Tắc đường nhiều quá người dân sẽ phản ứng

Ùn tắc giao thông thường xuyên diễn ra ở nội thành Hà Nội. Ảnh: Hồng Vĩnh
Ùn tắc giao thông thường xuyên diễn ra ở nội thành Hà Nội. Ảnh: Hồng Vĩnh
TP - “Nếu tắc ít còn chờ đợi hay tìm đường khác, còn tắc nhiều quá người dân sẽ phản ứng mạnh. Vấn đề giao thông nếu giải quyết không tốt, không kịp thời sẽ trở thành vấn đề chính trị” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị cảnh báo trước thực trạng hạ tầng giao thông kém gây tắc đường liên tục ở Thủ đô.

> Hạn chế xe máy, xe cá nhân: Xe buýt có gồng nổi?
> Sẽ cấm xe máy tại các đô thị lớn

Ùn tắc giao thông thường xuyên diễn ra ở nội thành Hà Nội. Ảnh: Hồng Vĩnh
Ùn tắc giao thông thường xuyên diễn ra ở nội thành Hà Nội. Ảnh: Hồng Vĩnh.
 

Cuối năm 2014 có đường sắt đô thị là chậm

Đây là nhận định của Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị trong chuyến kiểm tra một số công trình giao thông trọng điểm trên địa bàn Thủ đô sáng qua. Tại công trường tuyến đường sắt đô thị (ĐSĐT) Cát Linh - Hà Đông, ông Nghị được Ban Quản lý Dự án Đường sắt, Cục Đường sắt, Bộ GTVT (chủ đầu tư) thông báo, dự án đã cơ bản có mặt bằng để thi công từ tháng 4-2010.

Đã hoàn thành 11 trụ cầu trên hồ Đống Đa và đường Hoàng Cầu; đang triển khai các trụ cầu trên đường Quang Trung (Hà Đông). Khối lượng thi công đường công vụ vào khu nhà ga (depot) hoàn thành được 85%. “Theo kế hoạch, dự án ĐSĐT Cát Linh - Hà Đông sẽ hoàn thành, đưa vào vận hành thử từ tháng 11-2014 và hoạt động chính thức vào tháng 6 - 2015”, đại diện Ban Quản lý Dự án Đường sắt thông báo.

Về tuyến ĐSĐT Cát Linh - Hà Đông, ông Nghị cho rằng, dự án chậm ngày nào ảnh hưởng đời sống nhân dân ngày đó. “Hiện hầu như dự án không còn khó khăn gì về vốn, mặt bằng, nhưng đến cuối năm 2014, thậm chí năm 2015 mới đưa vào sử dụng là chậm”, ông nói.

Theo ông Nghị, tuyến có chiều dài 13 km, trong khi ở Trung Quốc nhà thầu dự án (Cty Hữu hạn tập đoàn Cục 6 Đường sắt - Trung Quốc), thi công những tuyến dài hàng trăm kilômét chỉ mất 1-2 năm. “Mọi khó khăn giờ đã được giải quyết, các đồng chí hãy cùng với chúng tôi đẩy nhanh tiến độ lên. Phấn đấu làm sao từ nay đến Quốc khánh Việt Nam 2-9-2014 đưa dự án vào sử dụng thay vì tháng 6-2015 như kế hoạch”, ông Nghị nói.

Đường sá ngày nào cũng tắc

Kiểm tra tiến độ tại nhiều trình giao thông quan trọng như nút giao Thái Thịnh - Láng, đường trên cao vành đai 3... ông Nghị cho rằng, đường sá ngày nào cũng tắc; sáng nào, chiều nào người dân cũng mất từ 30 phút đến 1 - 2 giờ vào đây. “Nếu tắc ít còn chờ đợi hay tìm đường khác, còn tắc nhiều quá người dân sẽ phản ứng mạnh. Vấn đề giao thông nếu giải quyết không tốt, không kịp thời sẽ trở thành vấn đề chính trị”, ông Nghị lo ngại.

Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, tuy đã triển khai từ nhiều năm nay, nhưng đến nay cả 3 tuyến vành đai quan trọng của Hà Nội (vành đai 1, vành đai 2, vành đai 3) đều chưa hoàn tất. Là tuyến đường triển khai đầu tiên và quan trọng hàng đầu, đáng lẽ vành đai 1 phải xong đầu tiên, nhưng giờ lại trở thành khó hoàn thành nhất.

Tuyến vẫn còn các đoạn qua Ô Chợ Dừa, Hoàng Cầu, Voi Phục chưa biết lúc nào thông. Với vành đai 3 (Bộ GTVT làm chủ đầu tư), tương đối dễ hơn, do không gian mặt bằng đã giải quyết ổn thỏa. “Vì vậy, vành đai 3 phải chủ động làm, hoàn thành chứ đừng có đợi vành đai 1 hoàn thành rồi vành đai 3 mới xong”, ông Nghị nói.

Về chất lượng công trường, ông Nghị lưu ý, chủ đầu tư phải giao trách nhiệm cho bộ phận chuyên trách kiểm định hằng ngày, hằng giờ. “Cùng với đó, các điểm khớp nối, lên xuống, nhất là trên tuyến đường vành đai 3 phải thuận lợi, hợp lý, không được thay thế hay phế bỏ những công trình đang tồn tại”, ông Nghị yêu cầu.

Trả lời báo chí sau buổi kiểm tra, Bí thư Phạm Quang Nghị cho biết, mục đích chính của buổi kiểm tra là xem các tiến độ triển khai các công trình đến đâu, nếu còn vướng sẽ cùng tháo gỡ. Tuy nhiên, hầu hết dự án không gặp khó khăn gì lớn.

“Với dự án ĐSĐT Cát Linh - Hà Đông, mọi khó khăn đã cơ bản được giải quyết và nhà thầu Trung Quốc có hứa với tôi sẽ đưa dự án vào sử dụng sớm hơn 6 tháng so với thời gian dự định hoàn thành (6-2015)”, ông Nghị nói.

 
Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG