Tái cấu trúc hệ thống ngân hàng như phun thuốc trừ sâu

Tái cấu trúc hệ thống ngân hàng như phun thuốc trừ sâu
TPO - Chiều 24-11, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình bắt đầu đăng đàn trả lời chất vấn của các đại biểu tại kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIII, trong đó có vấn đề về tái cấu trúc hệ thống ngân hàng.

> Điện lỗ, xăng dầu có lãi
> 'Chất lượng giáo dục đại học còn bất cập, yếu kém'
> Không cho nước ngoài thuê đất trồng rừng

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình. Ảnh: VNE
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình. Ảnh: VNE.

Tại phiên chất vấn, nhiều vấn đề được các đại biểu đặt ra cho Thống đốc Nguyễn Văn Bình như: giải pháp tái cơ cấu và đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng; công tác quản lý, kiểm tra, thanh tra các ngân hàng; biện pháp xử lý tổ chức tín dụng, cán bộ nhân viên các ngân hàng vi phạm; giải pháp chống lạm phát nhưng không để nền kinh tế rơi vào trì trệ…

Ngay tại câu hỏi chất vấn đầu tiên của Đại biểu Nguyễn Văn Tuyết (Bà Rịa - Vũng Tàu) đã quan tâm: Hiện nay có bao nhiêu ngân hàng hoạt động yếu kém cần giám sát? Phương án tái cơ cấu ngân hàng thời gian tới? Hay Đại biểu đến từ đoàn Lâm Đồng cũng quan tâm: Để thực hiện chủ trương tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, Thống đốc cho biết có giải pháp nào mang tính đột phá và thời gian là bao lâu

Cũng trong phiên chất vấn chiều 24-11, Thống đốc Nguyễn Văn Bình trả lời mối quan tâm của nhiều đại biểu về vấn đề lãi suất 14%. Thống đốc cho biết: Thời điểm 14% là thời điểm ấn định lãi suất có ý nghĩa hết sức tích cực. Tôi công nhận cuối năm 2010 mà ấn định lãi suất 14 % thì bà con gửi tiền có phần bị thiệt.

Sai lầm của chúng ta là đã để trần lãi suất như vậy tồn tại quá lâu. Từ tháng 8 trở lại đây, lãi suất bắt đầu giảm nên trần lãi suất phù hợp.

Chúng ta trả lãi suất cho một năm tiếp theo chứ không phải là cho năm đã qua.

Thống đốc cho biết, tái cấu trúc hệ thống ngân hàng là hoạt động nhạy cảm. Việc thực hiện tái cấu trúc hệ thống ngân hàng phải làm sao để các ngân hàng hoạt động ổn định, góp phần ổn định, hỗ trợ việc phát triển kinh tế trong thời gian tới. “Cần phải có cách nhìn, cách quan niệm đối với tái cấu trúc hệ thống ngân hàng cho đúng. Phải coi vấn đề tái cấu trúc hệ thống ngân hàng là việc làm bình thường”. Bình thường bởi vì mô hình phát triển theo chiều rộng trong 20 năm đổi mới đã gặt hái nhiều thành công; đứng vững trước nhiều đợt biến động, khó khăn.

Hiện nay, chúng ta đặt ra việc tái cấu trúc không phải vì hệ thống ngân hàng đến mức độ yếu kém quá nên buộc phải tái cấu trúc nếu không thì nguy hiểm. “Mặc dù có nguyên nhân đó nhưng không hoàn toàn như vậy”, Thống đốc Bình khẳng định.

Về câu hỏi của đại biểu có bao nhiêu ngân hàng yếu kém, Thống đốc cho biết: Nếu tính 37 ngân hàng cổ phần, chỉ có 8 ngân hàng hoạt động yếu kém (chiếm 1/5).

Trình bày vấn đề tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết: Ngân hàng Nhà nước đã hoàn thành xong đề án, trong tháng 11 sẽ trình Chính phủ thông qua. Trọng tâm của đề án là đảm bảo xây dựng hệ thống ngân hàng lành mạnh, đủ sức cạnh tranh, đa dạng về quy mô, đa dạng về loại hình sở hữu. Dự kiến sẽ có 2 ngân hàng có thể cạnh tranh trong khu vực, 10 ngân hàng đủ sức làm trụ cột trong toàn hệ thống, và khoảng 10 ngân hàng hoạt động lành mạnh phục vụ các đối tượng. Ngoài ra cũng có một số tổ chức tài chính phục vụ các mục đích khác.

Trước ý kiến cho rằng chúng ta nhiều ngân hàng quá, Thống đốc trình bày: Chúng ta chỉ nhiều và đang thừa ngân hàng yếu, nhưng vẫn thiếu nhiều dịch vụ ngân hàng. Đề cập đến việc đảm bảo hệ thống ngân hàng lành mạnh nhưng vẫn phải đảm bảo đủ dịch vụ đáp ứng cho người dân, Thống đốc Nguyễn Văn Bình đã ví: "Tái cấu trúc hệ thống ngân hàng phải làm sao như phun thuốc cho cây lúa, diệt được sâu nhưng vẫn phải đảm bảo cho cây lúa xanh tốt".

Theo Viết
MỚI - NÓNG