Điện lỗ, xăng dầu lãi

Điện lỗ, xăng dầu lãi
TPO – Chiều 24-11,  trả lời chất vấn Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài Chính Vương Đình Huệ cho biết, chín tháng đầu năm, ngành điện lỗ 680 tỷ đồng, trong khi ba năm trở lại đây, doanh nghiệp xăng dầu có lãi.

> “Chất lượng giáo dục đại học còn bất cập, yếu kém”

 
Điện lỗ, xăng dầu lãi ảnh 1

Bộ trưởng Bộ Tài Chính Vương Đình Huệ.

Năm 2011, kế hoạch lỗ của EVN trên 11 nghìn tỷ đồng

Đại biểu Phùng Văn Hùng (Cao Bằng) yêu cầu Bộ trưởng Bộ Tài chính trả lời nguyên nhân vì đâu Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) liên tục kêu lỗ. Nguyên nhân gây lỗ này do đâu? Ông Hùng đặt câu hỏi, đến bao giờ các doanh nghiệp như EVN và xăng dầu công khai minh bạch? Sắp tới, công tác điều hành và quản lý giá có gì mới?

Cùng mối quan tâm đến EVN, đại biểu Lê Thị Nga (Thái Nguyên) thắc mắc, tại sao EVN liên tục kêu lỗ nhưng lương nhân viên lại đạt mức 7,3 triệu đồng/tháng. Hơn nữa, lãnh đạo còn cho rằng, mức lương đó không đủ sống? “Vậy có phải chúng ta đang để cho tình trạng “từ độc quyền nhà nước, sang độc quyền doanh nghiệp” hay không?

Trao đổi về vấn đề này, Bộ trưởng Vương Đình Huệ cho rằng, nguyên tắc quản lý điều hành giá điện, xăng dầu, than, dịch vụ công và các mặt hàng thiết yếu khác đều theo cơ chế thị trường có sự quản lý Nhà nước. Nguyên tắc thị trường là tôn trọng định giá của doanh nghiệp trên cơ sở đầu vào, chi phí, đảm bảo doanh nghiệp có mức lãi phù hợp.

Nhu cầu điện của nước ta rất lớn. Nếu không có mức giá phù hợp sẽ không thu hút được đầu tư trong và ngoài nước. Nguyên tắc thị trường không cho bao cấp tràn lan và bù chéo cho nhau.

Hiện nay, than đang tính giá bán cho điện thấp hơn rất nhiều so với các sản phẩm cùng loại. Ngành điện cũng đang bao cấp cho sản xuất thép và sản xuất xi măng. Theo kết quả kiểm toán nhà nước năm 2010, số điện cung cấp cho xi măng và thép lên tới hơn 11% lượng điện thương phẩm. Giá điện bán cho sản xuất thép chỉ ở mức 914 đồng. Tính ra, điện đang bao cấp chéo cho thép lên đến 2.547 tỷ đồng.

"Theo tôi, giải pháp của mọi giải pháp trong điều hành và quản lý giá đó là vấn đề minh bạch và công khai.

Nhà nước phải minh bạch về chính sách, nếu chính sách có vấn đề và chưa phù hợp thì phải sẵn sàng xem xét và phải điều chỉnh lại cho phù hợp.

Cán bộ các cấp và đơn vị thực thi công vụ phải minh bạch về trách nhiệm. Trách nhiệm của công chức là phải thực thi pháp luật.

Doanh nghiệp phải minh bạch về số liệu và công khai theo quy định của pháp luật. Nếu không đảm bảo được công khai minh bạch thì điều chỉnh giá khó mà thành công, đặc biệt tái cấu trúc nền kinh tế khó mà giành thắng lợi"  - Bộ trưởng Vương Đình Huệ

Thông tin về tình hình kinh doanh, bộ trưởng Huệ cho biết, năm 2010, EVN lỗ hơn 8.040 tỷ đồng, 15.000 tỷ đồng lỗ do chênh lệch tỷ giá, tổng cộng lỗ hơn 23.500 tỉ đồng.

Nguyên nhân lỗ do EVN mua điện giá cao ở các doanh nghiệp ngoài ngành. Chẳng hạn, EVN mua điện của Nhà máy điện Hiệp Phước giá 2.343 đồng/kWh, mua của Formosa 1.666 đồng/kWh, nhiệt điện Cái Lân 1.381 đồng/kWh...

Năm 2011, kế hoạch lỗ của EVN là trên 11 nghìn tỷ đồng. Qua chín tháng đầu năm, lỗ thực 680 tỷ đồng. EVN tiết giảm được 460 tỷ tiền vật tư và chi phí sửa chữa. Cả tháng bốn, năm, sáu, bảy, không phải tiết giảm điện, tuy nhiên đến tháng 10, 11, việc đưa hai nhà máy Nam Côn Sơn và PM3 Cà Mau phải mua dầu chạy giá cao nên phát sinh tổng cộng 2.655 tỷ. Tổng cộng năm 2011 lỗ 3.540 tỷ đồng, chưa kể chênh lệch tỷ giá.

Ông Huệ cho biết, Bộ Tài chính, Bộ Công thương và Tập đoàn điện lực đã ngồi với nhau và dự kiến giá điện năm 2012 sẽ là giá của năm 2011 cộng thêm các chi phí, tỷ giá theo năm 2011 và không tính những khoản lãi của EVN, giữ nguyên giá tiêu thụ than cho điện. Như vậy, giá điện ở mức khoảng 1.242 đồng, tăng khoảng 4,6% so với giá điện hiện nay. Giá điện 2012 chỉ phân bổ ¼ lỗ của năm 2010 và 1/3 lỗ của năm 2011. 

Bộ trưởng Huệ cũng khẳng định, tiền bán điện cho hộ nghèo vẫn như hiện nay, hộ tiêu thụ mức trung bình giá vẫn đảm bảo thấp hơn mức bình quân chung.

Trả lời thắc mắc của đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương về tình trạng EVN mua điện giá rẻ của các doanh nghiệp khác, bộ trưởng Vương Đình Huệ thừa nhận đây là sự thật.

“Nhóm doanh nghiệp mà tập đoàn mua điện giá thấp hầu hết đều là thủy điện. Các hợp đồng đều được thỏa thuận theo nguyên tắc thị trường và có điều khoản không được thay đổi trong 40 năm. Đến nay, do chênh lệch tỷ giá, lãi suất nên mức tiền mua của EVN không đủ bù đắp cho các doanh nghiệp này trang trải chi phí". Bộ trưởng Huệ cho biết, sẽ xem xét lại các điều khoản trong hợp đồng và thay đổi.

Petrolimex có lãi

Đại biểu Đặng Thế Vinh (Long An) đề nghị bộ trưởng Vương Đình Huệ giải thích vì sao giá xăng, dầu trong nước không theo mức giá của thế giới: “Khi giá xăng thế giới tăng, thì ngay lập tức giá trong nước cũng tăng theo, nhưng khi giá thế giới xuống, sao giá xăng trong nước không giảm?”.

Đại biểu Vinh yêu cầu bộ trưởng làm rõ vấn đề điều hành giá xăng dầu ra sao, biện pháp ổn định giá xăng dầu trong thời gian tới cụ thể thế nào?

Cùng chung mối quan tâm, đại biểu Nguyễn Thị Anh (Lâm Đồng) cũng yêu cầu bộ trưởng Vương Đình Huệ công bố rõ ràng kết quả thanh tra tình hình kinh doanh xăng dầu, lỗ lãi thế nào?

Bộ trưởng Vương Đình Huệ nhắc lại trong năm 2011, đã điều chỉnh tăng, giảm giá xăng dầu bốn lần, trong đó hai lần tăng, hai lần giảm. Bộ trưởng nhấn mạnh, xăng dầu trong nước nhập khẩu tới 70%, và hoàn toàn phụ thuộc vào giá xăng, dầu thế giới.

Giải thích về sự tăng giảm của xăng, dầu trong nước, Bộ trưởng Huệ cho biết, giá xăng dầu được tính trên cơ sở giá xăng dầu thành phẩm của thế giới, chứ không phải giá dầu thô, nên nhiều khi giá dầu thô thế giới tăng giảm, giá trong nước vẫn không điều chỉnh được.

Liên quan đến việc doanh nghiệp xăng dầu lỗ hay lãi, Bộ trưởng Bộ Tài Chính khẳng định có lãi. Dẫn báo cáo kết quả kiểm toán trong ba năm liền của Công ty Deloitte, Bộ trưởng Huệ cho hay, năm 2008 Petrolimex lãi 913,7 tỉ đồng, trong đó kinh doanh xăng dầu 642 tỉ đồng. Năm 2009 lãi 3.217 tỉ đồng, trong đó kinh doanh xăng dầu lãi 2.660 tỉ đồng, còn lại là lãi từ các đầu tư khác. Năm 2010, doanh nghiệp này lãi 314 tỉ đồng, trong đó xăng dầu lỗ 172 tỉ đồng, nhưng các ngành khác lãi gần 200 tỉ đồng.

Trước câu hỏi của các đại biểu về thông tin thu nhập trung bình của ngành điện đạt 7,3 triệu đồng mà lãnh đạo EVN vẫn thấy xót xa vì quá thấp, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho rằng EVN cần phân tích cụ thể, chi tiết thì mới mong nhận được sự thông cảm của dư luận.

Ông Hoàng cho biết, điện là ngành nguy hiểm nên mức phụ cấp cho công nhân chiếm 25% mức lương. Nói là 7,3 triệu đồng một tháng, nhưng thực ra, thu nhập ròng của nhân viên EVN chỉ là 5,4 triệu đồng, trợ cấp chiếm 1,9 triệu.

Ông Hoàng cũng khẳng định, EVN là tập đoàn nhà nước, và bảng lương, mức lương đều do Bộ Lao động Thương binh và Xã hội quy định. EVN không tự quyết định được mức lương trả cho lao động.

Về vấn đề Petrolimex kinh doanh lỗ hay lãi, ông Hoàng cho biết, tập đoàn Petrolimex kinh doanh năm lĩnh vực, trong đó có xăng dầu. Nếu tính chung tất cả thì Petrolimex lãi, còn tính toán riêng mặt hàng kinh doanh xăng dầu thì bị lỗ.

Theo Viết
MỚI - NÓNG
5 công trình ở TPHCM vừa được xếp hạng Di tích Kiến trúc-Nghệ thuật
5 công trình ở TPHCM vừa được xếp hạng Di tích Kiến trúc-Nghệ thuật
TPO - Sở Văn hoá- Thể thao (VH-TT) TPHCM vừa công bố quyết định xếp hạng Di tích Kiến trúc - Nghệ thuật cấp thành phố cho 5 công trình gồm Chợ Bến Thành, Đền thờ Đức Thánh Trần Hưng Đạo, trụ sở Ủy ban nhân dân Quận 1, trụ sở Cục Hải quan TPHCM, khu mộ ông Binh Bộ Kiểm duyệt Ty Thừa vụ lang họ Trần.