Đã làm gì để phòng độc cho người tiêu dùng?

Trẻ em được khuyến cáo không nên ăn mỳ tôm có chứa E102 Ảnh: Hồng Vĩnh
Trẻ em được khuyến cáo không nên ăn mỳ tôm có chứa E102 Ảnh: Hồng Vĩnh
TP - Trong ba việc cần làm đối với phẩm màu vàng tổng hợp E102, một điều quan trọng là điều tra thực trạng sử dụng cũng như ảnh hưởng của nó đến sức khỏe người tiêu dùng ở Việt Nam, lại chưa được làm. (PGS - TS Trần Đáng - Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm Chức năng VN - tiếp tục trao đổi cùng PV Tiền Phong).

> Bộ Y tế phải sớm vào cuộc vụ phẩm màu vàng

Trẻ em được khuyến cáo không nên ăn mỳ tôm có chứa E102 Ảnh: Hồng Vĩnh
Trẻ em được khuyến cáo không nên ăn mỳ tôm có chứa E102.
Ảnh: Hồng Vĩnh.
 

Bộ Y tế đã làm gì để phòng độc cho người tiêu dùng?

Có ba việc thì Bộ Y tế mới làm được hai. Việc thứ nhất, Quyết định 3742 về “Danh mục các chất phụ gia được phép sử dụng trong thực phẩm” của Bộ Y tế đưa ra mức liều có thể chấp nhận được gọi tắt tiếng Anh là ADI.

Với E102, mức ADI cho phép là 0-0,75mg/kg thể trọng/ngày. Với mức cho phép ấy, một người nặng 50 kg có thể đưa vào cơ thể một lượng 37,5 mg E102 mỗi ngày vào cơ thể. Với người 70 kg, lượng E102 được phép là 52,5 mg.

Việc thứ hai, quy định hàm lượng tối đa trong một kg thực phẩm (ML). Theo đó, mỗi kg thực phẩm chỉ được phép có tối đa bao nhiêu mg E102. Thực tế, các nước đưa ra mức quy định này khác nhau trong mỗi loại thực phẩm, phụ thuộc nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố mức độ tiêu dùng của một người trung bình trong một ngày. Vì thế có loại thực phẩm chỉ được phép có 50mg E102/kg thực phẩm, có loại được phép 200mg/kg, thậm chí 300mg/kg.

Vấn đề là các hàm lượng tối đa ấy phải đảm bảo tổng lượng E102 mà một người ăn vào trong một ngày từ các nguồn thực phẩm khác nhau không được phép vượt quá chỉ số ADI (mức liều có thể chấp nhận được) nói trên.

Việc thứ ba, sau khi ban hành các giới hạn ADI và ML, cơ quan y tế phải tiến hành đánh giá thường xuyên mức tiêu thụ E102 thực tế của người tiêu dùng Việt Nam, tức là đánh giá các giá trị ADI và ML trên thực tế, xem có tuân thủ mức liều có thể chấp nhận và mức liều tối đa cho phép không. Như tôi nói ở trên, Việt Nam mới làm được hai việc đầu. Việc thứ ba, quan trọng không kém, thì chưa được làm.

Trong lúc chờ đợi các việc làm nhiêu khê của cơ quan quản lý nhà nước, người tiêu dùng có thể làm gì để tự vệ?

Một cách tổng thể, phải làm bốn việc sau đây. Thứ nhất, nhà quản lý phải tiến hành thử nghiệm đúng quy định của CODEX, phải đánh giá liều dùng thực tế, đánh giá yếu tố nguy cơ. Thứ hai, nhà sản xuất phải công bố tác dụng không mong muốn của E102 trên nhãn hàng hóa, phải nêu cảnh báo về sức khỏe. Chẳng hạn, có thể nêu cảnh báo về nguy cơ dị ứng, mẫn cảm với salicylic, cảnh báo nguy cơ gây tăng động (hiếu động thái quá) ở trẻ em.

Thứ ba, nhà sản xuất phải đảm bảo đúng chủng loại sản phẩm được phép sử dụng E102. Thứ tư, có lẽ quan trọng nhất, người tiêu dùng phải chịu khó đọc kỹ nhãn mác hàng hóa. Nếu thấy nhãn hàng hóa có ghi E102 thì không nên dùng thường xuyên cho bản thân, nhất là với người có cơ địa dị ứng, mẫn cảm với asprin. Cũng không nên dùng loại mì đó cho trẻ em.

Luật Bảo vệ Người Tiêu dùng có hiệu lực từ 1-7-2011. Người tiêu dùng Việt Nam hãy cố gắng khắc phục điểm yếu cố hữu là thiếu kiên nhẫn, qua loa, đại khái khi xem nhãn mác hàng hóa. Người tiêu dùng phải dùng sức mạnh của mình, quyền được lựa chọn hàng hóa và quyền được từ chối mua hàng, để buộc nhà sản xuất phải chuyển sang dùng màu tự nhiên, giảm dần, tiến tới loại bỏ hoàn toàn các loại màu tổng hợp. Vì tôi xin nhắc lại, màu tổng hợp không có tác dụng gì về dinh dưỡng và an toàn thực phẩm.

Không có quy định cụ thể cho mì tôm. Với mì tôm, cần lưu ý hai yếu tố nguy cơ. Thứ nhất, đây là sản phẩm chứa nhiều chất chiên rán. Mà đã chiên rán thì có thể chứa những hóa chất nguy cơ tiềm tàng cho sức khỏe. Thứ hai, dùng tatrazine hay E102 để tạo màu vàng hấp dẫn cho sợi mỳ và nước dùng.

Trẻ em không nên ăn loại mì này. Cần khuyến khích chuyển sang dùng phẩm màu tự nhiên là beta-caroten vốn có nhiều trong quả gấc.

Quốc Dũng (thực hiện)

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG