> Kỳ vọng mới về vấn đề cũ
> 40% vụ tai nạn giao thông xuất phát từ rượu bia
Vụ tai nạn giữa xe khách và xe đầu kéo trên quốc lộ 1 A đoạn qua huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam. Ảnh: Trần Tình. |
Chính phủ nhận định, TNGT đang là thảm họa và có thể coi là quốc nạn cần kiên quyết ngăn chặn. Hàng loạt biện pháp mạnh mẽ, cứng rắn đã được đưa ra với mong muốn đẩy lùi ùn tắc và TNGT.
Quản lý thiếu sót, ý thức kém
Theo Chính phủ, mặc dù đã ban hành nhiều chủ trương, khung pháp lý, giải pháp cả trước mắt và lâu dài trong gần 10 năm qua, nhưng tình trạng ùn tắc, TNGT vẫn đang diễn biến ngày càng phức tạp, gây bức xúc cho xã hội.
Việc giảm thiểu số vụ TNGT không có tính ổn định vì số vụ và số người chết do TNGT vẫn ở mức cao. Theo số liệu thống kê từ năm 2007 đến nay, bình quân ở nước ta mỗi năm có 11.929 người chết và 9.290 người bị thương do TNGT.
Nếu so sánh với thảm họa sóng thần và động đất xảy ra tại Nhật Bản ngày 11-3-2011, thì số người chết vì TNGT một năm bằng 75,55% số người chết do thảm họa sóng thần; số người bị thương vì TNGT bằng 156,58% số người bị thương so thảm họa sóng thần. "Thiệt hại về người và tài sản do TNGT gây ra đang là thảm họa và có thể coi là quốc nạn mà chúng ta cần kiên quyết giảm thiểu"- Báo cáo nhận định.
Về nguyên nhân TNGT, Chính phủ cho rằng, chủ yếu do công tác quản lý nhà nước về trật tự an toàn giao thông (ATGT) của các cấp còn thiếu sót; ý thức chấp hành pháp luật về trật tự ATGT của người tham gia giao thông còn rất kém. Nhận thức và hành động của các cấp, ngành trong công tác bảo đảm ATGT chưa thực sự quyết liệt, chưa tập trung giải quyết các giải pháp thuộc trách nhiệm được giao.
Ngoài ra, cơ sở hạ tầng giao thông được đầu tư không đáp ứng kịp với tốc độ phát triển của xa hội. So với năm 2003, ô tô tăng gấp 2,75 lần, xe máy tăng gấp 2,96 lần trong khi hạ tầng được cải thiện chưa đáng kể.
Công tác kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm của một bộ phận cán bộ chưa quyết liệt, không đảm bảo tính răn đe, nhiều nơi còn xảy ra tiêu cực, thiếu nghiêm minh khi xử lý vi phạm.? Một nguyên nhân nữa cần phải kể đến là chế tài xử lý chưa đủ mạnh, dẫn đến tình trạng nhờn luật, cố tình vi phạm pháp luật.
Xe container mất lái đâm vào 1 xe tải và húc đổ nhà dân tại phường Lam Khê, thị xã Uông Bí, Quảng Ninh chiều 13-11-2011. Ảnh: Xuân Phú. |
Quyết giải phóng vỉa hè
Chính phủ đặt mục tiêu giảm 5- 10% số vụ tai nạn, số người chết, bị thương do TNGT hằng năm. Từng bước cải thiện tình trạng ùn tắc giao thông tại Hà Nội và TPHCM trong năm 2012, giảm thiểu tối đa các vụ ùn tắc giao thông kéo dài trên 30 phút.
Một loạt giải pháp "nóng" được Chính phủ đưa ra là, xử phạt cao nhất các hành vi chạy quá tốc độ, đi sai làn đường, chở quá tải hoặc quá số người quy định…Tịch thu phương tiện tham gia đua xe trái phép. Đẩy mạnh phong trào chống tiêu cực trong thi hành nhiệm vụ tuần tra, xử lý vi phạm trật tự ATGT.
Chính phủ yêu cầu Hà Nội và TP HCM thực hiện ngay các giải pháp cấp bách về tổ chức giao thông, điều chỉnh thời gian làm việc, học tập, xây dựng các cầu vượt lắp ghép dành cho phương tiện tải trọng nhẹ và xe mô tô đi qua một số nút giao thông chính. |
Về lâu dài, cần xây dựng và triển khai đề án khai thác đường Hồ Chí Minh, giảm tải phương tiện trên tuyến quốc lộ 1. Đầu tư hệ thống giám sát giao thông bằng camera trên các tuyến quốc lộ và đường đô thị. Nâng cao mức phạt vi phạm hành chính…
Chính phủ cũng khẳng định sẽ lập lại trật tự, kỷ cương đường phố, giải phóng vỉa hè cho người đi bộ. Bố trí lệch giờ làm việc, học tập trong ngày giữa các đối tượng. Cấm taxi, ô tô cá nhân tham gia giao thông trên một số tuyến phố trong giờ cao điểm…
Giải pháp dài hạn, quy hoạch khu đô thị phải đáp ứng quỹ đất cho giao thông từ 16 đến 26%. Di dời các cơ quan hành chính, trường học; dừng mở rộng các bệnh viện trong khu vực trung tâm thành phố. Đầu tư, phát triển giao thông công cộng, xây dựng hệ thống vận tải đô thị khối lượng lớn như tàu điện ngầm, đường sắt đô thị, xe buýt nhanh vận chuyển khối lượng lớn…
Chính phủ chính thức đề nghị QH ban hành Nghị quyết về bảo đảm ATGT và tổ chức giám sát theo luật định.