Nước mắt Tân Dân...

Hiện trường vụ cháy. Ảnh: Lam Khê
Hiện trường vụ cháy. Ảnh: Lam Khê
TP - Thảm họa ở xã Tân Dân, huyện An Lão, Hải Phòng là tiếng chuông báo động khi ở khắp Hải Phòng có hơn 100 xưởng may nhỏ hoạt động mà không có bất cứ thiết bị phòng cháy hay cửa thoát hiểm nào.

> Cháy tại Hải Phòng: 17 người chết, 20 người bỏng nặng

Hiện trường vụ cháy. Ảnh: Lam Khê
Hiện trường vụ cháy. Ảnh: Lam Khê.
 

Người thoát chết kể lại.

Sáng 30-7, nỗi kinh hoàng vẫn hiện rõ trên gương mặt lam lũ của chị Bùi Thị Thêm (39 tuổi, ở thôn Áng Sơn, xã Thái Sơn, huyện An Lão, HP): “13 giờ 30 chiều (29-7), hơn 40 chị em chúng tôi làm việc may mũi giầy. Đến hơn 16 giờ, có hai anh đến hàn mái tôn, bảo là để chống bão. Thấy muội hàn rơi xuống xốp lót nền, vật liệu da giầy, tôi bảo đừng hàn nữa không cháy hết bây giờ... Các anh ấy nói không việc gì đâu cứ làm đi.

Ngay sau đó, muội hàn rơi xuống bốc cháy ngay cửa vào. Tôi vội chạy ra trước cửa cứu 3 chiếc xe máy để đó. Mọi người vẫn làm việc bình thường ở phía trong, nghĩ là cháy nhỏ không sao cả. Tuy nhiên chỉ vài phút, đám cháy lan rộng và bùng lên bắt vào lớp xốp, vải chống nóng trần nhà và xốp lót chân.

Lúc đó, mọi người chợt nhận ra nguy hiểm thì đã muộn. Vài người gần cửa chạy thoát thân, 25 người băng qua lửa chạy ra ngoài bị bỏng rất nặng còn lại 13 người bị thiêu chết. Tôi cùng một số người dội nước và đưa mọi người đi cấp cứu... Đám cháy chỉ khoảng hai chục phút thiêu rụi toàn bộ nhà xưởng”.

Những nạn nhân may mắn sống sót
Những nạn nhân may mắn sống sót.

Chị Thêm nói trong nước mắt: “Tôi có hai cháu bị chết cháy và hai cháu bỏng nặng cũng khó qua khỏi. Thấy cháy, cháu Yến (23 tuổi) vội chạy vào lấy giấy tờ của xưởng đã bị ngọn lửa thiêu chết. Thấy chị bị cháy, em trai Yến là Xuân Anh (18 tuổi) lao vào cứu cũng bị chết cháy luôn. Tôi rất căm giận bởi khi hỏa hoạn xảy ra, hàng chục thanh niên trai tráng đứng xem không vào cứu giúp. Họ chỉ cần cùng nhau phá mảng tường thì sẽ cứu được tất cả...”.

Người bị bỏng nhẹ nhất hiện đang điều trị tại Bệnh viện An Lão là chị Lương Thị Luyên (24 tuổi, ở xã Tân Dân, huyện An Lão) kể. “Khi ngọn lửa bùng lên, xung quanh bao trùm lửa, tôi đang ngồi may mũi giầy sợ quá liền chui xuống gầm bàn may. Trong lúc hoảng loạn, tôi liều mình đội cái gối vẫn để ngồi lên đầu lao ra khỏi cửa...”.

Điều may mắn là có 3 em học sinh nữ 15 tuổi nghỉ hè đi làm thêm để phụ giúp gia đình tại xưởng may này đã thoát chết vì chiều hôm đó phải đến trường tập trung.

Những nạn nhân may mắn sống sót. Ảnh: Lam Khê
Những nạn nhân may mắn sống sót. Ảnh: Lam Khê.
 

Trách nhiệm thuộc về ai?

Ngày 30-7, không khí tang tóc bao trùm ngôi làng bé nhỏ thuần nông ở xã Tân Dân. Mọi người bang hoàng bởi vụ cháy có thể nói là rất nhỏ ở một xưởng may chỉ vẻn vẹn khoảng 150 m2 (rộng 5 m và dài 30 m) nhưng hậu quả quá kinh hoàng với 13 người chết và 25 người bị thương.

Điều ai cũng nhận ra là việc bất cẩn của hai người thợ hàn và sự chủ quan của hơn 40 công nhân này. Nhưng, xưởng may này lại chỉ có một đường ra vào duy nhất là cửa chính, không có bất cứ thiết bị phòng cháy nào... Xưởng may đi vào hoạt động đã được hai tháng mà không thấy cấp chính quyền địa phương nào kiểm tra hay đình chỉ hoạt động.

Ngay đêm 29-7, Công an Hải Phòng quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội vi phạm quy định an toàn lao động gây hậu quả nghiêm trọng. Sáu người bị bắt đứng tên chủ xưởng là vợ chồng Bùi Đức Lạng (49 tuổi) và Bùi Thị Sự (44 tuổi, cùng ở xã Tân Dân); vợ chồng thuê xưởng là A Phong (40 tuổi, ở Trung Quốc) và Bùi Thị Hiện (24 tuổi, ở xã Tân Dân); hai thợ hàn là Lê Văn Bẩy (27 tuổi) và Nguyễn Văn Linh (20 tuổi) đều ở Hải Phòng.

UBND TP Hải Phòng quyết định hỗ trợ 10 triệu cho gia đình có người chết và 3 triệu đồng cho người bị thương.

Đến cuối giờ chiều 30-7, ba thi thể bị cháy vẫn không thể nhận dạng được phải chờ xét nghiệm ADN.

Nước mắt Tân Dân... ảnh 4
 

Hơn 100 xưởng may, da giầy “chui”

Ngay trên đường từ nội thành Hải Phòng về xã Tân Dân, huyện An Lão, chúng tôi kịp nhận thấy ven đường có gần chục xưởng may nhỏ hẹp với hàng chục đến gần trăm công nhân miệt mài làm việc mà không có bất cứ thiết bị phòng cháy nào và cũng chỉ có duy nhất một cửa ra vào.

Các xưởng may đều lợp mái tôn đơn giản và tấm xốp cách nhiệt. Vào một xưởng may ở xã An Thắng, huyện An Lão, hàng chục công nhân đang miệt mài làm việc, chị Bùi Thị Lý, quản lí xưởng may cho biết xưởng vẫn hoạt động như thế này, “cũng chẳng sao cả”. Hầu hết công nhân là người trong xã.

Một xưởng may ở xã Trường Sơn, huyện An Lão, có gần 50 công nhân làm việc vui vẻ dù xung quanh toàn vật liệu rất dễ cháy như xốp, vải, keo... nhưng không có bất cứ thiết bị phòng cháy nào và chỉ duy nhất một cửa ra vào. Các xưởng may như thế ở Hải Phòng tập trung nhiều nhất tại các huyện Kiến Thụy, An Lão, An Dương, Tiên Lãng, Vĩnh Bảo...

Các xưởng may nhỏ len lỏi khắp các làng quê ở tất cả tỉnh, thành phố của cả nước. Nó đáp ứng nhu cầu việc làm cho người nông dân địa phương kiếm tiền lúc nông nhàn lại không phải đi xa. Tuy nhiên, chúng luôn tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao cũng như gây bệnh nghề nghiệp.

Qua kiểm đếm sơ bộ của PV Tiền Phong, Hải Phòng có hơn 100 cơ sở, xưởng may nhỏ hẹp thiếu an toàn như xưởng đã xảy ra hỏa hoạn trên. Ông Phạm Văn Mợi, Chánh Văn phòng kiêm người phát ngôn UBND TP Hải Phòng cho biết khi xảy ra vụ hỏa hoạn ở xã Tân Dân, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Dương Anh Điền yêu cầu sở Công thương rà soát lại toàn bộ các cơ sở, xưởng may nhỏ để tiến hành xử lí theo quy định.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Becamex IDC thế chấp 19 lô đất
Becamex IDC thế chấp 19 lô đất
TPO - Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp (Becamex IDC - mã chứng khoán: BCM) vừa duyệt phương án phát hành trái phiếu riêng lẻ năm nay với tổng giá trị tối đa theo mệnh giá là 1.080 tỷ đồng nhằm cơ cấu lại nợ, tài sản bảo đảm cho lô trái phiếu là 19 thửa đất tại Bình Dương.