> Tăng cường mua điện từ Trung Quốc
> Bao cấp nợ
Các ông lớn đồng loạt kêu thiếu vốn
Theo ông Dương Quang Thành, Phó Tổng giám đốc EVN, trước mắt việc điều chỉnh giá giúp ngành điện đảm bảo cân bằng về tài chính, không để lỗ trong sản xuất kinh doanh từ năm 2012 trở đi và hạch toán bù phần lỗ năm 2010. Ngành điện cũng đề nghị cho phép tăng vốn điều lệ để đảm bảo tỉ lệ trích vốn khấu hao hằng năm đủ để trả nợ gốc và lãi vay.
Đến nay, một số dự án đã chậm tiến độ do EVN thiếu vốn tự có và một số dự án cấp bách cấp điện cho khu vực phía Nam chưa ký được hợp đồng vay vốn.
Thiếu vốn là thách thức rất lớn đối với tập đoàn trong việc đảm bảo cung cấp điện khu vực phía Nam từ năm 2013-2015 trong khi sản xuất kinh doanh của tập đoàn đang bị lỗ. Năm 2010 tập đoàn lỗ trên 8.000 tỉ đồng, 8 tháng đầu năm nay lỗ trên 2.000 tỉ đồng. Vốn khấu hao không đủ trả nợ vay hằng năm. Hơn một năm nay EVN chưa thu xếp được vốn đối ứng cho nhiệt điện Duyên Hải 1, Vĩnh Tân 2 và cảng Vĩnh Tân.
Ông Lê Hòa Thắng, Phó ban Điện của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cho biết, tập đoàn cũng gặp khó khăn chung như các chủ đầu tư dự án điện khác trong việc giải phóng mặt bằng và tìm vốn đầu tư. Việc thu xếp vốn cho một nhà máy nhiệt điện than hiện nay khoảng trên 1,6 tỉ USD. Với 5 dự án tập đoàn đang thực hiện cần tới 8 tỉ USD. Đây là áp lực rất lớn với tập đoàn do hiệu quả đầu tư thấp, thời gian thu hồi vốn kéo dài nên các ngân hàng không mặn mà cho vay.
Phó tổng giám đốc Tập đoàn Sông Đà Lê Văn Khương cũng cho biết với giá trị đầu tư các hạng mục rất lớn, tập đoàn hiện không có đủ vốn để tiếp tục triển khai các hạng mục khác. Trao đổi với PV Tiền Phong, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng, cho biết Bộ đang chờ EVN tính toán đầu vào vì hiện tại chưa có báo cáo từ Tập đoàn Điện lực, mới chỉ nhận được đề xuất và cũng chưa có phương án xin tăng cụ thể nào được đưa ra. Theo ông Đỗ Mạnh Tuấn, Phó Vụ trưởng Kinh tế ngành (Văn phòng Chính phủ) việc tăng giá điện vào thời điểm này là khó có thể được thực hiện do phải căn cứ vào việc đảm bảo an sinh xã hội và lưu ý vấn đề lạm phát trong những tháng cuối của năm 2011.
Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng Phạm Mạnh Thắng, nhu cầu điện thời gian qua bị dự báo sai lệch khá lớn. Phương án được duyệt về dự báo nhu cầu điện giai đoạn 2006-2015 với mức tăng trưởng nhu cầu là 17% nhưng thực hiện thực tế 5 năm qua chỉ dưới 15%. Sai số so với kịch bản phê duyệt và kiểm tra thực tế còn lên đến 20%. Đối với quy hoạch cứng, chênh lệch dự báo 5% dẫn đến nguồn dự phòng bị ảnh hưởng rất nhiều.