Thịt bẩn vào Việt Nam do luật hổng

Thịt bẩn vào Việt Nam do luật hổng
TP - Gần đây, gia tăng số vụ vận chuyển, tiêu thụ nội tạng, chân gà, chân, đuôi trâu bò… đã có mùi hôi thối, nhập vào Việt Nam. Bộ NN&PTNT thừa nhận có lỗ hổng pháp luật.

> Ớn lạnh thịt thối
> Thực phẩm bẩn vào TPHCM: Có ngày thu cả tấn
> Thịt bẩn ào vào thành phố

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Cuộc tranh cãi nhiều ngày giữa doanh nghiệp và cơ quan quản lý quanh chuyện tạm nhập tái xuất 2 lô hàng (108 tấn) chân gà đã bốc mùi hôi, thối của Cty TNHH chế biến thủy sản xuất khẩu Quảng Ninh, đã có hồi kết, khi Bộ NN&PTNT buộc doanh nghiệp phải tiêu hủy hoặc tái xuất khỏi Việt Nam. Nhìn lại vụ việc, thấy có lỗ hổng lớn về pháp luật.

Cty này mở tờ khai hải quan theo loại hình nhập khẩu gia công (để được đi theo luồng xanh, không phải kiểm tra) tại Chi cục Hải quan Cửa khẩu Móng Cái, còn hàng được nhập chuyển về cửa khẩu ở cảng Hải Phòng.

Theo khai nhận, lô hàng trên nhập từ Ấn Độ, về Việt Nam gia công để xuất sang Trung Quốc. Khi cơ quan Thú y vùng II phát hiện, lấy mẫu kiểm nghiệm thì số chân gà đông lạnh trên đã bị phân hủy, có mùi hôi, thối và không thể sử dụng làm thực phẩm cho người tiêu dùng. Sau đó, cơ quan Thú y lập biên bản, đồng thời thông báo để Cty hoàn tất thủ tục để tái xuất hoặc tiêu hủy, nhưng Cty đã không thực hiện.

Từ vụ việc trên, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Diệp Kỉnh Tần, thừa nhận: “Ở đây có lỗ hổng về pháp luật. Lâu nay hàng tạm nhập, tái xuất mình không có quy định kiểm tra cụ thể, nên các doanh nghiệp cho rằng hàng tạm nhập tái xuất mình không được kiểm tra, không được can thiệp. Như thế là họ lợi dụng, thậm chí, họ nhập để tái xuất, nhưng họ không tái xuất, mà tái chế tiêu thụ nội địa cũng khó biết”.

Ông Nguyễn Hồng Bảo, Phó chi Cục trưởng Quản lý thị trường Hà Nội cho biết, theo quy định, mức xử phạt cao nhất với các vi phạm trong lĩnh vực này chỉ 2 triệu đồng. Hơn nữa, hiện, cách xử phạt chủ yếu vẫn dựa vào hành vi, chưa dựa vào giá trị hàng hóa, là bất hợp lý.

Ông Bảo cho hay, phần lớn hàng nội tạng đông lạnh, không có nguồn gốc, đều có nguồn từ Trung Quốc. "Không hiểu sao, hàng về đến Hà Nội mới bị bắt. Tại Hà Nội, có những đối tượng chuyên thu gom tim, cật, tràng, dạ dày, chân gà…, sau đó đóng vào thùng xốp, ướp đá rồi chuyển đi khắp nơi để bán” - Ông Bảo nói.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Tri thức may, mặc áo dài Huế là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia
Tri thức may, mặc áo dài Huế là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia
TPO - Theo Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Thừa Thiên-Huế (TT-Huế), Tri thức may, mặc áo dài Huế được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là thành quả thực hiện đề án Huế - Kinh đô Áo dài Việt Nam là điều kiện, cơ sở quan trọng để tỉnh tiếp tục lộ trình hoàn thiện hồ sơ trình UNESCO đưa vào danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.