> Cần chấm dứt tình trạng mập mờ
Trên thị trường mỳ ăn liền ở Việt Nam, bên cạnh một số nhãn vẫn ghi dùng phẩm màu tổng hợp E102, đã có thể tìm thấy nhãn dùng phẩm màu tự nhiên. |
Không kiểm tra làm sao biết
Chị Nguyễn Thị Quỳnh Giang (Số 88, tổ 27, phường Khương Thượng, quận Đống Đa, Hà Nội) cho hay: “Nếu nói nghiên cứu từ đại học Southamton, đại học Melbune là những nghiên cứu đơn lẻ thì tôi không hiểu, theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế, nghiên cứu nào mới là tập trung.
Tôi có tìm kiếm thông tin trên Ukfoodguide và một số website nước ngoài khác thì thấy E102 được coi là chất nguy hiểm phải tránh dùng trong thực phẩm dành cho trẻ em. Thêm nữa, các nước như Nauy, Áo cũng đã cấm sử dụng, chứ không chỉ có Nhật và Hàn Quốc như Cục ATVSTP của Việt Nam nêu”.
Hoài nghi về những thông tin trái ngược trên website nhà, một số người tiêu dùng cố gắng vận dụng vốn tiếng Anh để tìm kiếm thông tin trên website nước ngoài và thông tin thu được khiến không ít người lo lắng.
Chị Minh Phương (42, Lê Trọng Tấn - Hà Nội): “Một người bạn gửi cho mấy đường link tổng hợp các nghiên cứu về Tartrazine của nước ngoài, đọc xong tôi cảm thấy lo và thương con nữa. Hằng ngày mình cho con ăn nào mì gói, nào snack, nào kẹo, bánh, cái nào cũng có E102. Bộ Y tế nói mức 0 - 7,5mg/kg thể trọng/ngày là chấp nhận được nhưng, thực tế, người tiêu dùng Việt Nam mỗi ngày đưa vào cơ thể bao nhiêu mg E102 thì Bộ có kiểm tra không, có biết không, có bao giờ công bố không?”
“Không kiểm tra làm sao biết. Chưa kể, với trẻ con 2-3 tuổi, sức đề kháng yếu, ăn bao nhiêu thứ như thế, có chắc sẽ không độc? Cũng có thể E102 không độc với bọn trẻ, nhưng điều đó không có nghĩa Bộ Y tế không làm gì khi nhiều nước với điều kiện công nghệ hơn hẳn Việt Nam đã và đang đưa ra các cảnh báo ngày càng rõ ràng. Rõ ràng Cục ATVSTP là nơi phải cung cấp đầy đủ thông tin cho dân. Thông tin mà Cục đưa ra không những không rõ ràng mà còn khiến tôi rối và lo thêm”.
Chấp nhận sống chung
Nhiều người chấp nhận sống chung với lũ hoặc tạm tin vào kết luận của cơ quan chức năng để... dùng tiếp. Chị Nguyễn Thị Na (Công ty CFTD, 57 Láng Hạ - Hà Nội) chia sẻ: “Mình cảm thấy còn có nhiều vấn đề chưa rõ ràng trong cách trả lời của Bộ về chất E102. Nhưng Bộ đã có ý kiến như vậy thì chắc cũng đúng. Không tin Bộ thì tin ai. Tuy nhiên, mình vẫn băn khoăn. Phải có lý do gì đó người ta mới bàn tán xôn xao như vậy. Bây giờ, suốt ngày cứ phải nghe đến chất này, chất nọ gây hại, chỉ thêm lo. Đành khuất mắt trông coi thôi”.
Những khẳng định có phần mơ hồ của Cục ATVSTP về tính an toàn của E102 trong mì gói không thể khiến người tiêu dùng bớt lo ngại. Thận trọng và e dè hơn là tâm lý dễ nhận thấy của một bộ phận người tiêu dùng.
“Quảng cáo về chất tạo màu trên tivi, thông tin thì trái chiều. Thông tin từ Bộ Y tế thì không rõ ràng. Gia đình tôi quyết định không dùng mì gói có E102 nữa. Để đến khi có khuyến nghị rõ ràng thì có khi con cháu mình đã lãnh đủ.
Các loại thực phẩm ăn liền khác như bánh kẹo cũng phải xem xét kỹ càng. Không có E102 mới mua. Con gái tôi định cư bên Úc cũng gọi điện về cho biết ở Úc người ta cũng không cho sử dụng chất này. Chẳng hiểu sao ở Việt Nam lại dùng rộng rãi thế” - ông Dũng Minh (Phòng 1110, tầng 11, CT1, Văn Khê, Hà Đông, Minh Khai, Quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết.
Trên Webtretho - một trong các diễn đàn điện tử phổ biến nhất Việt Nam hiện nay, nhiều thành viên chia sẻ, đã đến lúc phải thay đổi thói quen và hành vi tiêu dùng để tự bảo vệ sức khỏe của chính mình.
Thành viên Wanikwen thẳng thắn: “Không thể giữ điệp khúc ăn bao năm rồi có sao đâu. Ý thức người dân như thế sẽ khiến các nhà sản xuất nhiều khi biết sai mà vẫn làm. Hơn nữa, một bộ phận người tiêu dùng nhìn hiện tượng E102 này hơi phiến diện, đánh đồng nó với cuộc chiến tranh giành thị trường của các nhà sản xuất mỳ gói chứ không thấy nguy cơ, cho nên chưa tạo được thói quen tìm hiểu kỹ càng thông tin trước khi sử dụng. Giống như khi xem quảng cáo thuốc thì bao giờ cũng có câu “đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng”. Nhưng, mình biết, có những người cả đời dùng thuốc không bao giờ xem toa”.
Anh Nguyễn Quang Hùng, bộ phận chiếu xạ Bệnh viện Ung bướu Hà Nội, nói: “Cảnh báo E102 trên Tiền Phong đã góp phần biến cải tâm lý và thói quen của vợ và con gái tôi. Mấy hôm nay, xem kỹ thành phần trên bao bì thực phẩm - hành động được xem là xa lạ từ trước đến nay của bà xã, đang dần trở nên quen thuộc hơn”.