Con gái liệt sĩ Trường Sa tiếp bước cha

Thủy cùng cô con gái “hải quân” của mình. Ảnh: N.H
Thủy cùng cô con gái “hải quân” của mình. Ảnh: N.H
TP - 23 năm trước, thượng úy Trần Văn Phương hy sinh khi giữ đảo Cô Lin (Trường Sa). Giờ đây, Trần Thị Thủy - con gái anh tròn 23 tuổi, cũng đang là người lính hải quân.

> Thanh niên đồng hành cùng gia đình chiến sỹ Trường Sa

Thủy cùng cô con gái “hải quân” của mình. Ảnh: N.H
Thủy cùng cô con gái “hải quân” của mình. Ảnh: N.H.
 

Ôm chặt cờ Tổ quốc …

Gia nhập Hải quân từ năm 1983 khi chưa đầy 20 tuổi, chàng trai Trần Văn Phương (quê Quảng Trạch, Quảng Bình) vào nhận nhiệm vụ tại Lữ đoàn 146 - Cam Ranh (Khánh Hòa). Hơn nửa năm sau ngày đám cưới (tháng 6-1987), anh ra Trường Sa, mà không hề biết vợ mình - chị Mai Thị Hoa đang mang thai đứa con đầu lòng.

Rạng sáng 14-3-1988, thượng úy Trần Văn Phương cùng những chuyến tàu hải quân HQ 604, 605, 505 xuất bến Cam Ranh cập cụm đảo Sinh Tồn - Trường Sa. Đúng lúc này, tàu HQ 505 của Hải quân Việt Nam bị trúng đạn pháo nhưng các chiến sĩ vẫn lao thẳng lên bãi cạn để khẳng định chủ quyền Việt Nam trên đảo Cô Lin.

Tàu HQ 604 bị hư hỏng nặng, HQ 605 bị bắn chìm. Lúc đối phương đổ bộ, thượng úy Phương vẫn quyết giữ vững ngọn cờ Tổ quốc tung bay trên đảo, giữa làn đạn nã thẳng vào người. Anh hy sinh, bàn tay vẫn nắm chặt lá cờ. Khi Thượng úy Phương hy sinh, Thủy vẫn còn ở trong bụng mẹ.

Cô bé lớn lên, hình ảnh về cha chỉ là những câu chuyện mẹ kể: Cha hiền lành, giản dị nhưng rất vui tính và hăng hái trong mọi nhiệm vụ. Lần đầu khi trực tiếp xem những đoạn clip về trận chiến giữ đảo trên mạng, Thủy lặng người. Cô cảm nhận sự dũng cảm, kiên cường của cha và những người lính hải quân, công binh. Và nhớ mãi hình ảnh cha và đồng đội nắm chặt lá cờ ngay cả lúc hi sinh.

Chị Mai Thị Hoa, vợ liệt sĩ Phương bảo, mỗi lần đọc lại những bức thư ba của Thủy gửi về cho chị, Thủy lại khóc. Nó thương ba quá mà quên hết những vất vả hai mẹ con đang phải gánh chịu, trở nên rắn rỏi mạnh mẽ hơn.

Con gái ra với đảo

Tốt nghiệp Cao đẳng ngành Việt Nam học (ĐH Quảng Bình) năm 2009, Thủy làm cả nhà ngạc nhiên khi quyết định vào huyện đảo Trường Sa và Lữ đoàn 146 xin công tác.

“Nhớ nhất lần đầu tiên ra công tác tại đảo Trường Sa hồi tháng 4-2010, mình xúc động khi được đến thăm, làm việc ngay tại đảo nơi chính cha mình đã ngã xuống. Mình đứng lặng, cố cảm nhận hình ảnh về cha, những người đồng đội ngày hôm ấy khi chọn cái chết để bảo vệ đảo.

Sau này, mỗi lần ra Trường Sa là mỗi lần mình cảm nhận cha gần hơn như bằng xương bằng thịt” - Thủy tâm sự. Cô ấp ủ: Nếu sau này được chọn sống ngoài đảo, cả gia đình mình sẽ đăng ký tham gia. Mình sẽ đưa cả mẹ ra nữa. Hoặc mình sẽ là hướng dẫn viên du lịch, muốn đưa Trường Sa đến gần hơn với mọi người dân đất nước.

Chị Hoa cho biết: Cái tên Thủy của nó cũng ngầm ý là sóng nước Trường Sa. Cái tên âu cũng là số phận, giờ Thủy đang thực hiện ước mơ của mình.

Gia đình biển đảo

Thủy kết duyên cùng chồng là Thiếu úy Hồ Hải - Hải đội 413 (tàu HQ 633, vùng 4 Hải quân), gia đình nhỏ của Phương thêm ấm áp với sự xuất hiện của một bé gái kháu khỉnh. Cả nhà chồng của Thủy đều công tác ở hải quân, ngay đứa con gái đầu lòng vợ chồng Thủy cũng đặt tên ngộ nghĩnh Nguyễn Trần Navy. Đơn giản vì Navy nghĩa là “hải quân”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG