Ở nơi bác sĩ “tự làm khổ”

Ở nơi bác sĩ “tự làm khổ”
TPO - “Vì sao các đồng nghiệp ở bệnh viện khác thực hiện được những kỹ thuật y tế mới mà mình chưa làm được? Vì sao chưa rút ngắn được ngày điều trị cho bệnh nhân”…

Ở nơi bác sĩ “tự làm khổ”

TPO - “Vì sao các đồng nghiệp ở bệnh viện khác thực hiện được những kỹ thuật y tế mới mà mình chưa làm được? Vì sao chưa rút ngắn được ngày điều trị cho bệnh nhân”…

Những câu hỏi luôn day dứt, trăn trở ấy đã trở thành động lực để các thầy thuốc ở Khoa Nội tiêu hóa – Máu (A3) thuộc BV Quân đội 354 không ngừng phấn đấu, với một mục tiêu duy nhất: Vì sức khỏe cán bộ chiến sĩ và nhân dân.

BS Vũ Đức Chung (bên phải) đang thực hiện kỹ thuật nội soi dạ dày cho bệnh nhân
BS Vũ Đức Chung (bên phải) đang thực hiện kỹ thuật nội soi dạ dày cho bệnh nhân.

Đau đáu vì …“kém cạnh”

11h 30 trưa, ngoài cửa phòng nội soi dạ dày, đại tràng vẫn còn 3, 4 bệnh nhân ngồi chờ tới lượt. Trong phòng soi, dù điều hòa chạy ro ro nhưng Đại tá, BS CK II Vũ Đức Chung, Chủ nhiệm Khoa A3 và y sĩ Đỗ Đức Quân trán vẫn mướt mải mồ hôi. Thấy tôi ngó nghiêng, sốt ruột vì đã quá giờ hẹn làm việc đến cả tiếng, BS Vũ Đức Chung cười thanh minh: “Bệnh nhân đông quá, sáng giờ làm mấy chục ca mà chưa xong. Nhà báo thông cảm chờ thêm chút nữa nhé, không bỏ bệnh nhân được”.

Quá thuyết phục vì lý do “ông chủ nhiệm” đưa ra nên tôi đành vui vẻ ngồi chờ đợi. Và cuối cùng thì tôi cũng có được khoảng thời gian hiếm hoi vào cuối giờ trưa khi BS Vũ Đức Chung vừa tranh thủ ăn suất cơm trực, vừa tiếp chuyện nhà báo.

Câu chuyện của ông đại tá, BS cứ đau đáu xoay quanh việc “Vì sao các đồng nghiệp ở các bệnh viện khác thực hiện được những kỹ thuật y tế mới mà mình chưa làm được? Vì sao chưa rút ngắn được ngày điều trị cho bệnh nhân? Vì sao những kỹ thuật như mở cơ oddi lấy sỏi ngược dòng bằng ống soi cửa ngang hay nút mạch điều trị ung thư gan giai đoạn đầu là những phương pháp điều trị tiêu hóa được các bệnh viện bạn thực hiện thường quy mà bệnh viện mình chưa có điều kiện để thực hiện?”…

Y tá Khoa A3 chuẩn bị thuốc tiêm cho bệnh nhân điều trị tại khoa
Y tá Khoa A3 chuẩn bị thuốc tiêm cho bệnh nhân điều trị tại khoa.

Giữ danh dự bằng chất lượng điều trị

Nghĩ là làm, được sự ủng hộ của Ban lãnh đạo bệnh viện, sự đồng thuận của cán bộ y bác sĩ trong khoa, một số kỹ thuật khó, phức tạp, thường chỉ được áp dụng tại các BV tuyến TƯ đã được ứng dụng tại Khoa A 3 như: tiêm xơ cầm máu, thắt tĩnh mạch thực quản bằng vòng cao su; nội soi can thiệp kèm tiêm cầm máu đường trong,…, đã góp phần cứu sống nhiều ca bệnh hiểm nghèo.

Như trường hợp bệnh nhân N.M.G, ở Hà Nội. Ông G nhập viện trong tình trạng mạch nhanh, huyết áp tụt, tiền sử đã từng cắt 2/3 dạ dày. Ngay khi tiếp nhận cấp cứu bệnh nhân, các BS đã kịp thời chẩn đoán chính xác nguyên nhân bệnh nhân bị chảy máu cấp, chỉ định nội soi can thiệp. Khi nội soi, thấy bệnh nhân bị loét miệng nối, máu chảy thành tia, sự sống có thể chỉ tính bằng giờ nếu không được can thiệp kịp thời. Sau khi được tiêm cầm máu bằng kỹ thuật nội soi, bệnh nhân đã thoát khỏi “án tử” và ra viện sau 10 ngày điều trị.

Một trường hợp khác là bệnh nhân N.V.T, 46 tuổi ở Gia Lâm, Hà Nội, nhập viện trong tình trạng chảy máu tiêu hóa do giãn vỡ tĩnh mạch thực quản. Sau khi được can thiệp nội soi thắt tĩnh mạch thực quản bằng vòng cao su, bệnh nhân đã hết chảy máu, huyết áp trở lại bình thường, ra viện.

Không chỉ “gặp” người bệnh trên hồ sơ bệnh án, tại phòng bệnh số 6, Khoa A3, Trung úy Vũ Chí Anh, Bộ Tư lệnh Lăng, là bệnh nhân đang điều trị loét dạ dày tại khoa cho biết: “Hơn một tuần nằm điều trị tại đây, không chỉ là việc điều trị đơn thuần của BS đối với người bệnh, tôi còn cảm nhận được tình đồng đội trong mỗi cử chỉ, lời nói của các y bác sĩ”.

Còn bệnh nhân Hoàng Thị Thúy ở số 21, ngách 6/30 Đội Nhân, Hà Nội, đang điều trị tại buồng số 3 vì căn bệnh trào ngược dạ dày thực quản cho biết: “tôi là bệnh nhân BHYT, điều trị tại đây là trái tuyến. Lần đầu tiên đi bệnh viện, tôi cũng bị “ám ảnh” bởi câu chuyện phải phong bì phong bao để các BS điều trị tốt hơn. Nhưng qua thời gian điều trị ở đây, tiếp xúc với các y bác sĩ, các bệnh nhân trong phòng cũng như tôi, không còn suy nghĩ đó nữa”.

Mang câu chuyện “phong bì” của bệnh nhân kể lại với BS Chủ nhiệm khoa Vũ Đức Chung, ông thẳng thắn: “chuyện tiền thì ai cũng cần để sống nhưng với người thầy thuốc, đặc biệt là thầy thuốc mang áo lính, danh dự và lương tâm không cho phép mình kiếm tiền trên nỗi đau của người bệnh. Đâu đó vẫn xảy ra câu chuyện về y đức khiến con sâu làm rầu nồi canh, nhưng với A3, chúng tôi luôn quán triệt, động viên anh em cán bộ, chiến sĩ giữ sáng màu áo người thầy thuốc”…

Bằng lương tâm nghề nghiệp và danh dự của những người lính cụ Hồ, những thầy thuốc – chiến sĩ ở Khoa A3 đang miệt mài, nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ của mình. Nói như BS Chung là “chúng tôi không làm vì bằng khen, không làm vì phong bì, sự sống và sức khỏe của người bệnh là món quà quý giá nhất mà các thầy thuốc mong đợi”.

Thùy Anh

Theo Viết
MỚI - NÓNG