Xây thủy điện Xayaburi: Lào mất nhiều hơn được

Xây thủy điện Xayaburi: Lào mất nhiều hơn được
TP - “Thủy điện Xayaburi nếu được xây trên dòng chính sông Mekong không giúp ích cho an ninh năng lượng khu vực này. Lợi ích thật sự mà Lào thu được không đáng kể” - nhiều nhà nghiên cứu nhận định như vậy.

> Thót tim
> Chưa thông qua dự án Xayaburi

Vị trí đập Xayaburi chắn ngang dòng Mekong (Nguồn: Bangkok Post)
Vị trí đập Xayaburi chắn ngang dòng Mekong (Nguồn: Bangkok Post).

“Lào hy vọng thủy điện dòng chính Mekong sẽ mang lại lợi ích về điện năng và thu nhập từ bán điện. Tuy nhiên, nếu phân tích kỹ thì lợi ích thật sự đối với chính phủ và nhân dân Lào là không lớn. Tổng thu nhập từ bán điện của 12 đập ở vùng hạ lưu vực khoảng 3 - 3,7 tỷ USD/năm, trong đó doanh thu đối với hai đập ở Campuchia là 30% (1,2 tỷ USD/năm) và đối với 10 đập ở Lào khoảng 70% (2,6 tỷ USD/năm)”, ông Đào Trọng Tứ, cố vấn của Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam (VRN) phân tích.

"Không quốc gia nào trong Ủy hội sông Mekong (MRC) được lợi từ dự án đập thủy điện Xayaburi cũng như 11 bậc thang thủy điện còn lại. Trong khi đó, hệ lụy từ việc xây đập Xayaburi là quá rõ.

Ngoài vấn đề môi trường, hệ quả kéo theo là sự giải tán MRC vì gần như chẳng còn lý do gì để tổ chức này tồn tại. Một dòng sông quan trọng bậc nhất như sông Mekong (nếu bị chắn bởi Xayaburi, kéo theo 11 đập khác được xây) sẽ qua đời." - PGS-TS Hồ Uy Liêm, Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp Các hội Khoa học & Kỹ thuật Việt Nam 

Lào sẽ phải di dời một số lượng lớn dân cư. Tính chung cho 10 đập ở Lào và hai đập ở Campuchia, 107.000 người sẽ phải di dời; 2 triệu người ở 47 huyện trong phạm vi các hồ thủy điện và ngay bên dưới các hồ sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp. Lào sẽ đối mặt hàng loạt vấn đề xã hội khi những người có sinh kế phụ thuộc sông Mekong bị mất nguồn sống và di cư ra đô thị tìm việc làm.

Điều tra cho thấy, khoảng 80% dân số Lào phụ thuộc nguồn thủy sản sông Mekong. Lợi nhuận của các đập thủy điện ở Lào phụ thuộc thời tiết và chế độ vận hành của các đập Trung Quốc. Phần lớn điện từ các đập ở Lào được thiết kế để bán sang Thái Lan. Do đó, Lào sẽ phụ thuộc vào quốc gia mua điện.

Theo TS Lê Phát Quới, thành viên VRN, phần lớn điện sản xuất từ các đập này là để xuất khẩu, vì vậy phần lớn lợi ích đối với Lào cũng chỉ là lợi ích bằng tiền như các sự đầu tư khác.

Ngoài ra, sẽ có những thị trấn, làng mạc mới hình thành xung quanh các đập với đa số là người ngoại quốc, gây nhiều khó khăn trong quản lý kinh tế, xã hội, văn hóa của Lào trong tương lai.

Người thanh niên vùng Đồng Tháp Mười băn khoăn về nguồn thủy sản ở đây giảm đáng kể khi phù sa và dinh dưỡng do Mekong mang về ngày càng ít Ảnh: Quốc Dũng
Người thanh niên vùng Đồng Tháp Mười băn khoăn về nguồn thủy sản
ở đây giảm đáng kể khi phù sa và dinh dưỡng do Mekong mang về
ngày càng ít. Ảnh: Quốc Dũng.

Lợi ích khu vực: Nhỏ

Theo nghiên cứu của nhóm các nhà khoa học thuộc VRN về thủy điện Xayaburi và 11 bậc thang thủy điện dòng chính hạ lưu sông Mekong đối với Đồng bằng Sông Cửu Long, 12 đập này không giải quyết được gì trong vấn đề an ninh năng lượng cho khu vực Mekong. Nó chỉ đáp ứng 6 - 8%/năm nhu cầu của 4 nước Lào, Campuchia, Thái Lan và Việt Nam vào năm 2015, đúng bằng với sự tăng nhu cầu hằng năm trong giai đoạn 2015 - 2025.

Tổng lợi ích kinh tế của Thái Lan đối với 12 đập này chỉ khoảng 11 - 12%. Tổn thất về môi trường, phù sa, thủy sản đối với Thái Lan là nhãn tiền so với các đập lớn đang vận hành ở nước này đã gây ra những tổn thất tương tự.

Có đến 80% người Campuchia phụ thuộc vào cá sông Mekong làm nguồn protein. Nếu thay thế bằng thịt và đậu nành thì nước này cần diện tích chăn thả gia súc lên tới 14.000km2. Trong tổng doanh thu 3 - 3,7 tỷ USD/năm của 12 đập, Campuchia chỉ hưởng 26 - 31% trong 25 năm đầu vận hành, tương đương hơn 300 triệu USD/năm...

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG