Liên tục động đất : Hiện tượng bất thường

Liên tục động đất : Hiện tượng bất thường
TP - Chỉ trong 4 ngày cuối tháng 4-2011 đã có tới 10 trận động đất được ghi nhận tại Việt Nam. Trận thứ 11 mới xảy ra đêm 8-5 tại Sơn La.

Khẩn cấp khắc phục sạt lở Mũi Cà Mau
> TPHCM: Mưa lớn, lốc xoáy, sạt lở vào mùa sớm
> Động đất 4,2 độ Richter tại Sơn La

Các nhà khoa học cho biết, hiện tượng sạt lở đất và động đất diễn ra liên tục thời gian qua không liên quan tới nhau. Tuy nhiên, cả hai hoạt động này có thể bắt nguồn từ cùng nguyên nhân biến đổi khí hậu và tác động của con người gây biến động xấu cho hệ sinh thái và vỏ trái đất.

Nhiều hơn, mạnh hơn

Theo TS Lê Huy Minh, Giám đốc Trung tâm Báo tin Động đất và Cảnh báo sóng thần (Viện Vật lý Địa cầu), từ cuối năm 2010 đến nay có khá nhiều các trận động đất xảy ra tại Lào Cai, Sơn La, Cao Bằng, Thanh Hóa, Nghệ An và ngoài khơi Bà Rịa - Vũng Tàu… So với cùng kỳ các năm trước đó, động đất xảy ra nhiều hơn và xu hướng mạnh hơn.” - TS Minh nhận định.

Theo TS Minh, các trận động đất này đều nằm trên 2 đới đứt gãy Sơn La và Lai Châu. Sự xuất hiện liên tục của động đất trong thời gian ngắn chứng tỏ 2 đới đứt gãy trên đang hoạt động tích cực và không loại trừ chu kỳ động đất mạnh đang lặp lại. Nếu tính từ trận động đất mạnh 6,8 độ Richter tại Tuần Giáo (Điện Biên) năm 1983, đến nay đã trên 24 năm. Khoảng thời gian này trùng với chu kỳ nêu trên. “Trên thực tế ở nước ta cứ sau khoảng 20 - 30 năm lại xuất hiện một trận động đất mạnh trên 6 độ Richter.” – TS Minh nói.

TS Lê Tử Sơn, nguyên cán bộ Viện Vật lý Địa cầu, cũng cho rằng, không thể loại trừ trận động đất Nhật Bản có thể đã và sẽ tác động vào những trận động đất khác khiến chúng rút ngắn thời gian để bùng phát sớm hơn dự kiến.

GS Nguyễn Tình Xuyên, nguyên Phó Viện trưởng Viện Vật lý Địa cầu, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, phân tích trục trái đất bị thay đổi từ thảm họa động đất tại Nhật Bản ngày 11-3, làm thay đổi trạng thái trong lòng đất. Vì thế, ít nhiều nó sẽ tác động gián tiếp đến những trận động đất khác. Có thể một chu kỳ động đất mới đã bắt đầu.

Do biến đổi khí hậu?

Theo các nhà khoa học, khó có thể đưa ra nguyên nhân chính xác của các hiện tượng này, nhưng biến đổi khí hậu đang tác động mạnh mẽ đến trái đất cũng có thể được coi là một nguyên nhân lớn.

Lý giải hiện tượng lở đất, mới đây nhất là vụ sạt lở hôm qua (9-5) ở Cần Thơ, khiến 2 người thiệt mạng, PGS.TS Nguyễn Hữu Chiếm, trường ĐH Cần Thơ, cho biết, từ xưa tới giờ vẫn xảy ra sạt lở chứ không phải chỉ diễn ra thời gian gần đây. Bờ sông bên lở bên bồi, bên lở là vịnh, bên bồi là doi. Bên doi dòng chảy yếu hơn, còn bên bồi dòng chảy mạnh, nên nước khoét vào đất liền ngày càng sâu.

Thời gian gần đây, dòng chảy có sự thay đổi, lưu lượng nước nhiều, tăng lên đột ngột khiến dòng chảy mạnh hơn, nhanh hơn…nên sạt lở diễn ra liên tục. Đây là hiện tượng bất thường. “Vấn đề thay đổi khí hậu toàn cầu cũng là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến điều kiện tự nhiên của ĐBSCL”, TS Chiếm nhận định.

Tác động xấu của con người cũng là một nguyên nhân chính dẫn tới hiện tượng này. Theo TS Chiếm, trong nước sông bao giờ cũng có đất thịt và đất cát. Hai bên bờ sông Tiền và sông Hậu là những lớp đất như thế. Cùng một dòng chảy, nếu gặp lớp cát thì tình trạng sạt lở sẽ diễn ra nhanh hơn, liên tục hơn. Trước đây dòng chảy ổn định, lưu lượng không lớn. Nhưng hiện tại, có thể do phá rừng, đắp đập ở khu vực thượng nguồn nên nước không phân phối đều trên mặt đất, tạo những dòng chảy mạnh hơn, đất ven bờ bị khoét nhiều hơn, tạo nên các hàm ếch gây sạt lở. Ngoài ra, có thể do việc xây dựng công trình có khối lượng lớn trên những nền đất sét mà bên trên là lớp đất nhão hơn, lâu ngày nó sẽ bị trượt trôi ra sông.

“Những khúc cua dễ neo đậu tàu bè thường là nơi người dân mở chợ, xây khu dân cư, bến bãi. Chính những khu vực này lại có dòng chảy lớn, đất bị bào mòn nhanh, cộng với tác động của tàu bè neo đậu, công trình bên trên nặng khiến các khu vực này càng dễ dàng bị sạt lở.” - TS Chiếm cho biết.

Sạt lở chợ, 2 người chết

Hai người chết bà Nguyễn Thị Tuyết (sinh năm 1933) và chị Dương Thị Hồng Loan (sinh năm 1981), đều ngụ phường Long Hòa. Trung tá Trần Thị Ngọc Ánh, Trưởng công an phường Long Hòa, cho biết, lúc xảy ra sạt lở, hàng hóa kinh doanh mới dọn ra, chưa có khách nên giảm được thương vong. Ngay sau sạt lở, lãnh đạo TP Cần Thơ đã có mặt chỉ đạo việc khắc phục hậu quả.

Chợ Long Hòa xây dựng năm 2008 và năm 2000, từng xảy ra sạt lở bờ sông Rạch Cam, nhấn chìm một cơ sở kinh doanh tân dược.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG