Tiến độ 'rùa' cải tạo chung cư cũ ở Hà Nội

Tiến độ 'rùa' cải tạo chung cư cũ ở Hà Nội
TP - Cải tạo chung cư cũ nát được Hà Nội khởi động cách đây cả chục năm. Tuy nhiên, hầu hết các dự án cải tạo vẫn dậm chân tại chỗ vì quá nhiều vướng mắc, nhất là bồi thường giải phóng mặt bằng.

Tiến độ 'rùa' cải tạo chung cư cũ ở Hà Nội

Bài 1: Mười năm vẫn vướng

Thu hồi căn hộ giá rẻ bị rao bán
> Nhà thu nhập thấp tại Hà Nội: Ba tháng không sử dụng sẽ thu hồi

Vướng mắc

Tại cuộc họp sáng 30-6, Ban Chỉ đạo dự án cải tạo khu tập thể Nguyễn Công Trứ (quận Hai Bà Trưng) chỉ đạo tập trung đẩy tiến độ GPMB dự án nhà A1, A2, hoàn thành công tác di dời các hộ dân trong quí 3 năm nay.

Để tiến độ không tiếp tục bị chậm, bên cạnh tuyên truyền, vận động các hộ dân chấp hành pháp luật, Sở Xây dựng và liên ngành đã chính thức gửi Tờ trình đề nghị UBNDTP Hà Nội ra quyết định cưỡng chế theo Luật Nhà ở.

Giải phóng mặt bằng khu nhà A1, A2 được xem là điểm nút khởi đầu cho dự án cải tạo toàn bộ 14 dãy nhà có tuổi thọ trên nửa thế kỷ thuộc tập thể Nguyễn Công Trứ, phường Phố Huế, quận Hai Bà Trưng.

Đến nay, vẫn còn 40/199 hộ dân chưa bàn giao mặt bằng. Cuộc sống của những hộ dân còn lại cũng rất khó khăn, bởi trước đây những căn hộ này vốn nhếch nhác thì nay càng chật hẹp, ô nhiễm hơn.

Dự án được triển khai từ năm 2002 đến nay, trải qua nhiều thủ tục, gánh nặng đủ bề ngày càng đè nặng lên tất cả các bên trong dự án.

Cty Đầu tư và Phát triển nhà số 7 cho biết, đã đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng xây 5 tòa nhà cao tầng phục vụ tạm cư tại quận Hoàng Mai, bồi thường giải phóng mặt bằng cho cư dân tại nhà A1, A2 trên 40 tỷ đồng.

“Doanh nghiệp chịu sức ép rất lớn về tài chính. Trong khi dự án chưa biết khi nào mới khởi công được”- Đại diện chủ đầu tư, nói.

Tìm hiểu thực tế dự án, thấy còn không ít vướng mắc cần giải quyết. Một số người dân kiến nghị là đồng sở hữu căn hộ theo thừa kế nhưng không được mời tham gia quá trình tính bồi thường. Một số trường hợp phản ánh chưa nắm rõ thông tin dự án, kiến nghị mức bồi thường.v.v..

Về khiếu nại của 40 hộ dân chưa di dời, ông Trần Quyết Thắng - Trưởng ban Giải phóng mặt bằng quận Hai Bà Trưng cho hay, với trường hợp đồng sở hữu, đang có tranh chấp thì chính quyền không có quyền chia tài sản mà việc này do nội bộ các hộ tự giải quyết hoặc ra tòa án.

Chính sách và mức bồi thường trong trường hợp đồng sở hữu áp dụng bình đẳng như các trường hợp khác. Nếu được công an xác định có hộ khẩu thường trú và ăn ở tại địa phương thì mới được xét nhà tạm cư...

Mâu thuẫn

Ông Vũ Ngọc Đạm, Trưởng phòng Phát triển nhà (Sở Xây dựng Hà Nội) khẳng định, nguyên nhân của tình trạng chậm cải tạo các khu chung cư cũ hiện nay do mâu thuẫn gay gắt về quyền lợi. Người dân thì luôn đòi hỏi nhà mới phải rộng, đẹp hơn nhà cũ, được tái định cư tại chỗ, hỗ trợ tạm cư. Doanh nghiệp thì không thể làm mà không đạt mức lợi nhuận nhất định.

Trong khi đó, tại những vị trí lên kế hoạch cải tạo đều nằm trong nội thành là khu vực hạn chế phát triển, giảm tầng cao, giảm mật độ dân cư nên không thể xây quá cao tầng được. Với một số dự án như tập thể Nguyễn Công Trứ, Thành Công, ngoài việc phải lo quỹ nhà cho dân tái định cư, doanh nghiệp còn phải quy hoạch lại toàn bộ các hạng mục công cộng, đầu tư hạ tầng nên bài toán hạch toán lợi nhuận đặt ra rất khó khăn khiến nhiều nhà đầu tư đành chào thua.

“Vốn cải tạo chung cư cũ được xác định là xã hội hóa. Ở đây phải cân đối được lợi ích của người dân, doanh nghiệp và nhà nước. Nếu người dân mà đòi hỏi quá cao thì không thể triển khai được” - ông Đạm nói.

* Quy hoạch lại Khu tập thể Thành Công thuộc quận Ba Đình được giao cho Công ty TSQ triển khai từ năm 2007. Nhiều doanh nghiệp đã tham gia khảo sát, điều tra xã hội học, lên kế hoạch xây dựng lại khu tập thể này. Nhưng dự án hiện vẫn dậm chân tại chỗ.

* Cả nước hiện có 3 triệu mét vuông sàn chung cư cũ xây dựng trước năm 1991 với hơn 10 vạn hộ dân sinh sống, trong đó khoảng 1 vạn hộ đang sống trong các khu chung cư xuống cấp nghiêm trọng.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Hoa hậu Việt Nam 2024 toàn diện về nhan sắc, văn hóa, trí tuệ và sự cống hiến
Hoa hậu Việt Nam 2024 toàn diện về nhan sắc, văn hóa, trí tuệ và sự cống hiến
TPO - Nhà báo Phùng Công Sưởng - Tổng Biên tập báo Tiền Phong, Trưởng Ban tổ chức cuộc thi Hoa hậu Việt Nam năm 2024 - cho biết: "Với bốn trụ cột Nhan sắc - Văn hóa - Trí tuệ - Cống hiến, cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2024 hướng tới tìm kiếm những đại diện xuất sắc, hội tụ vẻ đẹp toàn diện về nhan sắc, trí tuệ, nền tảng văn hóa, tâm hồn và bản lĩnh”.