Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh:
Năm 2012, kéo lạm phát xuống dưới 10% là khả thi
> Nóng bỏng lạm phát, tai nạn giao thông
Nợ công nước ta đang ở mức khá cao khiến nhiều ĐB lo ngại. Chính phủ có chủ trương gì trong việc kiểm soát nợ công đang gia tăng hiện nay?
Chính phủ đang chờ QH phê duyệt chỉ tiêu nợ công, với mục đích là phải vay thêm để mà làm ăn. Thực tế, có rất nhiều quốc gia vay thấp, nhưng lại không trả được nợ. Còn chúng ta, vay mà làm ăn tốt, trả được nợ thì có vay hay không? Đó là vấn đề cần quan tâm. Để hạ mức nợ công xuống, thực chất không khó. Vấn đề này tôi cũng đã nhiều lần phát biểu trước QH rằng: Chúng ta đứng trước hai lựa chọn, có cơ hội phát triển thì phải vay để làm ăn, rồi trả được nợ; hoặc không vay gì cả, không làm ăn gì hết, thì phải chấp nhận không có tiền phát triển.
Do đó, chúng ta phải tính các khoản sắp tới sẽ vay làm dự án nào. Sử dụng vốn vay hiệu quả, đó là điều quan trọng nhất. Vì chúng ta đã ra khỏi nước chậm phát triển nên sắp tới vay nợ sẽ ít được hưởng ưu đãi hơn. Lúc đó không thể coi thường việc vay nợ mà phải tính toán cẩn thận, phải có chiến lược sử dụng vốn vay. Trước đây tất cả cầu đường, các dự án lớn chúng ta phải dùng ngân sách để đầu tư, hoặc vay ODA rồi dùng ngân sách trả nợ. Nhưng tới đây, khi chúng ta ít được vay ưu đãi thì những dự án muốn triển khai bản thân nó phải thu hồi được vốn.
Nợ công sẽ còn tăng cao, dự kiến tới 65% GDP vào năm 2015 như vậy có an toàn?
Tăng trưởng GDP của chúng ta còn phụ thuộc nhiều vào đầu tư. Vì vậy, nếu tốc độ tăng trưởng chậm lại có thể khiến tỷ lệ nợ công của chúng ta tăng cao. Nhưng chỉ tiêu nợ công Chính phủ đưa ra dựa trên những dự báo kém lạc quan nhất, tức là GDP chỉ tăng trưởng 6%, để chúng ta quyết liệt trong điều hành. Tuy nhiên, khả năng chúng ta có thể tăng trưởng tốt hơn, GDP mở rộng hơn thì nợ công chắc chắn sẽ giảm xuống.
Phó Thủ tướng có thực sự cảm thấy yên tâm về hiệu quả các dự án sử dụng vốn đầu tư công không - khi mà suất đầu tư các dự án của chúng ta quá cao, ví dụ một ki lô mét đường cao tốc của ta đắt gấp đôi ở Mỹ?
So sánh suất đầu tư cần phải căn cứ vào thực tế. Nói một ki lô mét đường cao tốc Việt Nam đắt gấp đôi Mỹ có thể chính xác một phần, nhưng chưa đầy đủ. Đầu tư cùng một dự án như nhau nhưng ở địa điểm khác nhau chi phí đã khác nhau rồi. Ở đồng bằng sông Cửu Long, trước khi làm đường phải đi mua đất về đổ để làm nền vì nền đường quá xấu. Chi phí đầu tư đường ở ĐBSCL vì thế sẽ cao hơn ở miền núi hay miền Đông.
Năm 2012: Lạm phát dưới 10% là khả thi
Năm 2012, Chính phủ đề ra chỉ tiêu lạm phát ở mức dưới 10% liệu có khả thi không, khi mà cuối năm nay lạm phát có thể chạm mốc 20%?
Những năm đầu kế hoạch 5 năm tới, chúng ta phải ưu tiên ổn định kinh tế để đạt được tăng trưởng cao, bền vững cho giai đoạn sau. Nếu chúng ta không ổn định được kinh tế vĩ mô thì tăng trưởng cũng vô nghĩa. Để tập trung kìm chế lạm phát, chúng ta chọn tăng trưởng GDP 6-6,5%. Lạm phát tháng 10 chỉ tăng 0,38% và có xu hướng tiếp tục giảm trong năm sau. Với quyết tâm điều hành của Chính phủ, việc lựa chọn các cân đối vĩ mô và xu thế giá cả trong nước, thế giới, thì sang năm lạm phát dưới 10% là khả thi chứ không phải quá phiêu lưu.
Giá điện, xăng dầu sẽ phải điều hành theo thị trường trong năm sau, như vậy sẽ khiến cho lạm phát tăng cao, như đã xảy ra trong năm nay?
Chỉ tiêu lạm phát đã được tính toán tới việc điều hành giá các mặt hàng thiết yếu theo cơ chế thị trường. Hiện nay, mặt hàng xăng dầu của chúng ta đã cơ bản theo cơ chế thị trường, nhưng nhà nước chưa thu thuế nhập khẩu xăng dầu để hỗ trợ doanh nghiệp. Đến lúc nào đó, có điều kiện, chúng ta sẽ phải tái áp thuế, nhưng xin khẳng định lại là xăng dầu nằm trong phạm vi chủ động của Chính phủ. Còn với mặt hàng điện, chúng ta cần có lộ trình chứ không thể đưa ngay một lúc theo thị trường hoàn toàn được.
“Không thể coi thường việc vay nợ mà phải tính toán cẩn thận, phải có chiến lược sử dụng vốn vay”. Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh |