Khẩn cấp đưa cụ rùa trở lại Hồ Gươm

Khẩn cấp đưa cụ rùa trở lại Hồ Gươm
TP - Trước tình hình Rùa Hoàn Kiếm có những dấu hiệu không thích nghi bể nhân tạo, hôm qua, Sở Khoa học & Công nghệ Hà Nội họp bàn tìm giải pháp sớm đưa rùa trở về Hồ Gươm.

Bỏ ăn ba ngày

TS Bùi Quang Tề, Tổ trưởng Tổ chữa thương, cho biết, vào giữa đợt nóng, cụ Rùa đã bỏ ăn ba ngày. “Tôi đã từng cảnh báo, trên 30 độ C là có vấn đề ngay. Tôi nhấn mạnh càng sớm đưa Rùa trở về hồ càng tốt”.

TS Đặng Gia Tùng – Phó Giám đốc Vườn thú Hà Nội cho rằng, phải sớm đưa cụ Rùa trở về hồ, nhưng nên quây ở một khu vực nhỏ để tiện theo dõi và chăm sóc. TS Tùng cũng bày tỏ lo ngại việc rùa bị thuần hóa do nuôi nhốt lâu ngày. “Tôi giật mình với cách nuôi hiện nay là đập chết cá rồi cho rùa ăn”.

Hầu hết nhà khoa học đều đồng tình sớm đưa rùa trở lại hồ, nhưng phải đảm bảo rùa không bị sốc, đói hoặc phát bệnh trở lại. Theo ông Lê Xuân Rao, Giám đốc Sở Khoa học - Công nghệ Hà Nội, việc chữa trị cho rùa gần như hoàn thành. Điều khó khăn nhất là môi trường hồ Gươm chưa đảm bảo để đưa rùa trở về.

“Cá chưa được thả vào hồ nên hiện nay hồ không có thức ăn cho rùa” – GS Đặng Đình Kim (Viện Công nghệ Môi trường, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam) nói. Nghiên cứu của GS Kim và cộng sự cho thấy, quá trình hút bùn các năm 2009, 2010 đã loại bỏ đáng kể các vi sinh vật gây bệnh trên lớp bùn mặt. Nhưng đó chỉ đơn thuần là quá trình loại bỏ mang tính cơ học, không triệt để và không bền vững.

Lại chọn công nghệ Đức?

Hàng loạt giải pháp làm sạch hồ Gươm, đảm bảo cụ Rùa trở về khỏe mạnh được đưa ra. Trong đó có những giải pháp đã được nhắc tới nhiều như dùng chế phẩm sinh học từng áp dụng thành công tại Hồ Văn (Văn Miếu, Quốc Tử Giám, Hà Nội) của TS Nguyễn Phú Tuân – Cty Môi trường Xanh.

Nhưng giải pháp nặng ký nhất trong cuộc đua cải tạo môi trường Hồ Gươm là giải pháp hút bùn sinh thái, của Đức, từng được áp dụng tại Hồ Gươm năm 2009. TS Leah Wollenberrger, Trường ĐHKT Dresden (Đức), cho biết: Sẽ mang thiết bị tới Việt Nam tháng 11-2011. Dự kiến, việc hút bùn sẽ diễn ra trong vòng 1 năm, loại bỏ 50.000m2 bùn. ĐH Dresden sẽ tham gia quan trắc cùng với một số viện khoa học của Việt Nam.

Theo đó, TP Hà Nội có thể khởi động kế hoạch tái lắp đặt thiết bị hút bùn và tách nước vào tháng 6-2011.Trong khi vấn đề kinh phí luôn được coi là nhạy cảm, lần đầu tiên một doanh nghiệp mạnh dạn ra giá. Ông Lê Phi Vân, Cty STD, cho biết, công nghệ sử dụng hệ thống ống bù áp lực của ông nếu áp dụng mất khoảng 12 tỷ đồng (rẻ hơn nhiều so với con số 40 tỷ đồng nếu áp dụng ở nước ngoài). Nếu TP Hà Nội cho làm ở Hồ Gươm, Cty này sẽ làm miễn phí. Đổi lại, công ty sẽ được tiếp tục cải tạo bất cứ hồ nào ô nhiễm ở Hà Nội với giá thỏa thuận.

Tranh cãi gắn chip cho rùa

Ông Tim MacCormark – Chương trình Bảo tồn Rùa châu Á –đưa ra hai phương pháp gắn chip hiện đại và phổ biến nhất hiện nay là gắn chip theo dõi bằng radio sóng vô tuyến và gắn chip theo dõi qua thiết bị định vị toàn cầu (GPS). Với rùa mai cứng, người ta thường gắn thiết bị trên mai bằng một loại keo chuyên dụng. Với rùa mai mềm, người ta đục một lỗ ở đuôi để lắp thiết bị, hoặc đeo cho con vật một cái đai.

Cả hai cách này đều không được các nhà khoa học Việt Nam đồng tình. TS Nguyễn Viết Vĩnh, chuyên gia thủy sản khẳng định, nếu lắp đặt thiết bị như vậy, rùa Hồ Gươm sẽ vướng vào các vật cản dưới hồ và bị chết đuối. “Nếu chỉ để theo dõi đường đi nước bước của rùa thì không cần thiết, lại tốn kém. Việc theo dõi bằng sóng vô tuyến phải chấp nhận sai số vài chục mét, trong khi lưới của ta chỉ quây được trong phạm vi 15 – 20m. Do đó cách này là không tưởng với phương pháp của chúng ta”.

Giám đốc Sở Khoa học – Công nghệ Hà Nội Lê Xuân Rao cho biết sẽ tổng hợp ý kiến, công nghệ để trình TP Hà Nội và sớm đưa ra quyết định cuối cùng.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG