> Bán bò, kêu oan cho đất, rừng
Tuy nhiên, trong khi phần đất bán trái phép này chưa được chính quyền thu hồi theo bản án, thì chính ông lại bị chính quyền huyện Hương Khê-Hà Tĩnh, ráo riết thu hồi đất đã khai phá từ hơn 20 năm trước...
Bán bò chống tham nhũng
Năm 2005, Tiền Phong có bài viết về ba lão nông, gồm ông Nguyễn Kim Hợp, Nguyễn Văn Sỹ và Nguyễn Kim Trúc đều trú tại xã Phú Phong, huyện Hương Khê, bán bò, mua máy ghi âm, máy ảnh thu thập tài liệu làm bằng chứng, tố cáo các quan huyện và xã bán hơn 300 ngàn m2 (hơn 30 ha) đất trái phép. Đầu hè năm 2006, người dân xã Phú Phong và thị trấn Hương Khê náo động khi công an ập đến khám nhà Đặng Quang Châu, cán bộ ban tôn giáo (nguyên trưởng phòng Tài nguyên &Môi trường); Trịnh Xuân Tùng - chuyên viên phòng Tài nguyên & Môi trường; Nguyễn Đình Lợi, chi cục thuế huyện; ba cán bộ chủ chốt xã - Nguyễn Kim Chung, nguyên Bí thư Đảng ủy; Nguyễn Văn Hồng- Phó bí thư Đảng ủy, kiêm Chủ tịch HĐND xã (nguyên Chủ tịch xã); Lê Hữu Cơ - trưởng ban địa chính xã. Sau đó, có thêm gần chục cán bộ khác của xã và huyện bị khởi tố.
Kết quả điều tra cho thấy, các cán bộ trên đã có sai phạm (cố ý làm trái, lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ để trục lợi...) trong việc cấp, bán trái phép 535 lô đất với diện tích hơn 327 nghìn m2 đất (32,7 ha đất), sau đó làm thủ tục để cấp trái pháp luật 305 giấy chứng nhận QSDĐ với diện tích 244.281,5 m2, lập và chi tiêu quỹ trái phép trên 4 tỷ đồng. Tháng 4-2007, TAND tỉnh Hà Tĩnh tuyên phạt bị cáo Nguyễn Kim Chung - nguyên Bí thư xã Phú Phong, Nguyễn Văn Hồng - nguyên Chủ tịch UBND xã mỗi người 4 năm tù, 11 bị cáo còn lại bị phạt từ 18-36 tháng tù treo.
Vụ án Phú Phong được đưa ra ánh sáng, ba lão nông thở phào, tự dặn lòng mình “không bao giờ dính líu đến chuyện đáo tụng đình để vợ con được yên”. Nhưng cây muốn lặng mà gió chẳng đừng...
Thiệt thân
Những ngày này, cả gia đình ông Hợp chạy đôn đáo, kêu cứu. Hơn một tháng nay, cán bộ xã Phú Phong hai lần đưa quyết định cưỡng chế xuống thông báo thời gian cưỡng chế thu hồi hơn 4.000m2 đất mà gia đình ông Hợp đã khai phá từ năm 1990. Trong căn nhà ẩm thấp do mưa thấm lâu ngày, thương binh Nguyễn Kim Hợp, tỏ rõ sự mệt mỏi. “Trong khi hàng chục héc ta đất bán trái phép, có bản án của tòa yêu cầu thu hồi, từ năm 2007, nhưng tới nay họ chưa thu. Nhưng mảnh đất của gia đình tôi khai phá từ hơn 20 năm qua, họ lại nhanh nhảu thu hồi. Tôi không thể hiểu nổi...”, ông Hợp nói.
Năm 1986, huyện Hương Khê mở rộng thị trấn, ông Hợp cùng vợ con nhượng toàn bộ diện tích đất đang sinh sống cho chính quyền. Vợ chồng ông xin cấp 2.500m2 đất, tại khu vực Hộp Lấu, nay thuộc xóm 2, xã Phú Phong để sinh sống. Ngoài diện tích đất được cấp, vợ chồng ông Hợp mở rộng khai hoang, san lấp từng hố bom lấy đất canh tác. Đầu năm 1990, khu vườn của vợ chồng ông Hợp lên đến gần 10 nghìn m2 đất. Theo Luật Đất đai, đất khai phá từ trước 15-9-1993, nếu không có tranh chấp sẽ được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Năm 2005, ông Hợp làm đơn xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho phần tăng thêm. Lập tức, chính quyền xã Phú Phong ráo riết đòi vợ chồng ông trả lại đất cho xã. Với lý do, gia đình ông đã lấn chiếm đất công. Sau đó, UBND huyện Hương Khê ra quyết định chỉ công nhận cho ông Hợp hơn 4.000m2.
Sau nhiều lần làm đơn khiếu nại, ngày 12-4-2010, UBND tỉnh Hà Tĩnh thành lập đoàn kiểm tra về làm việc. Tại cuộc làm việc, đoàn mời 23 người dân ở thôn 2, nơi ông Hợp sinh sống để làm rõ nguồn gốc đất của ông. Thôn 2, xã Phú Phong có 80 hộ dân nhưng thanh tra chỉ mời 23 người (trong đó có 20 người bị ông Hợp tố cáo tham nhũng, được cấp, mua đất sai phạm và có hiềm khích với ông). Nên những nhân chứng trên đều khẳng định ông Hợp không sử dụng diện tích hơn 4.000m2 mà ông khai hoang từ năm 1990 đến nay. Trên cơ sở đó, đoàn thanh tra tham mưu cho UBND tỉnh Hà Tĩnh ra quyết định không công nhận số đất trên cho ông Hợp. Tại cuộc họp ngày 24-11-2010, ông Hợp đưa ra xác nhận của 21 hộ dân khác trong thôn 2, khẳng định ông Hợp sử dụng đất ổn định, không có tranh chấp từ năm 1990 đến nay. Tuy nhiên, thanh tra tỉnh Hà Tĩnh cho rằng, bản danh sách này chỉ là tài liệu tham khảo, không có giá trị.
Trao đổi với PV Tiền Phong, một quan chức của Văn Phòng Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũng, nói: “Cách làm việc của thanh tra như vậy là không khách quan. Chúng tôi đã có văn bản đề nghị lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh xem xét lại kết luận thanh tra trên”.
Ông Lê Trần Sáng, Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Khê cho biết: “UBND huyện chỉ thực hiện theo quyết định của UBND tỉnh. UBND tỉnh đã làm rất kỹ việc này, quyết định của UBND tỉnh là hoàn toàn chính xác”. Còn Chánh thanh tra huyện Hương Khê cho rằng, không thể nghe ông Hợp nói mà phải tin vào chính quyền.
Về hơn 300 ngàn m2 đất bán trái phép trong vụ án từ năm 2007, phải thu hồi theo bản án của tòa, ông Lê Trần Sáng, cho biết: Đến nay mới thu hồi được 36 nghìn m2, do vấn đề quy hoạch nông thôn mới. Còn Trưởng thi hành án huyện Hương Khê Trần Văn Duẩn nói: “Tôi lên nắm quyền từ năm 2007 nên không nắm rõ...!?”
Tâm nguyện của vợ chồng ông Hợp là mong sao các cấp chính quyền của Hà Tĩnh giải quyết một cách thỏa đáng số diện tích đất hợp pháp của ông. “Gia đình chính sách, người nghèo, trường học cần đất, vợ chồng tôi hiến tất cả. Nhưng đất hiến phải là đất hợp pháp, đất có chủ”, ông Hợp bật khóc.
“Thật khó hiểu khi hơn 300 nghìn m2 đất sai phạm đã có bản án tuyên phải thu hồi thì chính quyền huyện Hương Khê không tập trung giải quyết. Trong khi hơn 4.000m2 đất của một thương binh nghèo có đầy đủ cơ sở pháp lý, là nguồn nuôi sống của gia đình lại được chính quyền nhiệt tình giải quyết cho bằng được”. Một quan chức Văn phòng BCĐ T.Ư về PCTN nói |