Phân làn giao thông Hà Nội gặp nhiều khó khăn
> Chi hơn một tỷ đồng mỗi ngày cho phân làn
Sau gần một tháng triển khai phân làn giao thông, người dân dần nâng cao ý thức, đi đúng phần đường. Tuy nhiên, tình trạng giao thông lộn xộn, ùn tắc vẫn tái diễn tại các tuyến phố trên.
Ảnh: Việt Hùng (Vietnam+) |
Ngoài ra, mặt cắt đường quá hẹp, chưa đủ điều kiện phân làn giao thông, nhiều cột biển báo phân làn bị người đi đường “tông” phải khiến nhiều người cho rằng cần nghiên cứu kỹ hơn trước khi tiến hành phân làn.
Ông Nguyễn Xuân Tân, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, cho biết việc cắm các biển báo cứng là biện pháp cuối cùng, do các giải pháp phân làn bằng vạch vôi trước đây không phát huy tác dụng. Ông cũng thừa nhận đây là một cách "cưỡng bức" để người tham gia giao thông quen dần.
Cột biển báo chưa hợp lý
Hà Nội tiến hành phân làn từ 20/9, các tuyến phố chọn phân làn phương tiện hiện nay đều có nhiều giao cắt, khoảng cách giữa các giao cắt lại ngắn là khó khăn, bất cập nhất cho công tác phân làn. Các phương tiện có quá ít thời gian để tách, nhập làn.
Thời gian qua, số vụ tai nạn do người dân đâm phải biển báo đang có xu hướng gia tăng. Chính một số người làm công tác điều hành giao thông cũng cho rằng, cách thức cắm biển hiện nay là chưa hợp lý.
Theo quan sát của phóng viên, tại khu vực đầu cầu vượt ngã tư Vọng, cột phân làn và dải phân cách được đặt khá gần chân cầu, gây khó khăn cho cả ôtô và xe máy khi vừa lao xuống dốc.
Tại các ngã tư giao cắt từ các phố Thái Phiên, Lê Đại Hành, Đoàn Trần Nghiệp, Tô Hiến Thành, Trần Nhân Tông... rẽ trái ra trục tuyến Phố Huế - Hàng Bài, việc dựng các dải phân cách cứng quá ngắn (chỉ khoảng 10 m) ngay đầu các điểm giao cắt, cùng với lực lượng thanh tra giao thông chốt trực chỉ dẫn không thường xuyên tỏ ra không hiệu quả trên suốt trục tuyến này.
Bên cạnh đó, trên các tuyến đường, các điểm giao cắt ngã ba, ngã tư trên hai tuyến phố đều có dải phân cách cứng, người tham gia giao thông sơ ý không quan sát sẽ dễ đâm vào gây nguy hiểm.
Hiện nay, trên các tuyến đường đều kẻ vạch đứt để các phương tiện có thể linh hoạt chuyển làn. Nhưng theo nhiều người dân, lực lượng chức năng cần tiến hành kéo dài dải phân cách để các phương tiện chấp hành đúng quy định.
Theo ý kiến của nhiều người dân, tại Việt Nam, tỷ lệ xe máy cao hơn ôtô rất nhiều nhưng phần đường dành cho xe máy lại không được kẻ rộng tương ứng dẫn tới tình trạng làn dành cho xe máy thì quá đông, làn cho ôtô thì quá vắng nên người đi xe máy sẽ lấn qua để lưu thông.
“Nếu phân luồng hợp lý, có tính tới đặc thù giao thông ở Việt Nam thì mọi người sẽ dễ chấp nhận hơn. Phải chăng, việc phân làn đường chỉ thích hợp cho việc các phương tiện đi thẳng?” ông Tiến, người dân sống phố Hàng Bài đặt ra sự nghi ngờ.
Lý giải cho việc dặt cột biển báo giữa đường, ông Tân khẳng định, việc cắm các biển báo cứng là biện pháp cuối cùng vì trước đây các giải pháp phân làn bằng vạch vôi đều không phát huy tác dụng.
"Trước đây, việc phân làn Tổ chức JICA đã từng làm rồi nhưng không thành công. Nguyên nhân là biển báo họ treo "trên trời" và kẻ vạch ở dưới đất. Bây giờ cắm trước mặt thế này, người ta còn không nhìn, thì treo "trên trời" với vẽ dưới đất sao nhìn được?" ông Tân đưa ra kinh nghiệm sau những lần thí điểm phân làn thất bại trước đó.
Nhiều người tham gia giao thông cho rằng, trước khi quyết định phân làn cần nghiên cứu kỹ thì ông Tân khẳng định: "Không có cách nào khác là cưỡng bức người tham gia giao thông. Lâu dần sẽ quen!"
Trong cuộc làm việc giữa Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội và Sở Giao thông Vận tải, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Nguyễn Thế Thảo cho rằng, việc phân làn, phân tuyến còn thiếu sự đồng bộ. Mặc dù phân rõ hai làn đường nhưng chưa chỉ rõ đối với các trường hợp rẽ phải, rẽ trái, đường dành cho xe buýt, các điểm dừng, đỗ xe… Cùng với đó là việc chưa triệt để thực hiện việc thống nhất kẻ vạch phân đường (vạch đứt hay vạch liền), rồi cột báo hiệu, dải phân cách, sơn phản quang đặt như thế nào cho hợp lý.
Ông Thảo cũng yêu cầu Sở cần nghiên cứu kỹ nguyên nhân các vụ tai nạn, vì không loại trừ vị trí cắm biển chưa phù hợp.
70% đường không đủ điều kiện phân làn
Thực tế hiện nay, nhiều tuyến đường vẫn chưa đủ điều kiện cơ sở hạ tầng để phục vụ cho việc tách dòng phương tiện.
Theo Sở Giao thông Vận tải, tiêu chí lựa chọn các tuyến đường phân làn giao thông chủ yếu tập trung vào các tuyến phố có đủ điều kiện về hạ tầng giao thông và ý thức của người dân tương đối cao; những tuyến đường phố có mặt cắt ngang mỗi chiều có đủ chiều rộng từ tối thiểu 10m trở lên; tuyến phố có các khoảng cách giữa các nút giao thông tối thiểu trên 300m...
Thống kê của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho thấy, hiện tại thành phố có 8.489km đường giao thông, đường trong đô thị ngắn và hẹp mặt đường dưới 11m chiếm 70%.
Như vậy, xét theo tiêu chí mà Sở đưa ra để thực hiện phân làn thì có 70% tuyến đường có mặt cắt ngang mỗi chiều không đủ tối thiểu (trên10m) để thực hiện phân làn.
“Hiện Hà Nội chỉ có hai tuyến là Pháp Vân - Cầu Giẽ và Đại lộ Thăng Long là đủ tiêu chuẩn để phân làn,” ông Tân cho biết.
Theo ông Khuất Việt Hùng, Phó viện trưởng Viện Quy hoạch và Quản lý Giao thông vận tải (Trường Đại học Giao thông Vận tải Hà Nội), việc tách rời từng loại phương tiện trong dòng giao thông trong nội thành Hà Nội là khó vì đặc trưng về sử dụng đất dọc theo các tuyến phố ở Hà Nội không giống các nước khác.
Đưa ra dẫn chứng, ông Hùng cho rằng, ở nước ngoài họ không tách các loại phương tiện đi theo làn mà người ta chỉ tổ chức phương tiện theo làn và các loại phương tiện đều đi chung làn.
“Trong bối cảnh đường sá, hạ tầng chưa cho phép chỉ nên nghiên cứu thực hiện trên các tuyến đường phù hợp, các tuyến còn lại muốn phân làn cần nghiên cứu, đánh giá khoa học kỹ lưỡng, không nên theo phong trào,” ông Hùng khuyến cáo.
Theo Việt Hùng
Vietnam+