Đổi giờ là đổi giờ nào?

Đổi giờ là đổi giờ nào?
TP - Chiều qua, câu chuyện về đổi giờ làm, giờ học tại Thủ đô Hà Nội đã tiến thêm một bước khi Ban Cán sự Đảng UBNDTP Hà Nội có buổi báo cáo với Thường trực Thành ủy về nội dung này.

> Hà Nội dự kiến không đổi giờ làm của cán bộ, công chức

Theo phương án được trình, Hà Nội thống nhất quan điểm chỉ đổi giờ học đối với hai nhóm đối tượng là sinh viên, học viên các trường Đại học, Học viện, Cao đẳng, Trung học chuyên nghiệp và dạy nghề; Học sinh các trường Trung học phổ thông và nhóm các trung tâm thương mại, các cơ quan dịch vụ, tài chính ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm.

Các đối tượng còn lại gồm công chức, viên chức, học sinh các trường Mầm non, Tiểu học, Trung học cơ sở... thời gian làm việc và học tập giữ nguyên khung giờ như hiện tại.

Như vậy, phương án của Hà Nội đưa ra đã “vênh” so với phương án đề xuất của Bộ GTVT trình Thủ tướng Chính phủ ở hai điểm: Thứ nhất, Bộ GTVT đề xuất đổi giờ học cả học sinh, sinh viên cả cán bộ, công chức, viên chức Trung ương và Hà Nội. Thứ hai, theo đề xuất của Bộ GTVT việc đổi giờ không đề cập là đổi giờ tại khu vực nào của thành phố nên được hiểu nó sẽ diễn ra trên địa bàn toàn thành phố Hà Nội.

Nếu nhìn bản đề xuất mới nhất của UBND TP Hà Nội dễ dàng nhận thấy có sự nghiên cứu khá bài bản. Dưới góc độ đặc điểm di chuyển, số đối tượng là học sinh cấp 3, sinh viên, học viên các trường Đại học, Cao đẳng, dạy nghề, các học viện lên đến 1,3 triệu người (số liệu Bộ GTVT thống kê khoảng 478 ngàn người) là nhóm năng động nhất, nhu cầu đi lại vì thế cũng cao nhất.

Hơn nữa, số đối tượng này có tính độc lập cao trong đi lại và hầu như không bị ảnh hưởng cũng như không ảnh hưởng gì nhiều đến xã hội trong trường hợp bị điều chỉnh giờ học.

Nhóm đối tượng thứ hai đã được xếp cùng hạng đó là cán bộ công chức, viên chức, học sinh trung học cơ sở, tiểu học, mầm non. Đây là nhóm đối tượng luôn lệ thuộc và hòa quyện với nhau như một chỉnh thể không tách rời. Và nếu điều chỉnh giờ của bất cứ đối tượng nào thuộc nhóm này đều có thể xảy ra hệ lụy tác dụng ngược như làm phát sinh nhu cầu đi lại không đáng có dẫn đến ùn tắc hơn.

Tình trạng “ăn bớt” thời gian của Nhà nước cũng sẽ gia tăng. Thêm nữa, nếu đổi giờ làm của công chức nghiễm nhiên làm khó người dân, doanh nghiệp khi phải làm việc với cơ quan
công quyền.

Xét dưới góc độ không gian đô thị tắc đường chỉ xảy ra ở khu vực 10 quận nội thành và huyện Từ Liêm vậy cớ làm sao lại buộc hàng triệu cư dân, công chức, học sinh tại 18 huyện, thị còn lại của Thủ đô phải đảo lộn cuộc sống. Giải quyết ùn tắc tại Hà Nội là một bài toán luôn luôn khó.

Tuy nhiên, trong trường hợp cần thiết phải thực hiện những giải pháp tình thế thì cơ quan chức năng hãy suy xét thấu đáo, biết tôn trọng và đặt lợi ích của số đông người dân lên trên hết.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG