Phạt nặng để xã hội có trật tự, kỷ cương

Đến nay mới chỉ phạt được 3-4 người hút thuốc lá không đúng nơi quy định
Đến nay mới chỉ phạt được 3-4 người hút thuốc lá không đúng nơi quy định
TP - Thảo luận tại tổ chiều 10-11 về Luật Xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC), nhiều đại biểu QH cho rằng xử phạt nặng để quản lý xã hội đi vào trật tự, kỷ cương.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị cho rằng, dự thảo luật đã có bước thay đổi đáng kể là tăng mức xử phạt lên tương đối cao. Khung tối đa lên 2 tỷ đồng là hợp lý. Ông Nghị cho biết, trước đây ở Hà Nội, xử lý vi phạm trong lĩnh vực xây dựng thì mức tối đa chỉ 50 triệu đồng. Có tòa nhà xây vượt 8 tầng nếu chỉ bị phạt 50 triệu thì có khi họ còn “cảm ơn mời thuốc thơm” vì được tồn tại. Khi đó, thành phố đã rất kiên quyết buộc khôi phục lại đúng nguyên trạng theo giấy phép.

“Trước khi xử lý tôi biết đối tượng vi phạm đang muốn chạy bằng tất cả các kênh, mối quan hệ, thậm chí mời cả luật sư để tư vấn Hà Nội làm như vậy có sai luật không. Các mối quan hệ thì tôi không ngại rồi. Tôi bảo từ Trung ương trở lên là tôi lo. Không ai dám can thiệp việc này cả. Thực tế là không cấp trên nào can thiệp, gọi điện cho tôi cả. Còn bên dưới các đồng chí phải xử lý nghiêm” - Ông Nghị nói.

Khi đó cũng có ý kiến, xử lý như vậy họ kiện thành phố thì sao? “Tôi nhớ có nhà đi thuê luật sư định kiện lãnh đạo thành phố, mà là đích danh tôi. Tôi nói rõ, thành phố làm đúng luật. Có nhà làm sai từ móng, không cho xây tầng hầm mà vẫn xây. Nếu xử lý triệt để thì phải đào từ móng. Sau đó, không ai dám kiện nữa và răm rắp làm” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị cho biết. Từ thực tế của thành phố, ông Phạm Quang Nghị cho rằng, xử lý vi phạm nghiêm là rất cần để quản lý xã hội đi vào trật tự, kỷ cương.

Theo ông Phạm Quang Nghị, cần hiểu đúng hoạt động quản lý xã hội. Chúng ta đều muốn điều nhẹ nhàng, thoải mái cho công dân, không muốn hình phạt quá nghiêm khắc. Nhưng mức phạt cao hay thấp phải căn cứ vào hậu quả do hành vi vi phạm gây ra. Phải có bàn tay của pháp luật để tạo ra ý thức, chứ không thể giáo dục, tuyên truyền.

“Phạt nặng không phải là không thương dân. Tại sao người mình sang Singapore hút thuốc đúng nơi quy định, vì sợ phạt. Còn ở ta, Thủ tướng ký quyết định hút thuốc lá không đúng nơi quy định bị phạt nhưng tôi đọc báo thấy chỉ phạt được 3- 4 người” - Ông Nghị nói.

Ở Hà Nội, nếu phạt nhẹ thì họ sẵn sàng vi phạm. Do vậy, ông Nghị cho rằng, nên quy định cho HĐND thành phố quyết định mức phạt cao hơn không quá 2 lần trong một số lĩnh vực.

ĐB Trịnh Ngọc Thạch (Hà Nội) cho rằng, luật ra đời phải khắc phục được tình trạng phạt cho tồn tại. ĐB Trịnh Thế Khiết đồng tình và dẫn chứng quy định buộc đội mũ bảo hiểm, xử phạt nghiêm đã giúp triển khai tốt.

Có nên coi mại dâm là một nghề?

Đây là vấn đề được nhiều đại biểu thảo luận khi đề cập quy định trong dự thảo luật không đưa người bán dâm vào cơ sở chữa bệnh. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền cho rằng, đây là vấn đề xã hội phải giải quyết bằng biện pháp đồng bộ, không chỉ trông chờ hình phạt cao.

ĐB Trịnh Ngọc Thạch đồng tình, mại dâm là vấn đề xã hội. Ở nhiều nước cho phép hoạt động và quản lý chặt chẽ. Đối với Việt Nam, cần giáo dục để họ từ bỏ, nhưng nếu không bỏ được thì cần có biện pháp quản lý. ĐB Đinh Xuân Thảo cho rằng, thực tế có đưa vào cơ sở giáo dưỡng cũng không giải quyết được vấn đề gì.

ĐB Trịnh Thế Khiết bày tỏ, thế giới đã thừa nhận và quy định nơi hành nghề mại dâm và nhà nước bắt buộc khám bệnh thường xuyên, đảm bảo an toàn. “Có trường hợp, một phụ nữ vì xây nhà thiếu 800 nghìn đồng mua 2 bộ cửa nên đành phải đi bán dâm về trả nợ. Chúng ta có thừa nhận hoạt động mại dâm hay không thì Chính phủ cần nghiên cứu vì trong thực tế người ta đang hành nghề”- Ông Khiết đặt vấn đề.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG