Chóng mặt vì điều chỉnh quy hoạch

Chóng mặt vì điều chỉnh quy hoạch
TP- Dự án khu đô thị đông nam Trần Duy Hưng và dải đất phía nam đường Đại Cồ Việt (Hà Nội) có lẽ đạt mức kỷ lục về số lần điều chỉnh quy hoạch chi tiết. Khu đô thị đông nam Trần Duy Hưng trong sáu năm điều chỉnh quy hoạch ba lần.

Khu đô thị mới (Hà Nội):

Chóng mặt vì điều chỉnh quy hoạch

Khu đô thị đông nam Trần Duy Hưng thuộc phường Trung Hòa (Cầu Giấy) và phường Nhân Chính (Thanh Xuân), sau hơn 6 năm triển khai hiện vẫn ngổn ngang công trường. Từ năm 2005 đến nay, UBND thành phố Hà Nội đã 3 lần điều chỉnh quy hoạch khu đô thị này.

Sau quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết khu đô thị năm 2005, đến năm 2006 UBND thành phố lại có quyết định điều chỉnh quy hoạch cục bộ. Nguyên nhân, quy hoạch lần đầu không bố trí trường THPT tại khu đô thị và thành phố có chủ trương xây dựng mới trường THPT chuyên Hà Nội-Amsterdam.

Chưa hết, năm 2008, dự án này lại được điều chỉnh cục bộ với lý do: điều chỉnh vị trí, quy mô khu liên cơ quan hành chính thành phố và khu văn phòng đại diện 63 tỉnh thành, văn phòng cho thuê và quy mô một số ô đất cho phù hợp hơn.

Bộ Xây dựng có quyết định ban hành Quy chế quản lý kiến trúc xây dựng xung quanh Trung tâm Hội nghị Quốc gia nên cũng dẫn đến phải điều chỉnh một số ô quy hoạch. Sau điều chỉnh, số dự án thành phần trong Khu đô thị đông nam Trần Duy Hưng đã vượt con số 10. Trước thực trạng đó, Hà Nội vừa phải phê duyệt điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chi tiết khu đô thị đông nam Trần Duy Hưng nhằm đáp ứng các điều chỉnh cục bộ trong khu đô thị.

Dải đất phía nam Đại Cồ Việt được phê duyệt quy hoạch chi tiết vào năm 1997. Đến năm 2002, thành phố lại điều chỉnh quy hoạch chi tiết khu vực này, theo hướng xây dựng hoàn chỉnh nhiều công trình bố trí dọc phía nam đường Đại Cồ Việt gồm khách sạn, văn phòng, nhà ở, căn hộ cho thuê và đi liền với đó là sự cắt giảm diện tích đất xây dựng đường giao thông.

Chưa hết, đến tháng 4-2007, thành phố lại một lần nữa điều chỉnh quy hoạch lô đất số V theo hướng tăng diện tích đất xây dựng từ 950 m2 lên 1.590 m2, tăng hệ số sử dụng đất, tăng tầng cao...

Cần giám sát chặt chẽ

Mặc dù đã qua nhiều lần điều chỉnh quy hoạch nhưng việc triển khai dự án xây dựng tại 2 dự án trên vẫn với tiến độ... rùa. Chưa tính đến chi phí cho mỗi lần điều chỉnh quy hoạch, riêng việc điều chỉnh liên tục còn đảo lộn nhiều đến đời sống người dân, phương án đền bù giải phóng mặt bằng...

Lý giải về nguyên nhân dẫn đến tình trạng điều chỉnh nhiều lần quy hoạch cục bộ các dự án, Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội cho rằng, có quá nhiều các tác động khác nhau đến sự ổn định của quy hoạch. Đại diện Cục Phát triển đô thị Việt Nam (Bộ Xây dựng) lại cho biết, đang có nhiều chiêu nhằm điều chỉnh quy hoạch có lợi hơn cho chủ đầu tư.

Ví dụ như tăng diện tích sàn căn hộ, hệ số sử dụng đất... Tình trạng điều chỉnh nhiều cũng cho thấy chất lượng quy hoạch còn hạn chế, nhất là tính dự báo, tính khoa học.

KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Hà Nội đề nghị, tình trạng điều chỉnh quy hoạch cục bộ cần được giám sát chặt chẽ. Trong một số trường hợp, việc điều chỉnh là cần thiết nhưng phải tuân thủ các nguyên tắc, các quy chuẩn, tiêu chuẩn về quy hoạch xây dựng.

Cụ thể, việc điều chỉnh phải tăng diện tích cây xanh, không gian công cộng, trường học, nơi đỗ xe và các tiện ích phục vụ cộng đồng. “Vấn đề công khai quy hoạch để người dân giám sát, vấn đề lấy ý kiến người dân tham gia vào quy hoạch nói nhiều nhưng làm được còn rất ít” - ông Nghiêm nói.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Chậm trễ thi công trạm dừng nghỉ cao tốc, Bộ trưởng Giao thông chỉ đạo 'nóng'
Chậm trễ thi công trạm dừng nghỉ cao tốc, Bộ trưởng Giao thông chỉ đạo 'nóng'
TPO - Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Trần Hồng Minh yêu cầu giám đốc các ban quản lý dự án chịu trách nhiệm toàn diện trước Bộ trưởng về tiến độ giải phóng mặt bằng, tiến độ và chất lượng các dự án. Bộ GTVT sẽ xem xét và xử lý trách nhiệm các chủ thể tham gia dự án nếu có không hoàn thành nhiệm vụ.