Không cơ quan nào nhận sai, dân lãnh đủ

Không cơ quan nào nhận sai, dân lãnh đủ
TP - Hàng chục hecta rừng cao su sắp tới kỳ thu hoạch tại huyện Phong Điền (tỉnh TT- Huế) đang phải vứt bỏ oan uổng do bị ngập úng và vướng quy hoạch khu vực lòng hồ thủy điện Hương Điền.

Trắng tay sau ngày tích nước

Đầu năm 2010, vùng rừng cao su xã Phong Sơn (huyện Phong Điền) thuộc thượng nguồn sông Bồ xuất hiện tình trạng chết ngập sau khi thủy điện Hương Điền tích nước lòng hồ để phát điện. Ông Nguyễn Bá Nam, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: “Năm 2006, Phong Sơn thực hiện chương trình quốc gia về phát triển cây cao su tiểu điền. Đất trồng được huyện giao rõ ràng, đúng trình tự thủ tục, dân không làm tự phát. Chính quyền không hề hay biết các vùng trồng cao su bị ngập nước như hiện nay lại thuộc lòng hồ thủy điện. Thời điểm thủy điện mới tích nước (cao trình dưới 35m), chỉ có hơn 7 ha cao su của 5 hộ dân bị ngập thôi. Sau này, khi lòng hồ tích nước đạt cao trình 58,17m, cả xã có khoảng 100 ha cao su và rừng keo của gần 90 hộ dân bị ngập”.

Ngay sau khi phát hiện sự việc, để tránh lãng phí đầu tư, UBND huyện Phong Điền yêu cầu ngân hàng ngưng cho vay vốn chăm sóc đối với các hộ dân có hàng chục hecta rừng cao su gần tới kỳ thu hoạch mủ. Thiếu vốn, lo ngại rủi ro, người dân đành ngậm ngùi vứt bỏ nhiều khoảnh rừng trồng từng tiêu tốn nhiều thời gian, công sức, tiền bạc để đầu tư canh tác.

Ông Hồ Đức Năm (trú thôn Phổ Lại, Phong Sơn) kể: “Tui trồng hơn 3 ha cao su, được 5 năm tuổi, 2 năm nữa là cho thu hoạch mủ. Chi phí cho mỗi hecta cao su gần 100 triệu đồng, chủ yếu vay mượn từ ngân hàng. Nay nguồn vay không còn, cây bị bỏ chết, mất trắng. Đường núi hiểm trở, ngập lụt, muốn thu hoạch cây để làm củi cũng không thể”.

Ông Thái Công Sâm (thôn Tứ Chánh, Phong Sơn) than: “Dân trồng cao su như tui đây đang đối diện nguy cơ tái nghèo. Gần 2 năm nay, dân kêu nhiều lắm rồi, nhưng chưa có cơ quan nào nhận trách nhiệm giải quyết bồi thường. Ngân hàng thì họ vẫn tính lãi vay đều đặn...”.

Ngoài ông Năm, ông Sâm, tại Phong Sơn hiện có gần 100 hộ dân khác cùng chung tình cảnh trắng tay, nợ nần do đầu tư trồng cây cao su nhầm vào vùng lòng hồ ngập nước.

Trách nhiệm thuộc về ai?

Dự án thủy điện Hương Điền (tên trước đây là thủy điện Cổ Bi) được Thủ tướng Chính phủ cho phép đầu tư giữa năm 2005. Theo ông Nguyễn Văn Cho, Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Điền, trước năm 2005, vùng trồng cao su Phong Sơn là đồi núi trọc, chưa có thủy điện.

Năm 2005, trên cơ sở khảo sát, xác định diện tích trồng cao su (khoảng 370 ha) từ Đoàn Điều tra quy hoạch rừng TT- Huế, UBND huyện lập dự án và được Ban Quản lý Dự án Đa dạng hóa Nông nghiệp tỉnh chấp nhận.

Năm 2006, huyện hợp đồng cơ quan chuyên môn thiết kế trồng cao su, dân được giao xử lý thực bì (từ tháng 3 đến tháng 6-2006) và nhận lô canh tác. Căn cứ kết quả kiểm tra, thẩm định của Trung tâm Tài nguyên Môi trường tỉnh TT- Huế, UBND huyện Phong Điền đã ra quyết định cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trồng cao su cho dân Phong Sơn vào cuối năm 2006. Diện tích giao đất thực tế là 244,99ha, cho 123 hộ dân.

“Lộ trình trồng cao su được huyện chỉ đạo từ năm 2005, bảo đảm các thủ tục về quy hoạch, sử dụng đất, giao đất từ tỉnh xuống cơ sở. Tuy nhiên, chúng tôi không lường hết cách làm của các cơ quan giúp việc”, ông Cho nói.

Ông Lê Hạ, Giám đốc Trung tâm Quy hoạch & Thiết kế Nông-Lâm-Ngư tỉnh TT- Huế giải thích: “Quả thật, chúng tôi không nắm được quy hoạch và ranh giới lòng hồ thủy điện, không biết mốc ngập nước đến ngang đâu.

Năm 2005, chúng tôi tổ chức đo đạc theo hợp đồng từ Trung tâm Kỹ thuật- Sở Tài nguyên Môi trường, nhằm xác định nơi nào trồng được cây cao su. Riêng phần thiết kế trồng rừng kinh tế (thuộc dự án WB3), đơn vị trực tiếp làm và có thiếu sót là không rà soát các loại quy hoạch”.

Theo UBND huyện Phong Điền, giữa năm 2007, đơn vị quản lý thủy điện bàn giao tim mốc trên thực địa. Lúc này, dự án cao su tại Phong Sơn đã thực hiện xong. Đơn vị quản lý thủy điện thì cho rằng, toàn bộ diện tích rừng trồng bị ảnh hưởng bởi lòng hồ được quy hoạch và canh tác sau thời điểm có quyết định đầu tư thủy điện.

Mặt khác, quá trình đo vẽ bản đồ địa chính vùng lòng hồ, số diện tích bị ngập kể trên không thấy thể hiện. Đến nay, các bên tiếp tục đưa ra những căn cứ, cơ sở để khẳng định mình không làm sai. Tuy nhiên, những tranh cãi trách nhiệm giữa các đơn vị liên quan vẫn chưa ngã ngũ.

Ông Nguyễn Văn Cho cho biết: “UBND huyện từng mời đại diện nhà máy thủy điện đi kiểm tra ranh giới vùng lòng hồ, nhưng họ chưa thể tìm ra các cột mốc, để xác định đâu là khu vực do đơn vị mình quản lý. Đến nay, chúng tôi phát hiện có gần 100ha đất quy hoạch trồng cao su và rừng kinh tế tại Phong Sơn chồng lên vùng lòng hồ thủy điện. Tôi nghĩ, ai làm sai người đó phải chịu trách nhiệm, nhưng tuyệt đối không thể để dân thiệt thòi”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
CEO Acecook Việt Nam bị làm giả chữ ký
CEO Acecook Việt Nam bị làm giả chữ ký
TPO - Công ty CP Acecook Việt Nam cho biết, trên nhiều trang mạng xã hội như Facebook, Zalo… lừa đảo bằng cách giả dạng thông tin tuyển dụng, làm giả cả chữ ký của tổng giám đốc trên thông tin tuyển dụng rồi đưa vào các trường đại học tuyển ứng viên. Đối tượng lừa đảo yêu cầu ứng viên nộp tiền tuyển dụng vào tài khoản, từ 150.000 - 300.000 đồng/người.