Tháng 7, Trường Sơn và Đồng Lộc

Đài tưởng niệm tại nghĩa trang Trường Sơn. Ảnh: Hoài Vũ
Đài tưởng niệm tại nghĩa trang Trường Sơn. Ảnh: Hoài Vũ
TP - Mỗi năm có nửa triệu lượt người đến nghĩa trang Trường Sơn và Ngã ba Đồng Lộc như về chốn tâm nguyện. Đặc biệt đông người thăm viếng là mùa hè (mùa tri ân), nhưng không phải ai cũng được nghe về những câu chuyện cảm động ở những nơi thiêng liêng này.

> Ngày giỗ chung của các mẹ
> Khai trương trang web cung cấp thông tin về liệt sĩ

Đài tưởng niệm tại nghĩa trang Trường Sơn. Ảnh: Hoài Vũ
Đài tưởng niệm tại nghĩa trang Trường Sơn. Ảnh: Hoài Vũ.
 

Linh thiêng trường sơn

Nghĩa trang Trường Sơn mùa này nhiều nắng. Những người quản trang ngày nào cũng lặng lẽ làm nhiệm vụ tưới nước cho hoa cỏ ở các tượng đài và cùng nhau chăm lo mộ phần cho hàng vạn đồng đội của mình. Hầu hết cả chục người làm quản trang ở đây có chung hoàn cảnh như chồng là thương binh vợ là thanh niên xung phong. Chiến tranh kết thúc, họ tình nguyện ở lại Nghĩa trang Trường Sơn.

Điều lạ là những người quản trang đều nhớ tên liệt sĩ trên hàng ngàn bia mộ thuộc khu vực mình chuyên trách (các khu mộ quy tập theo các tỉnh thành. Toàn bộ nghĩa trang được chia làm 5 khu và 68 ngôi mộ vô danh). Ông Hồ Tất Ái- Trưởng ban quản lý nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn cho biết: “Chuyện tâm linh của nghĩa trang Trường Sơn thì nhiều. Các liệt sĩ thiêng lắm!”.

Câu chuyện bắt đầu từ các trường hợp người nhà chỉ biết con em mình hy sinh trong chiến tranh, không biết phần mộ ở đâu. Khi đi cùng đoàn khách đến thăm nghĩa trang thì cứ như có người cầm tay dẫn lối đi vòng vèo tới ngôi mộ ở rất xa thắp hương, nhìn lại chợt nhận ra là mộ người nhà mình.

Tại nghĩa trang, cứ vào ngày rằm, mùng một nào các anh chị cũng lên thắp hương và viếng toàn bộ các mộ phần. Nhiều cán bộ phụ trách khu có gia đình ở gần đã huy động cả nhà đi thắp hương.

Một người quản trang khác chia sẻ: “Ở đây, điều gì đã hứa với người đã khuất là phải làm”. Còn ông Ái thì kể: Một dịp cuối năm, anh em ban quản lý nghĩa trang bàn nhau dự định chiều 26-12 âm lịch sẽ làm vài mâm cơm, trước là thắp hương cúng các anh, chị, sau nữa là bữa cơm tất niên trong cơ quan. Nhưng rồi nhiều đoàn lên thăm viếng, bận quá, mấy ngày sau vẫn chưa tổ chức được, đêm nào cũng như có tiếng gọi: Anh em sao đã hứa mà không làm... sao đã hứa mà không làm...?”.

Quang cảnh chung của nghĩa trang Trường Sơn tuy trang nghiêm trầm mặc nhưng không hề u tịch. Suốt những năm qua, đã có nhiều đoàn học sinh, sinh viên, cựu chiến binh trên khắp đất nước về đây thăm chiến trường xưa, thăm lại đồng đội cũ đã ngủ lại giữa nghĩa trang, đốt lửa, trò chuyện.

Ông Ái cho biết thêm: “Càng ngày càng có nhiều cặp cô dâu-chú rể đến nghĩa trang thắp hương trước khi làm hôn lễ”.

Các cán bộ và nhân viên quản trang tại nghĩa trang Trường Sơn coi liệt sĩ là người thân. Cứ khi nhà có việc gì lớn, đều lên xin các anh. Từ xây nhà, thi cử của con cái, nỗi lo khi đau ốm đều thắp hương “báo cáo” với các anh và mong các anh phù hộ độ trì. Dần dần đó trở thành nghi lễ quen thuộc của bà con ở quanh đây.

Bài thơ linh nghiệm

Một buổi trưa Hà Tĩnh rất nắng, chúng tôi có mặt bên mộ phần của 10 chị, thường được gọi với cái tên “10 cô gái ngã ba Đồng Lộc”. Một màu hoa trắng rưng rức cả trước mắt lẫn trong lòng người. Các chị đã đi xa 43 năm.

10 ngôi mộ đều có những chiếc gương, chiếc lược xinh xinh, với những quả bồ kết mới nướng thơm lừng được người người đến viếng thật nhẹ nhàng đặt trước mỗi tấm bia.

Trên mạng Internet chỉ cần tìm cụm từ “Ngã ba Đồng Lộc” hay “10 cô gái Đồng Lộc” là có ngay hàng triệu kết quả mang nội dung thành kính và tri ân các chị, kể lại chiến công các chị. Nhưng có những chuyện chỉ có thể biết khi đến tận nơi.

Tiếp đoàn chúng tôi trưa hôm đó là một cán bộ trẻ của Ban Quan lý di tích Ngã ba Đồng Lộc, Phan Công Lệ. Tiếng gọi “các chị” của Lệ sao mà nghe tha thiết như đó là 10 người chị ruột của Lệ, và điều này cũng lan truyền tới chúng tôi.

Được biết, Phan Công Lệ là một cử nhân văn khoa của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội. Cô đưa chúng tôi đến trước hố bom, nơi các chị đã hy sinh, trên miệng hố bom có những chân hương đỏ tươi màu nhang mới vừa cháy hết. Ai nhìn xuống hố bom, đã có phần hơi nhỏ so với hình dung, cũng rưng rưng, rồi dường như như thấy một chút nhẹ lòng khi được biết hố bom tượng trưng này sắp được khôi phục lại đúng như diện tích hố bom năm ấy…

Lên khu mộ của các chị, nhiều người không cầm được nước mắt khi lần đầu tiên trong đời đi thăm mộ, đi lễ lại nhận được số cây hương, đếm chính xác như thế. Chúng tôi nhận được mỗi người 11 nén. Một nén thắp ở lễ đài chung và mỗi nén thắp trên mộ của mỗi chị. Bởi không thể để chị nào thiếu đi một một nén hương. Mỗi bó hoa bán tại đây ở đây đều có 10 bông, mỗi gói đồ lễ ở đây đều có 10 phần nhỏ.

Chỉ riêng chi tiết này ai đến với Đồng Lộc mới thấu hết. Chính lúc đó, câu chuyện và bài thơ “Cúc ơi” được đọc lên với giọng sâu, trầm buồn của chính một người con Hà Tĩnh như Lệ làm chúng tôi cố nén cũng không cầm lòng được nữa.

“Hôm ấy, 16h30 phút chiều 24-7-1968 các chị đã cùng hy sinh sau trận bom ác liệt. Nhưng đồng đội đến, tìm mãi vẫn chỉ thấy thi thể của 9 chị, còn chị Cúc mấy hôm không sao tìm được. Một đồng đội đã làm thơ gọi chị…: “Cúc ơi! Tiểu đội đã về xếp một hàng ngang/ Cúc ơi, em ở đâu không về tập hợp/ Chín bạn đã quây quần đủ hết/ Nhỏ, Xuân, Hà, Hường, Hợi, Rạng, Xuân, Xanh/ A trưởng Võ Thị Tần đã điểm danh/ Chín bỏ làm mười răng được/ Bọn anh đã bới tìm vẹt cuốc/ Chỉ sợ em đau nên nhát cuốc chùng/ Cúc ơi, em ở đâu/... Ở đâu hỡi Cúc/ Đồng đội tìm em/ Đũa găm cơm úp/ Gọi em/ Gào em/ Khản cả cổ rồi/ Cúc ơi!”.

Một câu chuyện như huyền thoại: “Phải chăng nhờ sự linh thiêng màu nhiệm nào đấy mà khi đồng đội vừa đọc xong câu thơ cuối cùng thì mọi người cũng tìm được chị bị vùi lấp, cách chỗ hy sinh của chín đồng đội gần 20 mét. Xúc động nhất là khi hy sinh chị vẫn trong tư thế ngồi, đầu vẫn đội nón, một tay cầm chặt cán xẻng, cả mười đầu ngón tay rướm máu, có lẽ chị đã tìm mọi cách bới đất để tìm đường ra.”

Những câu chuyện đầy tính nhân bản giữa nghĩa trang Trường Sơn và Ngã ba Đồng Lộc mà chúng tôi nghe được đã minh chứng một điều: Các liệt sĩ đã chiến đấu anh dũng, đã nằm xuống, nhưng các anh, các chị không bao giờ chết.

Ghi chép của Hoài vũ

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG