Chủ tịch UBND huyện Tương Dương Hồ Cảnh cho biết trong đêm 13-9, mưa hầu như đã chấm dứt trên toàn huyện. Tuy nhiên, tại xã Yên Tĩnh lúc 3h sáng ngày 14-9 bất ngờ có mưa lớn. Với lượng mưa hàng trăm mili mét, kéo dài trong 3 giờ đồng hồ. “Xã Yên Tĩnh ngập sâu từ 1 đến 1,5m, sau đó nước rút rất nhanh!”, ông Hồ Cảnh cho biết.
Nhiều nhà dân bị lũ bao vây trong đêm. Một khối lượng lớn sách vở, đồ dùng học tập của giáo viên, học sinh xã nghèo bị ướt, hư hỏng. Giữa bốn bề núi non trùng điệp, Yên Tĩnh như một lòng chảo và nơi đây thường phải hứng chịu lũ lụt càn quét.
Ngày 25-6-2011, một trận lũ lớn làm ngập trụ sở UBND xã và 2 trường học cấp 1 và 2. Tại bản Pa Ty và bản Cánh có tới 68 hộ bị ngập sâu.
Trước đó, vào tháng 6-2009, trận lũ kinh hoàng chạy dọc sông Nậm Nơn làm 5 người tại bản Pa Tý thiệt mạng, trong đó có 3 em học sinh.
Mưa dồn dập ở xã Yên Tĩnh. Trong khi đó, ở xã Yên Na- nơi xảy ra vụ lở núi uy hiếp Nhà máy Thuỷ điện bản Vẽ, đêm qua trời quang mây tạnh, không mưa, tốc độ sạt lở đất đá trên sườn núi gần khu vực công trình thuỷ điện chững lại.
Chiều nay, Thuỷ điện bản Vẽ cùng chính quyền địa phương lên phương án giải phóng khối lượng đất đá từ vụ lở núi.
Nghệ An: Mưa lũ làm 5 người chết, Nhà máy thủy điện Bản Vẽ vẫn hoạt động bình thường Thông tin mới nhất từ Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn Nghệ An cho biết, đợt mưa lũ vừa qua trên địa bàn Nghệ An có 5 người chết, bao gồm : Chị Vi Thị Mùi, 40 tuổi và con là Vi Thị Dung, 16 tuổi, ở bản Kẻ Trắt xã Thạch Ngàn, huyện Con Cuông; ông Hoàng Văn Quý, 42 tuổi, ở xóm Canh xã Nghĩa Yên, huyện Nghĩa Đàn; cháu Trương Hữu Hiếu, 5 tuổi, xóm 12, xã Long Sơn, huyện Anh Sơn và cháu Nguyễn Thế Tài, 9 tuổi, xóm 1 xã Nam Lộc, huyện Nam Đàn. Trước thông tin khác nhau về mức độ hiểm nguy do sạt lở đất đá từ trên núi có nguy cơ “vùi lấp” Nhà máy thủy điện Bản Vẽ (công suất 320 MW, lớn nhất trong số các công trình thủy điện hiện nay ở các tỉnh Bắc miền Trung), vào lúc 16 giờ ngày 14-9, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn Nghệ An có báo cáo nhanh số 72/BC.VP-PCLB&TKCN, cho biết: Nhà máy thủy điện Bản Vẽ bị sạt lở taluy dương, đường vào nhà máy, phía hạ lưu đập dài 120m, chiều cao trượt 70m đến 100m, cách nhà máy khoảng 20m, khối lượng sạt lở khoảng 25.000m3 đất và hiện nay nhà máy vẫn hoạt động bình thường. Sở Giao thông vận tải Nghệ An cũng cho biết, hiện Quốc lộ 7 và 48C (là những tuyến đường quan trọng nối từ các huyện đồng bằng, ven biển lên các huyện miền núi trong tỉnh) đã thông xe, tuy nhiên vẫn phải có người trực đảm bảo an toàn giao thông trước những nguy hiểm có thể xảy ra. Các tuyến đường ĐT598A, ĐT598B, ĐT533 vẫn đang bị ách tắc giao thông tại nhiều vị trí do nước ngập và sạt lở. Tại Nghệ An, hiện nay lũ trên thượng nguồn sông Cả đang xuống chậm và duy trì ở mức cao, hạ lưu sông Cả ở xu thế dao động đỉnh. Mực nước lúc 13h00 ngày 14-9 trên sông Cả tại Thạch Giám là 63.80m, tại Dừa là 22.26m, tại Đô Lương là 16.21m (trên báo động II), tại Nam Đàn là 7.59m (dưới mức báo động III). TTXVN |