Nguy cơ khủng hoảng sinh thái khôn lường

Nguy cơ khủng hoảng sinh thái khôn lường
TP - “Đập Xayaburi, nếu được thông qua tại cuộc họp của Ủy hội Sông Mekong hôm nay, sẽ châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng sinh thái khôn lường của toàn lưu vực” - bà Ngụy Thị Khanh, Phó Giám đốc Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam (VRN), nhận định.

> Triệu tập phiên họp đặc biệt về dự án đập Xayaburi
> Cảnh báo thất bại nếu xây đập Xayaburi

Nếu được xây dựng, đập Xayaburi sẽ gây ra những thay đổi vĩnh viễn về sinh thái không thể đảo ngược được cho sông Mekong
Nếu được xây dựng, đập Xayaburi sẽ gây ra những thay đổi vĩnh viễn
về sinh thái không thể đảo ngược được cho sông Mekong.

Nên hoãn ít nhất 10 năm

Trả lời Tiền Phong sau cuộc họp báo quốc tế hôm qua ở Hà Nội về đập Xayaburi, bà Ngụy Thị Khanh, hiện là Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn & Phát triển Tài nguyên nước (WARECOD), nói: “Đánh đổi sự bền vững trong tương lai với tiềm năng phát triển của các dân tộc trong khu vực và nguồn điện có thể sản xuất từ những công nghệ bền vững hơn là thiếu khôn ngoan”.

WARECOD/VRN nằm trong số các tổ chức rất tích cực vận động dừng xây dựng đập Xayaburi thời gian qua. Theo bà, vì sao phải làm gấp như vậy?

Không chỉ chúng tôi, rất nhiều tổ chức quốc tế, bao gồm cả ở Thái Lan và Campuchia, bày tỏ mối quan tâm và lo ngại sâu sắc trước những quyết định mà Ủy hội Sông Mekong (MRC) có thể có tại cuộc họp quan trọng ngày 19-4.

Nếu đập Xayaburi được thông qua, sẽ tạo ra một hiệu ứng xuất hiện nhanh chóng của cả hệ thống đập đang được lên kế hoạch trên dòng chính hạ lưu vực Mekong. Và đây sẽ là một tiền lệ vô cùng bất lợi đối với Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Hai công trình gần nhất và gây tác động lớn nhất, trực tiếp nhất cho ĐBSCL là Stungtreng và Sambor đang nhấp nhổm chờ tín hiệu từ Xayaburi. Nếu Xayaburi được thông qua, hai công trình này cũng sẽ vào cuộc.

Chúng tôi đã tổ chức một loạt diễn đàn, đối thoại và cả các cuộc trao đổi khẩn cấp với các bên liên quan, các đại biểu đều bày tỏ sự nhất trí cao với kiến nghị, trong tình hình qui hoạch chưa đầy đủ, việc quyết định xây dựng đập trên dòng chính sông Mekong và thủy điện Xayaburi nên hoãn lại một thời gian.

Cụ thể, có thể hoãn 10 năm cho tới khi tiến hành các nghiên cứu sâu hơn và các nhà chức trách có đầy đủ thông tin về rủi ro do việc xây đập thủy điện gây ra.

263 tổ chức kêu gọi dừng

Vì sao vậy?

Thông tin, tài liệu về dự án hiện tại còn rất sơ sài, nhiều vấn đề và rủi ro còn bị bỏ ngỏ, chưa đặt trong bối cảnh của toàn bộ hệ thống và chiến lược phát triển của cả lưu vực, việc tham vấn trong điều kiện thiếu thông tin chưa đủ cơ sở cho việc ra quyết định một cách có trách nhiệm.

Cách đây không lâu, 263 tổ chức phi chính phủ (NGO) từ khắp nơi trên thế giới kêu gọi chính phủ các nước lưu vực sông Mekong bãi bỏ kế hoạch xây dựng đập Xayaburi. Thư của các NGO đến từ 51 quốc gia đề ngày 22-3-2011 kêu gọi Chính phủ Lào hủy bỏ kế hoạch xây đập Xayaburi và Chính phủ Thái Lan không mua điện sản xuất từ đập này.

Pierter Hansen của tổ chức Both ENDS phát biểu “Vì Mekong là dòng sông có tầm quan trọng toàn cầu, đề nghị chính phủ các nước Lào và Thái Lan hãy chấm dứt việc xây dựng đập Xayaburi. Nếu dự án được tiếp tục, quá trình ra quyết định khu vực của MRC sẽ đánh mất niềm tin của công chúng do họ hoàn toàn không coi trọng các ảnh hưởng tiêu cực to lớn của nó tới dân cư.

Nó cũng cho thấy quá trình quyết định không dựa trên chính việc quản lý tổng hợp lưu vực sông, mặc dù có các bằng chứng khoa học thuyết phục về tác động đối với hệ sinh thái sông Mekong và hàng triệu người phụ thuộc vào con sông về mặt sinh kế và an ninh lương thực”.

Ame Trandem, Tổ chức Sông ngòi Quốc tế (IR) thậm chí còn nói: “Báo cáo Đánh giá Tác động Môi trường (EIA) hoàn toàn chưa đầy đủ. Nó thiếu những thông tin kĩ thuật cơ bản, nó làm rối người đọc với những phân tích sai lầm, và không đưa ra được những ảnh hưởng cụ thể, cho dù các báo cáo khác của MRC đã phân tích những tác động mạnh mẽ tới môi trường và xã hội do đập gây ra là không thể đảo ngược và sẽ ảnh hưởng tới cả lưu vực. Dựa vào chất lượng của báo cáo EIA và các tác động có thể đoán trước, nếu dự án vẫn được tiến hành thì đây sẽ là một sự vô trách nhiệm không thể tưởng tượng được”.

Vấn đề động đất cũng chưa được nghiên cứu trong các dự án đề xuất. Động đất gây nên sự cố vỡ đập và có thể kéo theo những hậu quả khôn lường.

Có nhiều giải pháp thay thế

Vấn đề là nếu không làm Xayaburi, liệu có cơ hội bền vững nào khác để Lào phát triển từ lưu vực Mekong không?

Hiện có nhiều giải pháp năng lượng thay thế bền vững có thể đáp ứng yêu cầu tăng trưởng kinh tế và năng lượng trong hạ lưu vực Mekong thay vì phát triển thủy điện trên dòng chính. Nếu Lào muốn tiếp tục khai thác thủy điện mà không gây tổn hại tới các quốc gia khác thì có một giải pháp dễ thấy nhất là có thể làm thủy điện trên các dòng phụ của Mekong thuộc lãnh thổ Lào.

Cảm ơn bà.

Đập Xayaburi sẽ là đập đầu tiên được xây dựng trong số 12 đập đề xuất xây dựng trên dòng chính hạ lưu sông Mekong từ năm 2007. Dự án sẽ buộc tái định cư khoảng 2.100 người và trực tiếp ảnh hưởng tới 202.000 người sống gần đập vì các ảnh hưởng của nó tới sinh thái và khu vực đánh bắt cá trên sông.

Đập đe dọa làm tuyệt chủng hơn 41 loài cá, trong đó có cá da trơn khổng lồ. Những mất mát lớn hơn đối với đa dạng sinh học và nguồn tài nguyên thủy sản sẽ tác động tới cuộc sống của hàng triệu người trên khắp khu vực.  

Ngày 18-4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, bà Nguyễn Phương Nga nói, là một nước nằm ven sông Mekong, Việt Nam mong muốn các quốc gia có liên quan phối hợp chặt chẽ trong việc nghiên cứu kỹ lưỡng tổng thể những tác động của các công trình thủy điện trên dòng chính sông Mekong trước khi đưa ra quyết định triển khai xây dựng các công trình này.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về phản ứng của Việt Nam trước việc xây dựng các đập thủy điện trên sông Mekong, trong đó có đập Xayaburi, bà Nguyễn Phương Nga khẳng định, sông Mekong là một dòng sông quốc tế có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với sự phát triển kinh tế, xã hội, đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân các nước ven sông.

Các quốc gia ven sông cần hợp tác chặt chẽ trong việc khai thác và sử dụng công bằng và hợp lý các nguồn tài nguyên, đặc biệt là nguồn nước dòng sông Mekong nhằm bảo vệ môi trường sinh thái, góp phần vào sự phát triển bền vững chung của toàn bộ lưu vực sông Mekong và mang lại lợi ích cho tất cả các quốc gia ven sông và người dân sinh sống tại khu vực này.

 

 Quốc Dũng (thực hiện)

Cư dân Thái Lan kiến nghị không mua điện Xayaburi

Theo Báo Dân Tộc của Thái Lan, hàng trăm người tham gia cuộc biểu tình đầu tháng tư vừa rồi phản đối dự án thủy điện Xayaburi do Lào đề xuất đã kí vào một bức thư gửi Thủ tướng Abhisit Vejjajiva, yêu cầu Chính phủ Thái Lan dừng kế hoạch mua điện từ dự án này.

Những người biểu tình đến từ các tỉnh dọc sông Mekong ở phía bắc và đông bắc Thái Lan đã tập hợp ở huyện Nong Khai, tỉnh Chiang Mai để phản đối, bởi họ tin rằng dự án sẽ mang đến những ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của họ.

“Chúng tôi sẽ thu thập hơn 20.000 chữ kí từ ở miền Bắc và Đông Bắc, những nơi sẽ bị ảnh hưởng bởi đập và trình Thủ tướng trong tháng này, yêu cầu ông phải dừng kế hoạch mua điện”, Niwat Roikaew, thành viên Mạng lưới Bảo vệ Môi trường Chiang Rai, Chiang Khong, nói.

Chính quyền Lào đã ký hợp đồng chuyển nhượng cho Cty Ch Karnchang của Thái Lan, xây dựng một con đập có công suất lớn 1.260 MW trên dòng chính sông Mekong tại thác Kaeng Luang, cách thị trấn Xayaburi 30 km. Khoảng 95% sản lượng điện sẽ được bán cho Thái Lan.

Hôm nay, Ủy hội Sông Mekong họp về Xayaburi

Phiên họp đặc biệt Ủy hội sông Mekong (MRC) diễn ra hôm nay, 19-4, để bốn nước thành viên, trong đó có Việt Nam, đưa ra quyết định có xây đập Xayaburi hay không.

Được biết, tại cuộc họp, các chính phủ và tổ chức sẽ nỗ lực để bảo vệ ý kiến của mình về đề nghị dừng xây đập Xayaburi. Cuộc họp diễn ra sớm hơn hai ngày so với kế hoạch được các bên thỏa thuận trước đó.

Bảy cuộc tham vấn đã diễn ra trong tháng 1-2011 và tháng 2-2011 tại Thái Lan. Campuchia và Việt Nam đã mạnh mẽ đề xuất hủy bỏ tiến trình PNPCA về đập Xayaburi , đồng thời đề nghị công bố thêm những tài liệu quan trọng của dự án và yêu cầu tiến hành những nghiên cứu sâu hơn.

Nguy cơ động đất với hệ thống đập trên sông Mekong

Trận động đất mới đây nhất, đêm 24-3, tại bang Shan, Myanmar, mạnh 7,0 độ richter, làm rung chuyển một phần Thái Lan, Lào và Trung Quốc, một lần nữa khiến nhiều người lo ngại về rủi ro cao của các đập thủy điện trên sông Mekong.

Tại Lào, ngày 25-3, Cục Khí tượng và Thủy văn Lào ghi nhận hai dư chấn mạnh 4,8 độ và 5,4 độ richter. Cư dân tại hai tỉnh Bokeo và Luang Namtha cảm nhận được rung lắc của động đất. Đây là hai trong số các tỉnh của Lào được Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) đánh giá có rủi ro động đất cao.

Trước đó không lâu, ngày 23-2 tại tỉnh Xayaburi của Lào, nơi dự kiến xây đập thủy điện Xayaburi, xảy ra một trận động đất với cường độ 4,6 độ richter. Bản đồ cơn chấn động ngày 23-2-2011 cho thấy vị trí của đập Xayaburi nằm hoàn toàn trong vùng ảnh hưởng của trận động đất.

Lào đã bắt đầu từ năm tháng trước

Thông tin được công bố trong cuộc họp khẩn qua Internet giữa 2 tổ chức quốc tế với Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam hôm qua (18-4) cho hay, Lào thực tế đã khởi công xây đập Xayaburi từ 5 tháng trước, khởi công con đường chính dẫn đến nơi xây đập. Con đường này dài 30km, nối từ làng Ban Nara đến Ban Talan và Ban Houay Souy, nơi gần với địa điểm xây đập.

 

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Trấn Thành, Thu Minh đều bị chê
Trấn Thành, Thu Minh đều bị chê
TPO - Nhận xét về ca sĩ Phạm Anh Duy, cả Thu Minh và Trấn Thành bị khán giả chỉ trích miệt thị ngoại hình đàn em. Trong tập 12 "Bài hát của chúng ta", bốn gương mặt nghệ sĩ phải nói lời chia tay với chương trình.