Khoáng sản trước giờ giới nghiêm

Đào đãi vàng trái phép trên khe Tăng (Phước Sơn, Quảng Nam) Ảnh: Nam Cường
Đào đãi vàng trái phép trên khe Tăng (Phước Sơn, Quảng Nam) Ảnh: Nam Cường
TP - Ngày 1-7, Luật Khoáng sản có hiệu lực. Trên thực tế, mặt trận khoáng sản vẫn nóng khắp nơi, chưa có dấu hiệu ngừng hỗn loạn. Tiền Phong xin giới thiệu loạt bài 'Khoáng sản trước giờ giới nghiêm' nêu thực trạng khai thác khoáng sản và một số bất cập trong việc triển khai luật mới.

> Truy quét 'cát tặc' trên sông, vịnh

Đào đãi vàng trái phép trên khe Tăng (Phước Sơn, Quảng Nam) Ảnh: Nam Cường
Đào đãi vàng trái phép trên khe Tăng (Phước Sơn, Quảng Nam).
Ảnh: Nam Cường.

Lâm Đồng là địa phương có trữ lượng thiếc hàng đầu cả nước, trong đó huyện Lạc Dương có nguồn tài nguyên thiếc dồi dào và cũng là vùng đất nóng nhất về khai thác thiếc trái phép với những công trường lộ thiên cùng hàng loạt địa đạo chằng chịt trong lòng đất.

Các bãi thiếc lậu thường qui mô lớn (từ 5 - 7ha đến hàng chục hécta) với hệ thống địa đạo và giếng ngầm kiên cố hình thành nhiều năm trong lòng đất, thậm chí có những bãi có tuổi đời lên tới vài chục năm. Phía trên địa đạo, thiếc tặc ngang nhiên làm nhà, dựng lều, lập xưởng và lắp đặt nhiều máy móc hiện đại để nghiền đá, sàng lọc, phân loại, chiết tách thiếc…

Các nhà tạm, lán trại dự trữ nhiều loại lương thực, thực phẩm, nước uống cùng các vật dụng sinh hoạt hằng ngày. Thậm chí, tại bãi thiếc ở tiểu khu 119, Long đầu nậu còn đưa vợ và con nhỏ vào định cư và lắp cả chảo truyền hình vệ tinh tại khu lán trại.

Các ban ngành chức năng từ xã đến tỉnh đều nhận định tình hình khai thác thiếc lậu ở huyện Lạc Dương diễn biến phức tạp với nhiều điểm nóng tồn tại dai dẳng.

Nghịch lý tồn tại bao năm qua là việc phá rừng lập bãi khai thác, sơ chế thiếc có những lúc diễn ra rầm rộ và công khai như ở vùng đất hoang, trong khi hầu hết tiểu khu đều đã được giao cho các ban quản lý rừng quản lý, bảo vệ hoặc cho doanh nghiệp thuê để kinh doanh du lịch, sản xuất nông nghiệp kết hợp bảo vệ rừng tự nhiên.

Khu lán trại lắp đặt chảo vệ tinh truyền hình Ảnh: K.A
Khu lán trại lắp đặt chảo vệ tinh truyền hình. Ảnh: K.A.
 

Thiếc tặc có súng, nhiều người bỏ mạng

Trung tuần tháng 6, Phó Chủ tịch huyện Lạc Dương Phạm Triều cho biết, các đối tượng khai thác thiếc trái phép ngang nhiên tái hoạt động tại khu vực Sông Con thuộc TK 140 xã Đạ Sar.

Hơn 2 tháng trước, lực lượng liên ngành của huyện Lạc Dương cùng phòng chức năng Công an tỉnh Lâm Đồng truy quét tại khu vực này, san lấp 5 hầm địa đạo, hàng chục giếng thiếc, giải tỏa 22 lán trại, tiêu hủy 14 máy nổ, nhiều mô tơ phát điện, bơm nước, máy thổi hơi, hàng ngàn mét dây điện, ống nhựa, hàng chục bóng đèn.

Cơ quan chức năng còn thu được thuốc nổ bởi một số đối tượng có tiền án, tiền sự trà trộn vào các nhóm người làm thiếc lậu do đầu nậu thuê từ các tỉnh phía Bắc như Thái Nguyên, Thanh Hóa…

Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Lạc Dương Hoàng Tất Dương nhận định đây là khu vực phức tạp nhất; qua điều tra tại bãi thiếc thấy có cả súng, bơm kim tiêm... Có thời điểm 70 – 80 người cùng tập trung khai thác khoáng sản trái phép trong hệ thống địa đạo và hầm giếng chằng chịt được đào khoét, kè chắn công phu nhiều năm liền.

Địa đạo, giếng thiếc, cống ngầm, cửa vào đều được kè chắn kiên cố bằng cây và dây rừng, do đó nơi nào có bãi thiếc thì nơi đó rừng thông bị tàn phá. Lối vào các địa đạo thường được ngụy trang, che đậy khéo léo bằng bụi cỏ, dây leo… Các giếng thiếc được đào, khoét sâu hoắm và ăn thông với địa đạo. Chiều sâu của giếng thường từ 30 - 40m, thậm chí có những giếng sâu tới 60 - 70m, nhìn không thấy đáy.

Bãi thiếc ngầm có nhiều tầng, nhiều bậc, nhiều ngóc ngách ăn sâu vào lòng đất mà chỉ cha đẻ của chúng mới thông tỏ đường đi lối vào, còn các cán bộ không dám xâm nhập vì sợ bị lạc, bị tấn công hoặc sảy chân gặp nạn.

Một thành viên đoàn truy quét cho hay, toàn bộ hệ thống địa đạo đều được thắp sáng bằng đèn điện. Máy phát điện được bố trí ở các tầng nấc của đường hầm và mỗi khi người lạ xuất hiện thì điện bị ngắt ngay khiến bóng tối bao phủ.

Cơ quan chức năng cho biết, Mai Văn Nghĩa (Nghĩa chó) cùng một số đầu nậu khác đã kéo điện lưới vào tận rừng sâu, lắp đồng hồ điện phục vụ công nghệ làm thiếc lậu. Nhiều loại máy móc, dụng cụ hiện đại gồm máy xay, máy sàng, giàn rung, cối xay… được lắp đặt trong những ngôi nhà (vách ván, mái tôn, nền xi măng) hoặc lán trại sát khu địa đạo để sơ chế, phân loại khoáng sản, chiết tách quặng; ngoài ra, còn có cả ô tô tải để vận chuyển thiếc.

Đa số địa đạo kẹp sát những sườn đồi ven suối để tận dụng ngưồn nước đãi sa khoáng, do đó hạ lưu một số con suối trở nên đục ngầu, quánh lại. Hóa chất dùng để tách quặng làm ô nhiễm nguồn nước, cây cỏ úa vàng, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người và gia súc.

Theo lãnh đạo một cơ quan lâm nghiệp, đã có nhiều vụ sập hầm khiến không ít người chết và bị thương. Chỉ riêng bãi Kẹp sắt đã có 3 - 4 người thiệt mạng thời gian qua. Khi xảy ra tai nạn, đầu nậu thường lập tức thuê xe đưa người chết về quê (đa số ở các tỉnh xa xôi phía Bắc) và thỏa thuận bồi thường cho gia đình nạn nhân để dàn xếp êm xuôi mọi việc.

Trẻ vị thành niên cũng trở thành nạn nhân ở các bãi thiếc lậu. Cò lao động từng dụ dỗ gần 20 thanh thiếu niên (từ 15 - 18 tuổi) tộc người thiểu số Raglay ở huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận lên Lâm Đồng hái cà phê thuê nhưng thực tế lại lừa bán cho một số đầu nậu thiếc lậu ở Lạc Dương.

Cuối tháng 5, công an giải cứu 3 trẻ em (14 - 15 tuổi, trú tại huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa) khỏi bãi thiếc ở xã Đa Nhim, huyện Lạc Dương.

Địa đạo có nhiều tầng
Địa đạo có nhiều tầng.
 

Đa số đợt truy quét bị lộ

Theo lý giải của Phó Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương Phạm Triều, nguyên nhân chủ yếu khiến các đối tượng làm thiếc lậu, bất chấp pháp luật là do lợi nhuận quá lớn. Nếu có tay nghề cứng, một ngày làm thuê ở bãi thiếc lậu thu nhập từ 300 - 400 ngàn đồng nên số người đầu quân cho cai thiếc rất lớn. “Trong các đợt truy quét, chúng tôi còn nhặt được cả thẻ cựu chiến binh tại hiện trường”, ông Triều nói.

Cán bộ cơ quan kiểm lâm cũng cho rằng, cai thiếc thu lợi quá lớn. Với giá 200.000 đồng/kg thiếc như hiện nay thì mỗi ngày họ có thể kiếm được nhiều triệu đồng. Mỗi cai thiếc bị thiệt hại hàng chục triệu đồng sau mỗi đợt truy quét của ban ngành chức năng nhưng họ có thể nhanh chóng thu hồi vốn chỉ sau vài ngày tái đào đãi thiếc lậu.

Do đó, không ít lần đoàn giải tỏa dùng thuốc nổ đánh sập một phần địa đạo và lấp giếng thiếc nhưng sau đó các đối tượng vẫn lén lút khai thông hầm và đào thêm nhiều giếng mới để lấy sái thiếc.

Ông Triều còn cho biết theo tin trinh sát thì các bãi thiếc lớn thường có từ hàng chục đến cả trăm người đào đãi với phương tiện đánh thiếc được cơ giới hóa, thế nhưng khi đoàn giải tỏa vào đến nơi thì các bãi thiếc vườn không nhà trống: Không một bóng người, không có máy móc, dụng cụ và dĩ nhiên sái thiếc bị tẩu tán hết.

Những lần ra quân sau này, thay vì triệu tập lực lượng tham gia truy quét sớm một ngày để bàn biện pháp triệt phá, huyện chỉ thông báo trước một buổi để các ban ngành huy động cán bộ. Kết quả, thông tin truy quét vẫn bị lộ. Bằng chứng là tuy không thể chuyển toàn bộ máy móc, tang vật đi nơi khác nhưng thiếc tặc vẫn có cơ hội mang đi chôn giấu ở những cánh rừng gần đó.

Trong cả chục chuyến ra quân, chỉ có lần đánh vào bãi thiếc ở TK 119 (xã Đạ Sar) là giữ được bí mật tuyệt đối. Bởi thế khi đoàn giải tỏa đến hiện trường, bãi thiếc lậu vẫn hoạt động nhộn nhịp như một công trường với khoảng 50 - 60 đối tượng khai thác, sơ chế, phân loại khoáng sản.

Theo lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng, nguyên nhân của tình trạng trên còn do buông lỏng quản lý của một số cơ quan, cán bộ có trách nhiệm, thậm chí có sự bao che, bảo kê.

Lãnh đạo cơ quan lâm nghiệp địa phương cũng nhận định, làm thiếc lậu với qui mô lớn, số lượng người đông và đưa cả phương tiện cơ giới vào mà công an xã nói không biết thì không thể tin được. Có những đợt huyện ra quân truy quét bãi thiếc tại các xã Đạ Sar, Đạ Nhim nhưng UBND xã không cử người tham gia.

Thậm chí có lúc tình hình truy quét rất căng thẳng, phức tạp bởi thiếc tặc quá đông, áp đảo lực lượng giải tỏa; huyện phải điều động thêm lực lượng của các xã này nhưng đợi mãi mà không thấy ai đến tăng cường.

Lập đội cơ động chuyên biệt

Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Lạc Dương Hoàng Tất Dương cho biết đang cùng các cơ quan, đơn vị như công an, quân đội, tài nguyên môi trường thành lập đội cơ động chuyên biệt gồm 15 người theo chỉ đạo của UBND huyện. Đội này sẽ cắm chốt trên tỉnh lộ 723 với tài xế thiện chiến và các công cụ hỗ trợ đắc lực để ra quân mọi lúc, mọi nơi khi có tin báo về các điểm nóng vi phạm lâm luật, khai thác khoáng sản trái phép…

Huyện sẽ tăng cường lực lượng hỗ trợ đội cơ động để thường xuyên truy quét, tiêu hủy toàn bộ máy móc, thiết bị để dần dần tiêu hao sinh lực thiếc tặc. Mặt khác, sau mỗi đợt truy quét sẽ có trục xuất các đối tượng từ nơi khác đến làm thuê cho cai thiếc.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG