> Giàu lên từ Hoàng Sa, Trường Sa
> Thương nhớ Hoàng Sa
Làm lính thủy từ năm 1964, đến nay Đại tá Nguyễn Văn Dân vẫn gắn bó với biển. Dịp Festival Biển 2011 vừa qua, ông được CLB Vịnh đẹp Thế giới tặng Bằng danh dự ghi nhận những đóng góp của ông cho các hoạt động tuyên truyền bảo vệ môi trường, cảnh quan sinh thái biển. Trong căn nhà của ông trên đường Dã Tượng, thành phố Nha Trang, Đại tá Dân bồi hồi kể về Trường Sa, nơi ông gắn bó suốt thời kỳ sung sức nhất.
“Cuối tháng 3-1975, tôi đang là Trung úy, trợ lý tham mưu của Khu vực 2 Sông Mã, Hải quân (Khu vực là cấp tổ chức hải quân, tương đương Trung đoàn), được lệnh tham gia tiếp quản các căn cứ của hải quân Sài Gòn. Hạ tuần tháng 4, chúng tôi từ Nha Trang ra đảo Song Tử Tây trên hai tàu do Bộ Tư lệnh Hải quân điều vào, giả dạng tàu cá số hiệu 679 và 680. Duyên nợ của tôi với Trường Sa bắt đầu từ ngày ấy.
Sau gần hai ngày đêm hành trình, chúng tôi vào sát Tây Nam đảo Song Tử Tây. Đảo được lực lượng của Đoàn 126 và Đoàn 125 Hải quân, do Trung tá Mai Năng, Đoàn trưởng Đoàn 126 Hải quân chỉ huy, giải phóng sáng 14-4. Sau phút tay bắt mặt mừng với anh em đơn vị bạn, chúng tôi viếng mộ liệt sỹ Tống Văn Quang, chiến sỹ đặc công hải quân quê tận tỉnh Cao Bằng, hy sinh khi giải phóng Song Tử Tây.
Dưới bóng mát của rặng dừa đang thời xanh tốt, gió đưa tiếng ru giấc ngủ ngàn thu cho đồng đội... Ở Song Tử Tây hai ngày cùng đơn vị bạn tổ chức lại công tác bảo vệ đảo và nắm thêm tình hình chung, chúng tôi đi qua đảo Thị Tứ, đảo Loai Ta rồi đến Sơn Ca. Ấn tượng đầu tiên là một cây bàng cao lớn giữa đảo Sơn Ca.
Sau đó, Đoàn tiếp tục đến đảo Nam Yết, rồi đảo Sinh Tồn. Mấy hôm trước có một tàu khu trục của hải quân Sài Gòn đậu gần Nam Yết, nhưng tàu này rút đi khi thấy tàu ta tới. Nam Yết khi đó cây cối rậm rạp, có 7 cây dừa, nhà ở cũng là công sự kiểu vòm nửa chìm nửa nổi. Anh em ở đây sinh hoạt rất khó khăn, vì thiếu nước ngọt. Sinh Tồn tuy nhỏ hơn Nam Yết nhưng có một bãi cát rộng dành cho chim sinh sống, là đảo có rạn san hô rất đẹp.
Để vào đảo Sinh Tồn, chúng tôi phải mang giày cao cổ lội nước qua bãi cạn, rất khó khăn. Ngày 2-5, chúng tôi tới đảo Trường Sa Lớn, đây là đảo chúng tôi ở lại lâu nhất. Đảo lớn nhưng ít cây xanh, cả phía Bắc của đảo là khu vực của các loại chim sinh sống.
Nhìn chung, khi đó tổ chức phòng thủ của quân Sài Gòn tại Trường Sa còn sơ sài, các đảo còn hoang vu. Ở Nam Yết nhiều cây nhất, nhưng đảo này và đảo Sơn Ca hầu như không có chim, trong khi ở Song Tử Tây, Sinh Tồn và Trường Sa Lớn rất nhiều chim. Có những bãi, chiều về, đàn chim bay lượn như những đám mây, dưới đất chim con nằm dày đặc, chúng tôi không dám bước chân vào…
Trong quá trình tiếp quản các đảo, hầu như chúng tôi không thấy tàu chiến nước ngoài, nhưng có một số tàu của Trung Quốc ở quanh các đảo. Khi thấy tàu ta đến, họ rút đi. Càng thấm thía chủ trương của trên, chúng tôi được truyền đạt khi vừa đến Đà Nẵng: Phải bí mật, nhanh chóng giải phóng các đảo ở quần đảo Trường Sa đang do quân Sài Gòn đóng giữ, kiên quyết không để lực lượng nào khác lợi dụng tình hình lúc đó chiếm đóng…
Từng bước, chúng tôi hoàn chỉnh cơ cấu tổ chức, trang bị, phương tiện, công tác phòng thủ, việc bảo đảm đời sống cho anh em trên các đảo. Sau này, năm 1978, ta bắt đầu làm sân bay ở Trường Sa, tiếp tục đóng giữ các đảo nổi An Bang, Sinh Tồn Đông, Phan Vinh (Hòn Sập)”...