> Lòng đất Quảng Nam phát nhiều tiếng nổ lớn
Nhà dân xuất hiện vết nứt sau các đợt rung chấn. Ảnh: Nguyễn Thành . |
Hơn 200 dư chấn
Theo dân địa phương, các rung chấn bắt đầu xuất hiện từ cuối năm 2010, khi đập dâng thủy điện Sông Tranh 2 tích nước để phát điện các tổ máy. Tần suất và mức độ dư chấn ngày càng lớn. Tính đến nay, tại khu vực Bắc Trà My đã xảy trên 200 vụ dư chấn lớn nhỏ.
Các xã thường xuyên xảy ra dư chấn là Trà Tân, Trà Đốc, Trà Giác, Trà Bui, Trà Giang, Trà Sơn, Trà Dương, thị trấn Trà My (huyện Bắc Trà My) và Trà Leng, Trà Dơn (huyện Nam Trà My). Đây là các vùng nằm trong bán kính khoảng 30km xung quanh vùng lòng hồ thủy điện Sông Tranh 2.
Tất cả các dư chấn đều bắt đầu từ một tiếng nổ lớn, sau đó xảy ra rung chuyển mặt đất và đồ dùng, vật dụng. Phần lớn nhà dân, vật dụng trong nhà đều bị chao đảo, nhiều nhà bị nứt móng, tường và nền nhà. Có nhà bắt bóng điện sát tường đã bị lay đập vỡ.
Tuy chưa có thiệt hại lớn, nhưng phần lớn người dân địa phương đều tỏ ra hoang mang. Đặc biệt, trong đêm 16 rạng sáng 17 và đêm 27-11 mới đây, xảy ra tới 4 lần dư chấn với cường độ khá mạnh. Những cơ sở sản xuất thường làm việc vào ban đêm khi xảy ra dư chấn, nhà cửa, vật dụng rung chuyển dữ dội, những người lao động ban đêm hoảng loạn, sợ bị sập nhà, đổ xô ra đường và những bãi đất trống lánh nạn.
Ông Đặng Phong - Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My, xác nhận: “Đêm 17-11 và đêm 27-11 rung chấn xảy ra với mức độ mạnh, tôi đang ngồi làm việc thì màn hình máy tính và nhiều vật dụng trong nhà rung chuyển”.
Anh Đặng Anh Tuấn, trú tại tổ Đàn Nước (thị trấn Trà My), nói: “Mấy ngày gần đây, hầu như đêm nào cũng xảy ra dư chấn. Đêm 27-11, rung động mức độ mạnh nhất từ trước đến nay, tôi cảm nhận được mặt đất nhà cửa và rung chuyển kèm theo những tiếng nổ lớn”.
Do “động đất”?
Có mặt tại xã Trà Tân và Trà Đốc khu vực nằm ngày dưới chân đập hồ thủy điện Sông Tranh 2, hỏi chuyện, người dân ai cũng bảo đó là “động đất”. Nhiều gia đình trong khu vực bị nứt nẻ tường sau các đợt rung chấn.
Chị Dương Thị Thiều (32 tuổi) chủ cửa hàng tạp hóa tại thôn 4 Trà Tân cho biết: “Sau những tiếng nổ lớn thì nhà cửa rung chuyển, mỗi lần như vậy cả nhà tôi hoảng loạn chạy ra khỏi nhà vì sợ động đất, sập nhà”. Ngôi nhà của chị Thiều đã xuất hiện nhiều vết nứt ở tường.
Ông Hồ Văn Lợi - Chủ tịch UBND xã Trà Đốc, cho biết: “Ngay cả nhà tôi cũng bị nứt sau rung chấn. Chưa thống kê hết số nhà bị nứt nẻ vì các thôn nằm rải rác. Xã đã đi kiểm tra, ban đầu nắm được có khoảng 10 nhà dân bị nứt sau đợt rung chấn đêm 27-11 vừa qua. Người dân rất lo lắng”.
Tại trường THPT dân tộc nội trú Nước Oa (Bắc Trà My), hầu hết học sinh nội trú và giáo viên nhà trường đều cho biết: cảm nhận rất rõ các rung chấn xảy ra liên tiếp trong thời gian qua. Ông Huỳnh Bình, bảo vệ nhà trường cho hay: “Học sinh ở trường đã quá quen với các rung chấn, nên các em không hoảng sợ nữa. Trước đây, mỗi lần có rung chấn các em chạy ra khỏi phòng nhốn nháo”.
Huyện kêu nhiều, chưa thấu
UBND huyện Bắc Trà My đã nhiều lần làm văn bản đề nghị cơ quan chức năng tỉnh Quảng Nam vào cuộc tìm hiểu, giải thích để địa phương có cơ sở thông báo, giải tỏa tâm lý cho người dân. Tuy nhiên, đến nay chưa có bất cứ đoàn chuyên ngành nào đến địa phương để tìm hiểu nguyên nhân của hiện tượng này.
Ông Đặng Phong - Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My, đề nghị: “Địa phương cần có câu trả lời của các nhà chuyên môn để sớm ổn định cuộc sống cho người dân”.
“Chúng tôi lo ngại nhất là tại các khu tái định cư thủy điện Sông Tranh tại xã Trà Bui và Trà Đốc chịu tác động mạnh nhất của các vụ rung chấn do gần lòng hồ thủy điện Sông Tranh 2. Rất dễ xảy ra tình trạng di dân tự do, gây phức tạp thêm tình hình cho địa phương do khu vực tái định cư chủ yếu là người dân tộc Mơ Nông và Ca Dong, vốn đã không thích ở trong các nhà làm bằng bê tông, dễ nứt nẻ sau các vụ rung chấn” - ông Trần Anh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My cho biết.
Chưa chắc do động đất Thưa ông, vì sao ông cho rằng tiếng nổ liên tiếp trong lòng đất gần công trình thủy điện Sông Tranh 2, huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam, khó có thể do nguyên nhân nội sinh như động đất chẳng hạn? PGS.TS Đặng Hữu Diệp, Giám đốc Liên hiệp Địa chất Công trình Xây dựng&Môi trường (UGCE), Phó Chủ tịch Tổng hội Địa chất Việt Nam: Có ý kiến đề cập đến đới đứt gãy tại vùng Bắc Trà My thời gian qua có thể đang hoạt động mạnh với việc ghi nhận được các dư chấn có độ mạnh gần 3,5 độ richter. Ý kiến này cho rằng nguyên nhân của các tiếng nổ trong lòng đất có thể do động đất. Tôi không phủ nhận nhưng cũng không tán thành lắm. Thứ nhất, nếu có tác động nội sinh từ lòng đất, sẽ xảy ra hiện tượng biến dạng hoặc sụt lún mặt đất. Thứ hai, nếu động đất mạnh đến mức gây tiếng nổ, vùng mặt đất rung chuyển phải rộng hơn nhiều, thay vì chỉ giới hạn ở bán kính 30 km như địa phương phản ánh. Thứ ba, nếu nói hồ thủy điện Sông Tranh 2 có thể gây tiếng nổ thì cần phải tìm hiểu kỹ kết cấu địa chất bên trong. Còn căn cứ vào những gì chúng ta nhìn thấy, độ cao cột nước và diện tích hồ khó có thể đủ sức gây ra các biến dạng vật lý lớn đến mức gây tiếng nổ trong lòng đất. Phải là những hồ thủy điện lớn kiểu như Tam Hiệp bên Trung Quốc với độ cao cột nước hàng trăm mét mới có khả năng làm tăng thêm cấp động đất thêm 1-2 cấp, chứ bản thân nó cũng không đủ sức gây ra động đất. Vậy có phải do nguyên nhân ngoại sinh? Nếu là nguyên nhân ngoại sinh thì phải quan sát thấy những chỗ trượt hoặc sụt đất. Tuy nhiên, thông tin mà tôi nhận được cho thấy, chưa phát hiện chỗ nào ở khu vực phát ra tiếng nổ có hiện tượng như vậy. Theo tôi, cần sớm huy động các nhà khoa học đến tìm hiểu hiện tượng này. |