Bão số 3 có thể ảnh hưởng tới Việt Nam
TPO – Vịnh Bắc Bộ chỉ còn an toàn tới hết ngày 29. Từ ngày 30 biển động sớm, khu vực ảnh hưởng của cơn bão được tính từ Quảng Ninh tới Thừa Thiên Huế, Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương nhận định.
Đường đi dự kiến của bão số 3. Ảnh: Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương. |
Mưa, gió lớn từ Quảng Ninh tới Thừa Thiên Huế
Theo ông Bùi Minh Tăng – Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, sáng nay (27 – 7), bão số 3 (bão Nockten) di chuyển tương đối ổn định theo hướng Tây Tây Bắc và Tây Bắc.
Sáu giờ sáng nay, vị trí tâm bão ở khoảng 15,5 độ vĩ bắc, 122,3 độ kinh đông, cách đảo Luzon (Philippines) 100km, giật cấp 12. Dự kiến tới trưa nay, bão sẽ vượt qua phía Nam đảo Luzon, đầu giờ chiều có thể tiếp cận phía Đông biển Đông.
“Khi vượt qua Luzon, bão có suy giảm một chút nhưng vào biển Đông do tác động của hoàn lưu và bề mặt nước biển Đông, bão lại mạnh lên và di chuyển theo hướng giữa Tây Bắc và Tây Tây Bắc với tốc độ 20km/h” – ông Tăng nói.
Theo dự báo của Trung tâm khí tượng thủy văn Trung ương, tới 7 giờ ngày 30 – 7, bão ở vị trí 19,8 độ vĩ Bắc, 109,8 độ kinh đông, tốc độ 111km/h. Bão sẽ áp sát phía Đông đảo Hải Nam (Trung Quốc) với sức gió cấp 11,12, giật cấp 13, 14.
Ông Tăng cho rằng, khả năng bão Nockten ảnh hưởng trực tiếp tới nước ta là rất lớn.
“Sau khi vào Hải Nam, hướng đi của bão chếch về phía Tây nhiều hơn. Bão vào Vịnh Bắc Bộ lại lớn thêm, trên đất liền và biển đề phòng gió lớn mạnh cấp 9,10” – ông Tăng nói.
Đồng thời, trong Vịnh Bắc Bộ chỉ còn an toàn tới hết ngày 29. Từ ngày 30 biển động sớm, khu vực ảnh hưởng của cơn bão được tính từ Quảng Ninh tới Thừa Thiên Huế. Quần đảo Hoàng Sa được cho là sẽ không nằm trong vùng ảnh hưởng của bão.
Theo ông Tăng, tầm ảnh hưởng cơn bão vào nước ta lớn nhưng để xác định bão vào vị trí nào thì khó.
“Mưa sẽ bắt đầu từ ngày 29 và gây mưa lớn trên toàn Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ tới hai, ba ngày đầu tháng 8, gió sau bão cũng tồn tại lâu. Chiều và đêm 30, bão vào nước ta nhưng trước mưa bão sẽ tích tụ những đám mây lớn có thể gây lốc, sấm, dông sét, dễ gây thiệt hại về người” – ông Tăng nói thêm.
Thống kê từ cơn bão số 2 cho thấy, 12 người chết do dông sét, lốc.
Lũ quét gây chết người nhiều hơn bão
Chỉ đạo cuộc họp của Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão Trung ương sáng nay, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu các ngành, địa phương phải cảnh giác, do thời tiết diễn biến ngày càng bất thường và mức độ gây hại ngày càng lớn.
“Những cơn bão trước, ta che chắn chỗ này thì bị chỗ khác, vì thế, các địa phương, ngành càng phải nâng cao tinh thần cảnh giác, ứng phó nhanh với các tình huống” – Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nói.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng cho rằng, tốc độ bão Nockten nhanh và lớn, trong điều kiện thủy triều đang thời điểm dâng cao, bão gió mạnh càng làm nước biển dâng cao, mưa lớn gây nguy hiểm cho tàu thuyền. Ông Hải cũng cảnh báo khả năng bị úng ngập của một số thành phố lớn.
Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) chỉ đạo các địa phương kiểm tra đê điều, hồ chứa, bố trí trực ban, kiểm tra hệ thống đê sông, biển, bảo vệ lúa mới cấy.
Các tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung cần chủ động tránh lũ quét, đồng thời, tiếp tục rà soát những điểm dễ xảy ra lũ quét để sơ tán dân.
Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát cũng lưu ý các địa phương miền núi dễ xảy ra lũ quét. “Bão số 2 gây lũ quét ở miền núi như tại Kỳ Sơn, Nghệ An. Cơn bão này diện mưa rộng, rất dễ gây lũ quét. Bão có khi chỉ gây chết 1-2 người trên biển nhưng lũ quét ở miền núi chết tới 40-50 người”.
Ông Phát yêu cầu cơ quan thủy lợi của các tỉnh đồng bằng theo dõi sát sao, điều chỉnh thoát nước hợp lý tại các diện tích lúa đã cấy.
Theo Chánh văn phòng Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương Trần Quang Hoài, tại phía Bắc hiện có 84% diện tích lúa vừa được gieo cấy, cây lúa còn thấp.
Trên biển, tính tới 6 giờ sáng nay, khoảng 10.780 tàu thuyền hoạt động chủ yếu ở khu vực Hoàng Sa, Quảng Ngãi… đã được thông báo về hướng đi của bão Nockten. Văn phòng Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão trung ương yêu cầu các cơ quan tiếp tục thông báo cho tàu thuyền chủ động phòng tránh bão, kiểm tra bè nuôi trồng thủy sản, dân cư sinh sống ven sông suối. Các địa phương cũng kiểm tra sự an toàn hầm lò, tàu vận tải và tàu du lịch, an toàn đê điều, tiêu úng cho trà lúa mới cấy. |
Văn Việt