> Phố Trung Quốc ở Hải Phòng
> Góc tối Cái Tàu
Nhóm công nhân Trung Quốc ngồi tán chuyện trên công trường xây dựng Thủy điện sông Bung. Ảnh: Nam Cường. |
Bị ép trên sân nhà
Hàng trăm lao động Việt Nam đang làm thuê cho nhà thầu Trung Quốc xây dựng công trình thủy điện sông Bung 4 (thôn Pà Lừa xã Tà Bhing, Nam Giang) đang bị đối xử rất bất công về giờ làm và lương thưởng. Người Việt đang bị giới chủ Trung Quốc o ép ngay trên sân nhà…
Qua 3 vòng kiểm soát, chúng tôi mới vào được khu lán trại của công nhân Trung Quốc ở giữa rừng, bên cạnh nhà máy thủy điện Sông Bung 4 đang được thi công ngày đêm. Tất cả biển báo vào công trình đều bằng chữ Trung Quốc. Lao động Trung Quốc hiện chiếm đa số ở đây, với 296 người, phần lớn là lao động phổ thông.
Tại khu nhà ở của đội vàng (đội lái xe màu vàng), 2 dãy nhà 2 tầng, trong đó công nhân Việt Nam ở tầng trên của một dãy, số còn lại là lao động Trung Quốc. Nguyễn Xuân Hùng (Yên Thành – Nghệ An) chuẩn bị vào làm ca chiều lúc 13h30, nói: Không có thời gian mà chợp mắt giấc trưa tí anh ạ. Làm quần quật cả ngày, toàn việc nặng.
Theo Hùng, khoảng 10 tài xế người Nghệ An làm cho đội vàng, cứ một xe 2 tài thay đổi nhau lái 3 ca, cả ngày lẫn đêm. Thời gian làm bắt đầu từ 6h30 sáng đến 11h30 trưa, buổi chiều đổi ca, làm từ 13h30 tới 18h30 tối, ca đêm lại đổi sang tài xế ban sáng, chạy từ 19h đến tận 22h30 đêm.
Ngày hôm sau đổi ngược lại. Đa phần anh em ở đây mỗi ngày làm trên 9 tiếng, quần quật liên tiếp như thế, không có bất kỳ ngày nghỉ nào trong tháng, nói gì đến thứ bảy hay chủ nhật.
Mỗi tháng, các tài xế được nhận 6 – 7 triệu đồng. Tuy nhiên, đối với anh Trần Thanh Hiếu (Nghệ An) thì đó là số tiền quá bèo so với công sức nặng nhọc bỏ ra, đặc biệt so với mức lương mà công nhân Trung Quốc được hưởng với công việc tương đương hoặc nhẹ nhàng hơn rất nhiều.
“Công nhân Trung Quốc làm những việc đơn giản hơn bọn tôi nhiều, họ chỉ đảm đương phần uốn sắt, làm kè, xây tường hay sửa xe… mà lương của họ phải 10 - 15 triệu đồng/tháng. Cá biệt, có những tháng, nhận 21 triệu đồng/người. Chúng tôi nhìn mà thèm” - anh Hiếu nói.
Tôi hỏi, sao không phản ánh, đấu tranh gì, cả nhóm trố mắt: Phận làm thuê, chủ trả sao nhận vậy. Lộn xộn họ đuổi liền. Làm việc ở đây không có chuyện thắc mắc hay kiến nghị gì cả. Chỉ cần một sai sót là lập tức bị đuổi.
Theo anh Hiếu, đã có 3 – 4 trường hợp bị nhà thầu Trung Quốc đuổi việc vì lỡ xảy ra sai sót nhỏ. “Làm nhiều thế, nhưng chỉ cần chúng tôi về sớm một chút hoặc dậy muộn là ngay lập tức bị chửi. Còn phía công nhân Trung Quốc, anh sang mà nhìn”.
14h30, khi nhóm lao động Việt Nam đã làm được 1 giờ đồng hồ thì nhóm công nhân Trung Quốc mới lục tục dậy, mặc quần áo, chỉnh trang ra công trường. Thay vì làm ngay, nhóm này đủng đỉnh ngồi lại hút thuốc, tán chuyện râm ran. Chúng tôi kiên nhẫn chờ. Mất đúng 30 phút nữa, họ mới bắt đầu làm việc thực sự.
Tình cảnh trái ngược
Lán trại lao động Việt Nam xây dựng kè đá tại công trường thủy điện sông Bung 4, khi bước vào, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước sự tiều tụy, thiếu thốn nơi đây. Trái hẳn với những dãy nhà của công nhân Trung Quốc, khu lán trại của công nhân ở đây được tận dụng từ kho chứa vật liệu nhà máy.
Một dãy lán được lợp bằng tôn, nóng hừng hực. Nhóm công nhân gồm 6 người đang nghỉ trưa tại lán. Để có giấc ngủ trưa, tất thảy phải cởi áo, nằm la liệt trên những tấm ván gỗ nối dài. Không điện, không nước sinh hoạt, thiếu thốn đủ bề. Tất thảy ở đây đều không có hợp đồng lao động, bảo hiểm, bảo hộ.
Chị Mai Thị Bảy quê ở huyện Quế Sơn (Quảng Nam) làm công việc nấu ăn cho công nhân, nói: “Nấu nướng người Việt mỗi tháng được trả 1,5 triệu đồng, còn nấu cho người Trung Quốc cao hơn nhiều, nhưng chỉ có người Trung Quốc nấu thôi. Anh em ở đây ăn uống kham khổ lắm.
Gạo đắt, tính ra mỗi bữa khẩu phần thức ăn của công nhân chỉ có 6 ngàn đồng. Nhiều hôm đi chợ chia không ra. Quy định là thế mà, thấy anh em khổ mà thương”. Khẩu phần ăn của công nhân chỉ bao gồm cơm, canh rau và ít cá thịt, tất cả được nấu bằng nước suối, nước mưa do chị Bảy hứng.
Nhiều anh em công nhân làm được vài ba hôm, cực khổ, thu nhập thấp nên bỏ về. Ốm đau như cơm bữa nhưng không hề có thuốc men. Chị Bảy bất đắc dĩ trở thành thầy thuốc. “Thấy anh em đau ốm là cho uống kháng sinh, đau bụng thì cho uống Becberin. Nặng quá thì xin nghỉ đưa xuống trạm xá xã”.
Anh Lê Đình Đoàn (32 tuổi) quê ở huyện Nông Cống (Thanh Hóa) nhờ người quen xin vào làm công nhân xây dựng kè đá. Khi vào làm, anh mới té ngửa: làm thủy điện khổ hơn làm thợ hồ ở ngoài. Nhưng vì lỡ lặn lội đường xa vào đây, nên anh và nhiều anh em khác gắng làm.
“Giờ không làm lấy chi nuôi vợ con. Làm ngày 9-10 tiếng giữa nắng mưa, mỗi tháng cũng chỉ được hơn 3 triệu đồng. Công nhân Trung Quốc làm việc giống bọn em nhưng lương lại gấp 2 – 3 lần. Nhiều lần kiến nghị nhưng đâu có được”.
Anh Đoàn và ba anh em khác ở cùng quê vào đây được hơn 3 tháng. Ban đầu nhóm thợ xây kè đá tại lán có 17 người nhưng rồi ốm đau, thuốc men không có nên đã bỏ về, rơi rớt lại còn 6 người cầm cự, ai cũng ốm yếu và xanh xao.
“Cũng một công việc, bọn em là lao động phổ thông nhưng thấy bất công quá. Nhà thầu Trung Quốc cứ lấy lý do bất đồng ngôn ngữ, trái ý là đuổi bọn em. Công nhân Trung Quốc qua, tay nghề cũng có hơn gì bọn em đâu, vậy mà chỗ ở và chế độ ăn khác hoàn toàn” - Hùng (Bắc Trà My) nói.
Anh em công nhân ở đây cho biết thêm: làm việc trong môi trường cực khổ nhưng không hề được thưởng mà chỉ có bị phạt, vào các ngày lễ đều không được nghỉ, ốm đau tự lo thuốc men. Trong khi đó, lao động phổ thông người Trung Quốc thì hoàn toàn khác.
Em bé 2 tuổi có bố là công nhân Trung Quốc. Ảnh: Nam Cường. |
Luật chơi, phải chấp nhận (?)
Đó là khẳng định của ông Trương Thiết Hùng – Trưởng BQL dự án thủy điện Sông Bung 4. Theo ông Hùng, dự án thủy điện sông Bung 4 có tổng vốn đầu tư gần 5 ngàn tỷ đồng, trong đó vốn vay của Ngân hàng châu Á (ADB) đã gần 4 ngàn tỷ đồng (160 triệu USD).
“Vì là vốn vay của ADB nên họ giám sát kỹ, khi mời thầu công khai cũng theo luật quốc tế. Nhà thầu Sinohydro Corporation Limited (Trung Quốc) bỏ thầu rẻ nhất nên trúng. Họ đưa người của họ sang làm việc. Ngay lúc ký hợp đồng nhận thầu, cũng có điều khoản là khuyến khích sử dụng lao động địa phương nhưng không bắt buộc, bản thân chúng tôi cũng nhắc vấn đề này thường xuyên. Đây là luật quốc tế, đã là cuộc chơi thì phải chấp nhận thôi” – ông Hùng nói.
Khi được hỏi liệu BQL có biết là hàng trăm lao động ở sông Bung 4 là lao động “chui”, không có phép, ông Hùng cho rằng, đó là chuyện của nhà đầu tư với Sở LĐTB-XH tỉnh Quảng Nam.
Còn ông Võ Duy Thông – Phó GĐ Sở LĐTB-XH Quảng Nam cho biết: “Sở đã nghe thông tin phản ánh tình trạng lao động Trung Quốc tại nhà máy Thủy điện sông Bung 4 nhưng chưa kiểm tra thực tế nên chưa thể thông tin cụ thể. Chúng tôi sẽ thành lập đoàn để thanh kiểm tra tình hình lao động Trung Quốc tại nhà máy này và sẽ mạnh tay nếu có phát hiện sai phạm trong việc sử dụng lao động !”.
Lời ru buồn bên dòng A Vương
Gần 200 công nhân người Quảng Tây (Trung Quốc) của hai nhà thầu Quế Năng và Quế Võng thi công phần đập Dự án Nhà máy thủy điện Za Hưng tại huyện Đông Giang - Quảng Nam đã rút về nước từ tháng 8-2009. Trong 2 năm ở chung với dân địa phương, họ để lại không ít phiền toái, mà giờ đây, điệu ru buồn của thiếu phụ Kà Dâu vẫn ầu ơ bên dòng A Vương khi họ chạy tình, quất ngựa truy phong.
Nhà vợ chồng B. và A. nằm ngay ven đường Hồ Chí Minh, bên cạnh thủy điện Za Hưng, nhưng gặp được thật khó. Chờ cả buổi sáng, mới thấy A. gùi chuối ở rẫy về, phán câu xanh rờn: “Không chụp ảnh, không báo chí gì hết, con tui tui nuôi. Con Trung Quốc đấy !”.
Cả thôn Kà Dâu đều biết con gái thứ 2 của A. mang dòng máu của một công nhân người Quảng Tây hồi còn làm thủy điện Za Hưng. Anh A lăng Khía tỏ vẻ thông cảm: Nó xấu hổ lắm đó, giờ nó bất chấp, chẳng ai dám khơi lại chuyện buồn đâu. Chuyện rằng, không phải đợi đến lúc A. sinh đứa con gái thứ 2, dân làng mới biết quan hệ của cô với công nhân Trung Quốc.
Tuy nhiên, khi đứa bé của một thiếu phụ Cơtu được sinh ra trắng trẻo, mắt một mí, giống người Quảng Tây như đúc thì cả làng Kà Dâu ngã ngửa. A. sống trong cô đơn bởi bà con hàng xóm xa lánh. Trưởng thôn B. Nướch A Gung là cháu gọi anh B. (chồng của A.) là chú ruột nhưng cũng đành theo lệ làng, không thể giúp gì hơn.
Chuyện mới 2 năm nên A Gung vẫn còn nhớ như in: Hồi đó công nhân Trung Quốc ở với dân bản đông lắm, họ vào thuê nhà, trả tiền hằng tháng nên hầu như gia đình nào cũng dọn phòng cho họ ở, chỉ riêng nhà B. không cho ở thì xảy ra chuyện. Mình nhớ tên nó là A Xuân, người Quảng Tây, tài xế xe chở đất hay chạy qua lại Kà Dâu, tối về thì ở nhà anh A lăng Khía.
A Xuân già lắm, đến hơn 50 tuổi chứ chẳng trai tráng gì, ai ngờ nó cả gan tán tỉnh vợ chú mình rồi làm điều xằng bậy. Từ ngày vợ sinh đứa con thứ hai, dù vẫn cho nó mang họ mình nhưng B. buồn lắm, bỏ nhà ra nhà gươl ngủ, uống rượu cả ngày. “Giờ về sống lại với nhau rồi, nhưng mình biết, chú B. chỉ vì đứa con gái lớn thôi, chẳng tha thiết gì nữa”.
Công nhân Trung Quốc rút đi, giờ đây dân làng Kà Dâu vẫn phàn nàn cách sinh hoạt của họ. Trưởng thôn A Gung tâm sự: May mà họ rút về sớm, không thì chả ai dám chắc một mình A. có con với họ.