E102, đừng đùa

E102, đừng đùa
TP - Đến năm 2006, CODEX đúng là đã xem xét đưa màu vàng tổng hợp E102 vào danh mục các phụ gia được dùng trong thực phẩm. Tuy nhiên, cập nhật mới nhất của CODEX hồi tháng 7-2010, người ta không thấy E102 nguy hại có mặt trong danh mục các phụ gia thực phẩm nữa.

> Nguy cơ từ phẩm vàng tổng hợp
> Khóc cũng kệ?
> Không được dùng phẩm vàng E102 trong mỳ tôm 

Không rõ Cục ATVSTP vì lý do gì mà, trong bố cáo hôm 6-7 về E102 trên vfa.gov.vn, không đề cập đến thông tin đó? Tuyên bố của Cục cũng bỏ qua thực tế E102 bị cấm dùng tại Nhật Bản trong một số thực phẩm trong đó có mì ăn liền từ năm 2003 đến nay; bỏ qua thực tế E102 bị đưa vào danh mục các phẩm màu tổng hợp hóa học mà khi sử dụng, Liên minh châu Âu (EU) yêu cầu nhà sản xuất phải ghi thông tin cảnh báo trên bao bì về các tác hại của nó đối với người dùng từ năm 2008 đến nay.

Bộ Y tế cần sớm ban hành quy định doanh nghiệp phải nêu khuyến cáo hoặc cảnh báo khi dùng E102 trong thực phẩm nói chung và mì ăn liền nói riêng. Song song với đó là tổ chức tuyên truyền rộng rãi để xây dựng nhận thức của người tiêu dùng về các tác hại của E102 đã được cảnh báo, để họ được biết đúng như quy định trong Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng vừa có hiệu lực ngày 1-7-2011.

Bộ Y tế biết rõ hơn ai hết tác động của các phẩm màu tổng hợp thường không phải là tác động ngay lập tức hay, nói cách khác, không gây ngộ độc cấp tính. E102 cùng với hàng loạt phụ gia hóa chất đã và đang bộc lộ ngày càng rõ là sát thủ thầm lặng, gây ngộ độc tích lũy, và phải nhiều năm mới phát tác thành bệnh, thường là bệnh nan y.

Việt Nam vừa được xếp vào nhóm các nước thu nhập trung bình thấp hồi năm ngoái. Nhưng, từ hơn 10 năm nay, Việt Nam đã thuộc tốp nước đang phát triển có nhóm bệnh của người giàu nhiều nhất thế giới. Tại “Diễn đàn các đối tác về căn bệnh ung thư tại khu vực ASEAN” lần thứ nhất do ASEAN Foundation tổ chức ở Singapore ngày 7-7-2011, ung thư dạ dày ở Việt Nam được nhận định cao hơn nhiều nước ASEAN 4-5 lần.

Không thể hồ đồ nói E102 là thủ phạm của các bệnh nan y nhưng càng không thể mơ hồ như phát biểu của một quan chức nghiên cứu thực phẩm công nghiệp, Bộ Công Thương, rằng “làm gì mà phải ầm ĩ E102 lên thế. Thế giới người ta dùng đầy cả đấy”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG