Đẩy đuổi tàu Trung Quốc xâm phạm hải phận Việt Nam: Dai dẳng và khôn khéo

Đẩy đuổi tàu Trung Quốc xâm phạm hải phận Việt Nam: Dai dẳng và khôn khéo
TP - Phát hiện và đẩy đuổi tàu lạ là cuộc chiến dai dẳng đòi hỏi lòng dũng cảm, sự khôn khéo của lực lượng Biên phòng trên biển.

Quyết liệt

Thiếu tá Nguyễn Văn Thương - Chính trị viên Hải đội 2 (BĐBP Đà Nẵng) kể, trong cuộc đấu tranh canh giữ vùng biển trước sự xâm nhập của tàu Trung Quốc, đã có 5 chiến sĩ trong đội bị thương, và đã được tặng huy hiệu Tuổi trẻ dũng cảm. Riêng Hải đội 2 năm ngoái được phong tặng Anh hùng.

Như trường hợp Trung sĩ Lê Thơm, người bị thương giờ đã xuất ngũ, là thương binh hạng 2/4. Thơm là một trong những chiến sĩ thường xuyên có mặt trong các chuyến tuần tra bảo vệ chủ quyền vùng biển. Mỗi chuyến tuần tra có khi mất 3 - 4 tháng trời lênh đênh trên biển. Đó là năm 2006, nhận được tin báo của ngư dân thông qua Bộ chỉ huy, Hải đội 2 lập tức lên đường. Ra tới Biển Đông, cách Sơn Trà khoảng 20 hải lý, có hơn 10 chiếc tàu Trung Quốc đang giằng co với đội tàu của ngư dân mình. Phát hiện tàu Biên phòng Việt Nam, tàu Trung Quốc bắt đầu tản ra, cố tình ngăn cản bằng cách chặt lưới, thả ngư cụ nhằm chặn hướng tiến của tàu Biên phòng.

Thiếu úy Nguyễn Tống Khiêm nhớ lại: Lúc đó trời nổi giông, sóng rất lớn nên việc áp sát tàu là rất khó. Tàu Trung Quốc cứ lựa khi sóng đánh ngược là húc mũi tàu vào tàu ta. Tàu này rất to, trang thiết bị hiện đại. Sau khi nhận được lệnh chỉ huy, anh em quyết định tác chiến nhanh gọn bằng cách phi thân nhảy sang tàu họ để kiểm soát buồng lái. Người đầu tiên là trung sĩ Lê Thơm. Khi tàu họ theo con sóng sụp xuống, anh Thơm nhảy qua, bất ngờ một nhóm ngư dân Trung Quốc kéo ra ngăn cản, gặp lúc tàu Trung Quốc trồi lên, thế là chân phải anh Thơm bị kẹp giữa 2 tàu, nát cổ chân. Ban chỉ huy đã điều gấp một chiếc tàu tốc độ cao, ra chở trung sĩ Thơm về điều trị. Cổ chân anh Thơm mãi mãi không thể lành lặn, buộc anh Thơm phải xuất ngũ bỏ dở tâm nguyện gắn bó với Bộ đội Biên phòng, để bảo vệ vùng biển Tổ quốc.

Trường hợp khác là Trung úy Đặng Văn Thoáng, người bị thương vì tàu cá Trung Quốc đâm thẳng vào tàu Biên phòng năm 2002. Lần đó, anh Thoáng đã nhảy sang tàu cá Trung Quốc, chỉ bị thương nhẹ. “Sau này, họ không còn chống trả như cũ, nhưng tần suất và số lượng không giảm, thậm chí tăng lên” - Trung tá Hoàng Ngọc Quỳnh, Hải đội trưởng Hải đội 2, nói.

Và khôn khéo

“Tàu cá Trung Quốc lấn chiếm ngư trường Việt Nam không chỉ rộ lên mấy ngày qua mà tình trạng này đã kéo dài mấy năm nay” - Thiếu tá Bùi Đình Quang - Hải đội trưởng, thuộc Hải đoàn 48 (Quy Nhơn), cho biết.

Đẩy đuổi tàu Trung Quốc xâm phạm hải phận Việt Nam: Dai dẳng và khôn khéo ảnh 1

Tàu Trung Quốc xâm phạm hải phận Việt Nam.

Tiếp xúc với PV Tiền Phong sau chuyến tuần tra, kiểm soát 6 tháng ngoài biển Đông, Thiếu tá Quang cho hay, theo kinh nghiệm nhiều năm làm công tác tuần tra bảo vệ vùng biển thuộc sự kiểm soát của Hải đoàn 48 (từ Ninh Thuận – Quảng Bình) thì phía Trung Quốc hình có chủ ý rõ ràng. Để hợp thức hóa việc đánh lấn sâu vào khu vực vịnh Bắc bộ Việt Nam, đội tàu cá Trung Quốc đã có tính toán và trang bị dụng cụ rất hiện đại, vượt xa đội tàu thuyền của chúng ta. Họ kéo từng đoàn từ 30-50 chiếc đánh lấn và sâu vào các vùng thuộc chủ quyền Việt Nam.

Thiếu tá Quang kể, nhiều lần đụng độ với tàu cá Trung Quốc, các anh đã nắm được cách thức hoạt động của họ nhằm lấn vào ngư trường Việt Nam. “Để đối phó lực lượng kiểm soát chúng tôi, phía Trung Quốc cho những loại tàu cá do người Hoa kiều (từng sống ở VN trước những năm 1975) có chút hiểu biết và thông thuộc tiếng Việt đi trước dò đường. Sau đó ngang nhiên kéo thành từng đoàn, nếu lực lượng chúng tôi phát hiện, họ dàn hàng che chắn cho các loại tàu lớn (loại 50-100 tấn) tẩu thoát. Đặc biệt, trước khi xuất phát sang vùng biển chúng ta, họ cho loại tàu thả câu (loại tàu nhỏ 30-50 tấn) đi trước rồi theo sau là cả đoàn lớn (trên 100 tấn) cào, quét kiểu tận diệt. Khi lực lượng kiểm soát phát hiện, họ cho tàu câu ra ngăn cản, chặn lực lượng chúng ta lại để cho loại lớn chạy ra vùng biển tổng hợp (vùng biển đánh bắt chung). Lúc đó, lực lượng kiểm soát cũng bó tay” – Thiếu tá Quang nói.

Hải đoàn trưởng Hải đoàn 48 - Thượng tá Nguyễn Danh Đường cho biết: “Hiện nay tàu cá Trung Quốc chủ yếu xuất hiện thành đoàn tại những vị trí như: đông bắc Cồn Cỏ (khoảng 40 hải lý), đông bắc Lý Sơn (45 hải lý), đông mũi Đại Lãnh - Phú Yên (60 hải lý), đông nam Cam Ranh – Khánh Hòa (80 hải lý)... ngang nhiên đánh lấn trên vùng biển thuộc chủ quyền của VN”.

Trung tá Hoàng Ngọc Quỳnh cho biết: “Thời gian gần đây, tàu cá họ cũng biết sợ, hễ thấy tàu Biên phòng mình là quay mũi bỏ chạy. Chúng ta vừa tuyên truyền, vừa cương quyết. Nói chung là mặt trận đấu tranh này rất cam go, cần phải khôn khéo. Nhưng không hề khoan nhượng”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Bến Tre kỷ niệm 125 năm Ngày thành lập tỉnh
Bến Tre kỷ niệm 125 năm Ngày thành lập tỉnh
TPO - Tối 15/1, tỉnh Bến Tre kỷ niệm 125 năm Ngày thành lập tỉnh, 65 năm Ngày Bến Tre Đồng khởi, công bố quyết định của Thủ tướng công nhận ngày 17/1 hằng năm làm Ngày truyền thống của tỉnh. Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long dự và phát biểu tại buổi lễ.