> Bài 1
Khai thác titan ở độ sâu trên 20m tại xã Mỹ An. Ảnh: Việt Hương. |
Rừng phòng hộ ven biển từ huyện Phù Mỹ đến TP Quy Nhơn (Bình Định) bị tàn sát từng ngày. Đường giao thông, đất sản xuất nông nghiệp cũng bị biến dạng…
Bão cát vùi nhà, nước ngầm không dùng được
Những ngày này, các thôn như Xuân Phương (xã Mỹ An, huyện Phù Mỹ), An Quang, Nghĩa An (xã Cát Khánh, huyện Phù Cát) ngổn ngang như một bãi chiến trường. Phần vì dòng xe cộ vận chuyển titan, cát sạn, phần vì hiện trường khai thác nham nhở.
Theo quy định, khai thác titan không được khoan sâu quá 11m. Tuy nhiên, càng xuống sâu trữ lượng titan càng lớn nên hầu hết đơn vị khai thác đều vi phạm. Cách UBND xã Mỹ An (huyện Phù Mỹ) chừng 15m về phía tây có đến 5 vít tuyển titan đang hoạt động ở độ sâu ít nhất 20m. Vòi rồng lọc cát phun lên thành từng đống cao vượt nóc nhà dân.
Tại các thôn An Quang Đông, An Quang Tây, Nghĩa An, Chính Lợi (xã Cát Khánh, huyện Phù Cát), titan đổ thành đống khắp nơi để bán cho thương lái. Nhiều xe tải chở cát đen gom thành đống ngay trước các ngôi nhà.
Ông Trần Đình Hòa, người dân thôn Xuân Phương (xã Mỹ An) nói: “Những cơn bão cát khủng khiếp mang theo hàng trăm khối cát đổ tràn lấp xuống các con đường liên thôn, bay ụp vào nhà chúng tôi mỗi mùa có gió lớn như thế này. Số cát sau mỗi buổi sáng quét nhà hốt lại cũng chất thành từng đống mà nguyên nhân là do Cty Cổ phần Khoáng sản Biotan Bình Định khai thác để lại cao hơn so với nhà ở”.
“Bất cập lớn nhất hiện nay là việc tiêu thụ sản phẩm nội địa. Cơ chế tiêu thụ sản phẩm nội địa không rõ ràng chính là lỗ hổng để các doanh nghiệp lợi dụng xuất khẩu lậu nguyên liệu thô sang các nước khác. Điều này tỉnh không kiểm soát được.” - Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng. |
Theo nhiều người dân, Cty đã cho xe san ủi lấy lại mặt bằng nhưng cũng chỉ sơ sài cho xong chuyện. Bà Hồ Thị Hà (48 tuổi trú cùng thôn), bức xúc: “Bà con chúng tôi lâu nay ráng chịu, nhưng nay thì chịu hết nổi rồi, phải lên tiếng. Không chỉ ban ngày nắng nóng phải chịu trận với bụi cát, dòng xe xuôi ngược hết chở titan đến chở cát tính không xuể, mà còn thêm nỗi lo bị sập nhà”.
Dọc tuyến đường liên thôn theo hướng bắc của xã Mỹ An, nhà nhà phải đóng cửa, trùm mùng mền tránh bụi cát. Chỉ đống cát thải khổng lồ để lại sau khi được lọc lấy titan, ông Đặng Văn Hợ ở thôn Xuân Phương kể: “Trước khi hút titan thì bãi cát này là một rừng dương sum suê che chắn. Họ phá cây dương rồi hút cát quặng, có nơi chỉ cách nhà dân chừng 5m mà họ vẫn moi”. Rừng phòng hộ ven biển bị xới tung; doanh nghiệp khai thác titan xong để lại nhiều hầm, hố. Việc trồng lại cây xanh thường chỉ để đối phó.
Tại xã Mỹ An, nước ngầm lấy lên không trong suốt, mà có màu vàng đục, bốc mùi. Theo nhiều người dân địa phương, hàng chục hộ có bò, chó chết hoặc sảy thai sau khi uống nước từ hố hút titan.
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ, ông Hà Ngọc Tân, nói: “Việc người dân phản ánh nguồn nước bị nhiễm bẩn, gia súc uống phải nguồn nước lọc titan gây chết, quái thai là không có 100%. Mức độ ảnh hưởng môi trường thì có nhưng chưa đến mức như người dân phản ánh đâu. Còn chuyện thầy trò, học sinh và UBND các xã phải mua nước sạch uống thay nguồn nước ngầm là chuyện bình thường”.
Tuyến giao thông huyết mạch DT 638 liên tỉnh bị băm nát như tương bởi suốt 3 năm liền, xe ben liên tục cày xới. Địa phương phải bỏ ra một khoản kinh phí không nhỏ để tu bổ đường sá. Đó là chưa kể việc khôi phục môi trường tự nhiên, môi trường sinh hoạt của hàng vạn nhà dân vùng quy hoạch.
Một lãnh đạo (xin giấu tên) của UBND xã Mỹ An nói: “Thương cho cảnh dân tình kéo nhau phản đối mà chúng tôi đành ngậm miệng làm ngơ vì bất lực. Dự án khai thác titan do cấp trên ấn định, tưởng khu công nghiệp về làng sẽ góp một phần nào cải thiện đời sống dân sinh, chứ đâu ngờ được cái họa lại nhiều hơn.
UBND xã, trường học cũng hứng chịu từng cơn bão cát, thầy trò, cán bộ góp nhau từng đồng tiền lẻ mua nước sạch tự trang trải thay vì dùng nguồn nước ngầm từ bao đời nay”.
Ông Lê Minh Luận, Phó Giám đốc Sở TN-MT Bình Định, cho biết: “Sở cử một số đoàn về kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật của tổ chức và cá nhân khai thác titan, mức độ ảnh hưởng môi trường, đặc biệt là ở thôn Vĩnh Lợi; một số điểm tại thôn Xuân Phương… Quả thật đến nay người dân vẫn chịu cảnh sống chung với ô nhiễm”.
“Ngoài việc dùng công nghệ xử lý titan tại chỗ (hút nước ngầm để xử lý và thải ra cùng một chỗ - PV) để lấy titan ở Bình Định, hầu như các doanh nghiệp được cấp phép khai thác cũng như tận thu titan đều vượt quá diện tích cho phép và làm ẩu”, ông Nguyễn Văn Thắng, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh, cho hay.
Quản lý chồng chéo
Theo quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng titan giai đoạn 2007 – 2015, định hướng đến năm 2025 (được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2007) Bình Định được quy hoạch 4 khu vực mỏ sa khoáng titan do Trung ương quản lý cấp phép (12km2 ở xã Mỹ An, 31km2 ở xã Mỹ Thắng, 8km2 ở xã Mỹ Thành – huyện Phù Mỹ và 8,5km2 mỏ Đề Gi - huyện Phù Cát).
Sau khi có phê duyệt, Bộ TN-MT cấp 7 giấy phép thăm dò cho 7 doanh nghiệp với tổng diện tích 1.306 ha và 6 giấy phép khai thác cho 4 doanh nghiệp với tổng diện tích 948,59 ha. Khu vực nằm ngoài quy hoạch thuộc thẩm quyền cấp phép khai thác, chế biến của UBND địa phương.
Theo đó, UBND tỉnh Bình Định đồng loạt cấp 21 giấy phép cho 14 doanh nghiệp với tổng diện tích 429,32 ha. Những khu vực khai thác này phần lớn ở huyện Phù Mỹ, diện tích ít, thời hạn khai thác ngắn, chủ yếu là hình thức tận thu.
Tuy nhiên, việc cấp phép của cả Bộ TN-MT và UBND tỉnh Bình Định có lúc bị chồng chéo. Tại một khu vực có nguồn titan ở xã Mỹ An, có hai đơn vị được nhận giấy phép của Bộ và tỉnh.
Ông Nguyễn Văn Thắng, Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Bình Định, nói: “Chúng tôi đang gặp rất nhiều bất cập trong khâu quản lý. Quy hoạch, công nghệ là của ngành này, kiểm tra, xử lý lại thuộc về đơn vị khác gây sự chồng chéo. Giữa các sở - ban - ngành cũng chưa có sự nhất quán trong khâu quản lý thì tránh sao khỏi doanh nghiệp làm ẩu”.
Ông Lê Minh Luận, Phó Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Bình Định, nhận định: “Sở dĩ những vùng có mỏ khai thác titan nóng lên là do các ngành chức năng chưa làm tốt việc thăm khám cộng đồng môi trường; chưa có sự thống nhất ý kiến trong vùng quy hoạch, nên hỏi ý kiến của dân rồi mới đi đến thống nhất”.
Theo ông Thắng, việc cấp phép tràn lan dẫn đến các doanh nghiệp lợi dụng khai thác trái phép, mất cân đối giữa lợi ích xã hội và lợi ích nhân dân. “Trên cùng một diện tích có đến 3 quy hoạch (khai thác titan, rừng phòng hộ, dự án nuôi tôm trên cát) được cấp phép mà cơ quan đầu mối quản lý là ai là chưa có một sự chỉ ra rõ ràng. Đấy là chưa nói đến sự thiếu minh bạch trong khâu tổ chức đấu thầu rộng rãi, chọn ra doanh nghiệp thực sự có năng lực…”, ông Thắng nói.
Lãnh đạo Sở TN-MT nói rằng, thiếu nhân lực kiểm tra. “Các thủ tục pháp lý cũng hết sức chồng chéo, mỗi bên đều tự lo theo chức năng của mình. Sở LĐ-TB&XH chỉ vào cuộc khi xảy ra sự cố an toàn lao động. Nói về giao thông đi lại, xuất khẩu lậu titan còn thiếu ngành giao thông và hải quan cùng vào cuộc”, ông Luận nói.
Giải pháp tình thế
Theo Sở TN-MT Bình Định, đơn vị này đã nhận được quyết định của tỉnh, cho phép thành lập thêm một Trạm giám sát môi trường titan đặt tại huyện Phù Mỹ để tiện theo dõi quá trình khai thác của các doanh nghiệp ở Phù Mỹ và Phù Cát. Tỉnh cũng yêu cầu chính quyền các huyện công khai các dự án được cấp phép khai thác titan và giao cho dân giám sát.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, ông Hồ Quốc Dũng nói: “Tỉnh đã ban hành những quy định vượt rào buộc các doanh nghiệp phải đóng góp kinh phí vào xây dựng, sửa chữa lại các công trình hư hại do titan gây ra. Điều đáng nói là cùng một lúc có những địa điểm như xã Mỹ Thành (Phù Mỹ) có quá nhiều doanh nghiệp cả khai thác lẫn tận thu trên một vùng. Cũng may là các dự án đó hầu như ở xa khu dân cư sinh sống”.
Theo ông Dũng, quan điểm của địa phương là không tán thành việc Bộ TN-MT cấp phép quá nhiều doanh nghiệp cùng một lúc. Trên thực tế, các doanh nghiệp được Bộ cấp phép hầu như không có nhà máy sản xuất titan, thiếu hệ thống chế biến sâu. Tỉnh mong Bộ sẽ dừng cấp phép những doanh nghiệp không có nhà máy sản xuất, thiếu năng lực trong khai thác.
Ông Nguyễn Hòa ở thôn Đề Gi, xã Cát Khánh, một người khai thác titan, cho biết: “Quặng titan ở đây nằm rất nông, chỉ cần đào gạt vào lớp cát trắng là đến cát đen. Không cần máy hút cũng có thể lấy được cát quặng có tỉ lệ titan đậm”. Hầu hết người dân khai thác titan trái phép tại xã Cát Khánh đều xuất phát từ cái lợi trước mắt mà đầu nậu thu gom mớm cho. Khu rừng dọc bờ biển Cát Khánh bị băm nát, nhiều nhà chất từng đống titan chờ xe đến vận chuyển. |