Sẽ đổi giờ học, giờ làm để tránh tắc đường?

Sẽ đổi giờ học, giờ làm để tránh tắc đường?
TP - Hiện thực hóa những phát biểu mạnh mẽ trước đây về các giải pháp chống ùn tắc giao thông đô thị, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng đã mời các ban, ngành liên quan của Hà Nội và báo chí cùng hiến kế.

> Đề xuất điều chỉnh giờ học, làm việc để giảm ùn tắc
> Phân làn giao thông Hà Nội gặp nhiều khó khăn

Bài thuốc nào cắt được bệnh ùn tắc giao thông ở Hà Nội? Ảnh: Hồng Vĩnh
Bài thuốc nào cắt được bệnh ùn tắc giao thông ở Hà Nội? Ảnh: Hồng Vĩnh.

Thư mời họp 13h30, nhưng tới giờ họp cả phòng lặng ngắt, chờ mỗi Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Khôi. Mấy chục phút sau, ông Khôi xuất hiện, Bộ trưởng Đinh La Thăng đánh tiếng: “Anh Khôi đến muộn do tắc đường à? Tắc đoạn nào thế”. Phó Chủ tịch phụ trách mảng giao thông của Hà Nội chỉ cười.

Hai người được ưu tiên phát biểu đầu tiên là Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng và đại diện Tổng Cty Vận tải Hà Nội. Ông Hùng nói nhiều về số liệu xe buýt và các điểm đỗ, nhưng tựu chung là hạ tầng giao thông Hà Nội yếu và bất cập, không theo kịp với nhu cầu.

Ông Hùng cũng chê xe buýt bỏ bến, tài xế có thái độ thiếu văn minh, đồng thời đề xuất từ đường vành đai 2 trở vào, các trung tâm thương mại và cơ quan khác nên mở cửa sau 9 giờ để tránh ùn tắc.

Đại diện Tổng Cty Vận tải Hà Nội lên đọc một đoạn báo cáo dài về xe buýt và nói: “Chưa có cơ sở để nói xe buýt gây ùn tắc giao thông và giá xe buýt hiện quá rẻ”. Bộ trưởng Thăng ngắt lời: “Lượng khách là học sinh, sinh viên chiếm bao nhiêu phần trăm?” “Báo cáo khoảng 80%”. “Hiện đường nào có nhiều trường đại học?”. “Dạ tuyến đường 32”. “Thế đường 32 có bao nhiều trường đại học”. “Khoảng mười mấy trường”. Ông Thăng hỏi tiếp: “Giả sử cấm các loại xe khác vào giờ cao điểm để xe buýt hoạt động trên tuyến này có được không?”. Đại diện Tổng Cty Vận tải Hà Nội: “Chắc chắn là được”.

Ông Thăng yêu cầu Vụ trưởng Vận tải (Bộ GTVT) Trần Ngọc Thành đề xuất giải pháp. Vụ Vận tải nêu mười mấy đề xuất, trong đó lưu ý: “Đề nghị nghiêm cấm việc chiếm dụng vỉa hè làm nơi đỗ xe, vì hiện đi xe buýt phải đi bộ từ nhà tới bến; đề nghị tách làn một cách mạnh mẽ, ưu tiên làn xe buýt; nghiên cứu lại biểu đồ xe buýt và điểm dừng;

Nghiên cứu xây dựng các điểm chờ, nhà dừng nội thành và ngoại thành; nghiên cứu đường 1 chiều, có ưu tiên xe buýt chạy 2 chiều; mở rộng xe buýt tới vùng vệ tinh; lựa chọn đầu tư các loại phương tiện phù hợp...”. Nói về việc chuyển giờ học sinh, sinh viên đi học, ông Thăng thông báo: “Tôi đã hỏi Bộ trưởng Giáo dục, ông ấy cho biết có thể làm được”.

Bộ trưởng Thăng đề xuất cấm taxi vào giờ cao điểm, ưu tiên phương tiện công cộng để chống ùn tắc. Ảnh: Hồng Vĩnh
Bộ trưởng Thăng đề xuất cấm taxi vào giờ cao điểm, ưu tiên phương tiện công cộng để chống ùn tắc. Ảnh: Hồng Vĩnh.

Bỏ kinh doanh vỉa hè

Để chặn những sáng kiến lan man, ông Đinh La Thăng định hướng: “Yêu cầu các thành viên có ý kiến tập trung giải pháp để xử lý ùn tắc, đặc biệt sáng kiến mới, những cái gì mà các anh Hà Nội có thể quyết được ngay”.

Thế rồi, Bộ trưởng Thăng mời các chuyên gia thuộc trường Đại học GTVT-những người thường phát biểu phản biện trên báo chí. Nghe xong 2 chuyên gia này hiến kế, ông Thăng đáp: “Cần nói ngay giải pháp trước mắt, chứ nói như anh Cậy (PGS.TS Bùi Xuân Cậy-Trưởng khoa Công trình thuộc ĐH GTVT) tăng đầu tư hạ tầng thì lâu lắm. Chống ùn tắc giao thông phải nhằm vào ý thức người dân”.

Thiếu tướng Đỗ Đình Nghị (Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Quản lý hành chính về TTXH) góp sáng kiến: “Tạo sự đồng thuận xã hội, chúng ta làm ít quá. Các chuyên gia từng nói, giao thông VN là hiện tượng con kiến, nay đã chuyển sang giao thông nước chảy (hở kẽ nào là phương tiện luồn vào).

Hạn chế phương tiện cá nhân, tôi rất đồng tình, nhưng động chạm tới quyền lợi của người dân. Vậy phải hạn chế bằng cơ chế chính sách. Đánh thuế cao để người ta xót tiền; lệ phí giao thông, lệ phí trông giữ xe tăng lên; đăng ký xe không phải có tiền là được mà phải xếp hàng, đấu thầu...”.

Bộ trưởng Thăng hướng về phía Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội Nguyễn Thị Hà Ninh, nói: “Ai lại dùng lòng đường, vỉa hè nhằm tăng thu ngân sách cho cấp phường”. Bà Ninh nói: “Phường thu và có chỉ tiêu. Nếu có mà không thu thì chúng tôi thất thu”. “Chính phủ bỏ rồi đấy, chị đừng tổ chức cho thu để tăng ngân sách phường nữa nhé”, ông Thăng nói.

Sau nhiều ý kiến, kể cả việc Bộ trưởng Thăng gợi ý để nhà báo hiến kế “vì cứ nói như báo chí thì giải quyết ùn tắc xong lâu rồi”, cuối cùng kết luận: “Đã đến lúc phải hành động, chứ không phải làm hay không làm. Ai ngồi ở vị trí này cũng phải quyết liệt, cuộc sống bắt ta phải thế”.

Theo đó, trước mắt Bộ GTVT đề nghị Chính phủ cho phép điều chỉnh giờ học của học sinh, sinh viên; giờ cơ quan làm việc bắt đầu từ khoảng 9h sáng kết thúc 18h. Các tuyến xe buýt vào giờ cao điểm tới các trường đại học, cao đẳng cấm tuyệt đối xe taxi; tăng cường các cặp đường 1 chiều, hạn chế phương tiện cá nhân; làm thêm các cầu vượt; kiên quyết không dùng lòng đường làm nơi đỗ xe. Ông Thăng cũng thể hiện quan điểm về lâu dài cần thay đổi giá vé xe buýt...

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Tri thức may, mặc áo dài Huế là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia
Tri thức may, mặc áo dài Huế là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia
TPO - Theo Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Thừa Thiên-Huế (TT-Huế), Tri thức may, mặc áo dài Huế được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là thành quả thực hiện đề án Huế - Kinh đô Áo dài Việt Nam là điều kiện, cơ sở quan trọng để tỉnh tiếp tục lộ trình hoàn thiện hồ sơ trình UNESCO đưa vào danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.