Nên trao toàn quyền tuyển dụng cho địa phương

Nên trao toàn quyền tuyển dụng cho địa phương
TP - Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương nói như vậy nhân việc Nam Định từ chối tuyển dụng công chức là những người tốt nghiệp dân lập, tại chức.

Sở Nội vụ Nam Định báo cáo về tuyển công chức
> Quy trình tuyển dụng đang có vấn đề

Từng là Chánh thanh tra Bộ Nội vụ, ông thấy Nam Định làm như vậy có trái luật không?

Pháp luật chúng ta không phân biệt bằng đào tạo công lập hay ngoài công lập, bởi chúng ta chủ trương xã hội hóa giáo dục, điều đó rất cần thiết, phù hợp với xu thế hội nhập. Các nước phát triển họ cũng không phân biệt bằng công hay bằng tư. Thực tế những trường danh tiếng trên thế giới thường là những trường tư. Nhưng mặt khác, cần thấy một nguyên tắc rất quan trọng mà nhiều nước phát triển đã làm là tôn trọng quyền tuyển dụng của chủ sử dụng lao động.

Đối với chúng ta, Luật Giáo dục ghi nhận giá trị bằng cấp của các trường công lập và ngoài công lập là như nhau, nhưng cũng không có điều khoản nào cấm người sử dụng lao động không được từ chối tuyển người có bằng dân lập, hay tại chức cả. Pháp luật về công chức và viên chức còn khuyến khích sử dụng nhân tài.

Nhưng người sử dụng lao động trường hợp này là các cơ quan hành chính nhà nước của Nam Định chứ không phải doanh nghiệp đơn thuần. Một trong những nhiệm vụ của họ là chấp hành chủ trương “xã hội hóa giáo dục” của Nhà nước, thưa ông?

Tôi không phủ nhận trách nhiệm chấp hành chủ trương của nhà nước trước hết phải là các cơ quan nhà nước. Nhưng việc chấp hành chủ trương một cách có hiệu quả nhất chính là việc họ phải hoàn thành những nhiệm vụ kinh tế-xã hội được giao. Để làm được cái đó, các cơ quan nhà nước này phải quan tâm lo lắng đến chất lượng nguồn nhân lực. Hơn nữa, nên hiểu các cơ quan nhà nước của Nam Định là một bên của quan hệ lao động, mọi việc sẽ trở nên đơn giản hơn.

Nhiều ý kiến cho rằng chưa có cơ sở để khẳng định trình độ của người tốt nghiệp công lập hơn ngoài công lập nên loại ngay vòng đầu người tốt nghiệp trường ngoài công lập như vậy là chưa khách quan trong tuyển dụng, nguy cơ bỏ lọt người tài?

Không thể phủ nhận có trường dân lập hiện nay chất lượng khá tốt, thậm chí cao hơn cả công lập, nhưng tỷ lệ đó không nhiều. Bằng chứng là mấy năm qua, nhiều trường ngoài công lập lấy cả những thí sinh đạt dưới 10 điểm của 3 môn thi tuyển sinh. Đội ngũ giảng viên yếu, thiếu. Đành rằng quá trình đào tạo mới quan trọng nhưng chất lượng cả người học và người dạy ngay từ đầu như thế, quả là lo ngại. Hơn nữa, khi nơi tuyển dụng từ chối người tốt nghiệp các trường ngoài công lập như thế còn cho thấy quy trình tuyển công chức hiện chưa thực sự đáng tin cậy. Họ buộc phải đưa ra những tiêu chí nói không với bằng dân lập ngay từ đầu.

Không phân biệt bằng cấp, loại hình đào tạo, nhưng quyền lựa chọn nên trao cho địa phương Ảnh: Hồng Vĩnh
Không phân biệt bằng cấp, loại hình đào tạo, nhưng quyền lựa chọn nên trao cho địa phương Ảnh: Hồng Vĩnh.

Như vậy ông đồng tình với quan điểm không nhận người tốt nghiệp dân lập, tại chức vào làm công chức của Nam Định?

Quan điểm của tôi là không phân biệt bằng cấp, loại hình đào tạo nhưng tiến tới phải trao toàn quyền tuyển chọn, sử dụng nguồn nhân lực cho chính các địa phương. Ở nhiều nước phát triển, pháp luật không quy định việc này, tuyển dụng như thế nào là tuỳ nơi sử dụng lao động, bất kể đó là cơ quan, tổ chức hay doanh nghiệp. Nếu hôm nay, việc một tỉnh nào nói không với hệ đào tạo ngoài công lập thì thời gian tới họ có thể phải thay đổi nếu họ tự nhận thấy rằng làm như vậy là bỏ lọt người tài. Cái đó để tự thị trường lao động điều chỉnh. Việc của những nơi làm ra sản phẩm nguồn nhân lực ở đây là hãy nâng cao chất lượng đào tạo lên, tự khắc xã hội cũng như chủ sử dụng lao động sẽ phải nhìn nhận lại nếu họ thấy mình đã sai lầm.

Cảm ơn ông.

“Nếu nói Nam Định làm như vậy là quá chú trọng bằng cấp thì chính pháp luật của chúng ta mới đang thể hiện rõ nhất điều này bởi khi sử dụng công chức ở những vị trí nhất định thường phải kèm theo quy định về điều kiện văn bằng, chứng chỉ”- Ủy viên thường trực Uỷ ban Pháp luật, ông Nguyễn Sỹ Cương nói.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG