ quan chức năng trả lời để rút ra bài học sau vụ Tiên Lãng, lấy lại lòng tin cho nhân dân” - ông Kim nói.

Bình luận về khía cạnh pháp lý của vụ việc, phó chủ nhiệm Hội đồng tư vấn dân chủ pháp luật Lê Đức Tiết cho biết chính sách nhất quán của Nhà nước là khuyến khích dân khai hoang, phục hóa. Trên khu đầm 40ha ấy, ông Vươn và gia đình đã đổ mồ hôi, thậm chí là sinh mạng con gái đầu lòng. Việc cải tạo đất hoang, tổ chức sản xuất của ông ấy là ích nước lợi nhà.

“Trong khi đó, câu hỏi đặt ra là thu hồi đất để làm gì thì đến nay chính quyền chưa trả lời được. Qua theo dõi, từ phát biểu của chủ tịch, rồi chánh văn phòng UBND huyện Tiên Lãng đến phó chủ tịch UBND TP Hải Phòng đều nhấn mạnh phải xử lý nghiêm đối tượng chống người thi hành công vụ, nhưng lại không thấy nói nếu chính quyền sai thì xử lý thế nào. Tôi đồng tình với ý kiến nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh là nếu không xử lý công bằng, nghiêm minh vụ việc này sẽ ảnh hưởng đến lòng tin của nhân dân” - ông Tiết nhấn mạnh.

Đồng tình với ý kiến này, GS.VS Trương Công Phú - chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về kinh tế - nêu quan điểm: “UBND huyện làm trái luật phải bị xử lý trước pháp luật. Nếu chính quyền sai thì tội phải nặng hơn tội của ông Vươn”.

Theo Lê Kiên
Tuổi Trẻ

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG