> Nước mắt những người đàn bà chờ
Mẹ Điều bên bằng Tổ quốc ghi công của con trai. |
Ba lần tiễn con đi…
Nhà mẹ Điều nằm sát bên bờ sông Lam. Một số người dân địa phương cho biết, mỗi chiều về hoặc có những đêm trăng thanh vắng, nhớ con, mẹ Điều lại ra bờ sông mắt nhìn thăm thẳm theo dòng nước chảy xuôi rồi khóc. Sinh được 5 người con (4 trai 1 gái), 2 con trai mẹ đã hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, một người khác là bệnh binh.
“Tui vẫn còn nhớ như đúc 2 thằng con trai, mặc dù chúng hy sinh đã lâu, nhưng hằng đêm tui vẫn mơ thấy bóng 2 đứa hiện về”, mẹ kể. Mùa xuân năm 1967, con trai đầu lòng của mẹ Nguyễn Hoàng Bình, khi đó chưa tròn 18 tuổi, lên đường đánh giặc.
Khoảng 5 năm đầu, anh viết thư về kể đóng quân ở Bình Trị Thiên. Nhớ con chịu không nổi, có lần mẹ đi bộ từ Thanh Chương, Nghệ An vào tận đơn vị đóng quân của Bình. Lặn lội cả tuần lễ, mặc cho bao mưa bom bão đạn, mẹ Điều vẫn quyết tâm đi gặp con trai.
Sau chuyến mẹ con gặp nhau đó, một buổi chiều cuối tháng 5-1972, tin dữ đến với mẹ Điều và gia đình: Nguyễn Hoàng Bình đã hy sinh tại chiến trường Thừa Thiên. Chưa đầy 6 năm sau, người con trai thứ 3 của mẹ, anh Nguyễn Hoàng Thanh, vừa lấy vợ sinh con đầu lòng được 3 tháng vẫn xung phong vào chiến trường nơi biên giới Tây Nam Tổ quốc. Đến tháng 3- 1979, mẹ lại nhận tin anh Thanh hy sinh. May mắn hơn 2 người anh em mình, anh Nguyễn Hoàng Tĩnh (con trai thứ hai của mẹ) trở thành một bệnh binh.
Mẹ Điều tâm sự: “Dù biết 2 con đã hy sinh không thể trở về, song lúc nào mẹ cũng vẫn cứ nghĩ các con mẹ vẫn còn sống đâu đó trên mảnh đất quê hương Việt Nam”. Một thời gian sau, ông Nguyễn Hoàng Nguyên (chồng mẹ, một cựu chiến binh thời kỳ chống Pháp) cũng qua đời.
Cô con dâu, vợ liệt sỹ Nguyễn Hoàng Thanh đi thêm bước nữa. Còn lại một mình, mẹ Điều tần tảo bữa rau bữa cháo nuôi cháu nội Nguyễn Hoàng Tùng, con liệt sỹ Thanh. Giờ Tùng đã tốt nghiệp đại học, trưởng thành.
Và ước nguyện cuối đời
Tuổi già sức yếu, mẹ Điều về nương tựa con trai thứ, tức bệnh binh Nguyễn Hoàng Tĩnh. Nhưng, chẳng bao lâu, vợ anh Tĩnh cũng đột ngột qua đời sau một vụ tai nạn giao thông. Anh Tĩnh gà trống nuôi 4 con và phụng dưỡng mẹ già. Anh cho biết: Từ ngày mẹ về sống với anh, tuy vật chất không còn thiếu thốn như xưa nữa nhưng tinh thần mẹ vẫn còn ảnh hưởng.
Sợ khi nhắm mắt xuôi tay chưa tìm được mộ 2 con, ước nguyện lớn nhất của mẹ là làm sao tìm được mộ 2 liệt sỹ Bình và Thanh đưa về quê an táng. Vì thế, từ 2 năm trước, mẹ giục con cháu đi tìm. Thực hiện ước nguyện của bà, Nguyễn Hoàng Tùng, con trai liệt sỹ Thanh, cùng người thân lên đường đi tìm mộ cha và bác.
Anh Tùng nói: Dù lớn lên không được gặp cha nhưng qua tài liệu gia đình để lại, anh biết liệt sỹ Nguyễn Hoàng Thanh nhập ngũ năm 1978, hy sinh tháng 3-1979, tại mặt trận biên giới Tây Nam, từng ở đơn vị C10, D6, E98, F78, Quân khu Bốn. Còn liệt sỹ Nguyễn Hoàng Bình (bác ruột Tùng) nhập ngũ năm 1967, hy sinh ngày 21-5-1972, tại mặt trận Thừa Thiên -Huế.
Lần theo những giấy tờ và thông tin từ một số người đồng đội của cha và bác còn sót lại, anh Tùng và người thân vào Thừa Thiên- Huế tìm mộ bác Nguyễn Hoàng Bình, song không có tung tích.
Tùng lại cùng người thân tiếp tục hành trình vào tận các tỉnh phía nam, giáp biên giới Campuchia để tìm mộ cha, bởi một số đồng đội cùng đơn vị với liệt sỹ Thanh cho biết, liệt sỹ Thanh được an táng ở một nghĩa trang thuộc tỉnh Kiên Giang. Tìm đến nghĩa trang này, Tùng mới hay nơi đây đã quy tập hài cốt các liệt sỹ đến một địa điểm khác thuộc tỉnh An Giang.
Lần theo địa chỉ, anh Tùng và người nhà đến nghĩa trang thuộc tỉnh An Giang, song nơi đây lại có hàng loạt mộ liệt sỹ đều ghi tên Thanh, quê Nghệ An. Cuối cùng, anh Tùng chỉ biết đốt bó hương, thắp đều trên các phần mộ, với hy vọng trong số những phần mộ ghi tên Thanh đó, có cả phần mộ cha mình.
Mọi người đem câu chuyện cảm động đó về kể lại cho mẹ Điều nghe. Mẹ lại khóc. Trước lúc chia tay, mẹ nói: “Ước nguyện cuối của cuộc đời tui là tìm được mộ 2 con trai, điều mà gần 40 năm nay tui vẫn thầm mong”.