Quốc Giỗ 2011: Đậm vẻ đẹp văn hóa dân gian

Quốc Giỗ 2011: Đậm vẻ đẹp văn hóa dân gian
TP - Sáng nay (10-3 âm lịch), tại khu di tích lịch sử Đền Hùng, diễn ra Lễ dâng hương ngày Giỗ tổ Hùng Vương năm 2011. Theo chương trình, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng nhiều lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đông đảo nhân dân bốn phương cùng thắp hương tưởng nhớ các Vua Hùng. Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Hoàng Dân Mạc làm chủ lễ.

> Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương các Vua Hùng

> Vui làng Việt cổ nơi đất Tổ

Đông đảo du khách lên Đền chiều 9-3 âm lịch
Đông đảo du khách lên Đền chiều 9-3 âm lịch.

Tiết trời dịu mát trên vùng Đất Tổ là yếu tố thuận lợi cho hơn 3 triệu lượt khách đến với Lễ hội lớn nhất cả nước những ngày qua. Chiều qua, khách hành hương về Đền Hùng khá đông vì đúng ngày nghỉ bù. Công an tỉnh Phú Thọ và Ban quản lý Khu di tích bố trí 6 điểm giữ xe ở tất cả cửa ngõ quanh chân núi Nghĩa Lĩnh. Giá trông giữ xe được quản lý nghiêm: 5 ngàn đồng với xe máy và 10 ngàn đồng với xe ôtô.

Năm nay, du khách đến với Đền Hùng có cơ hội tham gia, chứng kiến hàng loạt hoạt động văn hóa. Tại khu vực trung tâm Khu di tích, tỉnh Phú Thọ đã kịp khánh thành Nhà hoa phong lan trưng bày hàng trăm loài lan đẹp nhất hội tụ từ khắp các tỉnh, thành.

Tại Bảo tàng Hùng Vương có triển lãm sách tư liệu Về miền lễ hội cội nguồn dân tộc Việt Nam và triển lãm nghệ thuật thư pháp Việt. Cũng tại đây, một gian nhà lớn được người hành hương trưng bày hiện vật thể hiện tình cảm của đồng bào cả nước và bạn bè quốc tế với Đền Hùng. Nơi đây, người xem còn được chiêm ngưỡng 17 chiếc trống đồng được đúc bằng phương pháp thủ công với kỹ thuật tinh xảo do Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam và Hội Di sản Việt Nam trao tặng tỉnh Phú Thọ.

Không gian rộng lớn của sân Trung tâm Lễ hội năm nay thêm phần trang trọng khi xuất hiện bức tranh gốm khổng lồ (dài 72m, cao 9m, tổng đầu tư 24 tỷ đồng từ nguồn tiền công đức) mô phỏng lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam.

Cũng tại sân Lễ hội, tỉnh Phú Thọ tổ chức Hội trại văn hóa do 13 huyện, thị trong tỉnh tham gia, lần lượt trình diễn suốt ngày đêm các chương trình văn hóa nghệ thuật, đặc biệt là nghệ thuật dân gian gắn với nền văn minh lúa nước và thời kỳ Hùng Vương. Nếp sống, ngôi nhà Việt truyền thống (ba gian, hai trái) và nhà sàn được dựng mô hình với những điểm nhấn mang tính đặc trưng.

Nhiều trò diễn như Trò Trám (quan hệ tình yêu, tình dục của trai gái thời xa xưa), rước Chúa Gái (bày trăm trò vui cho công chúa Ngọc Hoa cười), hát xoan, văn hóa ẩm thực, gói bánh chưng, bánh dày. Lễ hội chè giới thiệu những loại chè ngon nhất của vùng Đất Tổ với chủ đề Hương sắc trà Đất Tổ.

Tại Đền Thượng, du khách hiểu rõ hơn về Cột đá thề (vừa được dựng lên, cao hơn 3m bằng mã não) mô phỏng truyền thuyết Vua Hùng trao quyền lực cho Thục Phán, và Thục Phán đứng trước cột đá nói lời thề bảo vệ giang sơn gấm vóc. Tối qua, du khách còn được thưởng thức bắn pháo hoa và đánh trống đồng sau khi khép lại màn diễn văn nghệ dân gian ở Trung tâm Lễ hội.

Trung tâm an ninh lễ hội do Công an tỉnh Phú Thọ đảm trách cho biết, gần 10 ngày qua tại khu vực Đền Hùng chỉ xảy ra vài vụ việc hình sự nhỏ (móc túi, trộm điện thoại) và đã được xử lý nhanh. Trước Lễ hội, công an tỉnh tổ chức nhiều cuộc diễn tập quy mô lớn và thực hiện dò mìn kỹ lưỡng để bảo đảm an ninh, an toàn. 

Bạn Nguyễn Bá Doanh, sinh viên năm thứ hai Trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội, cho biết, họ túc trực khắp nơi để nhặt rác gom vào thùng và nhắc nhở các bạn trẻ đến với Lễ hội nên có hành động sạch. Một tấm bảng lớn gắn hoa ở ngay chân cổng Đền được các sinh viên tình nguyện dựng lên để ai cũng có thể ghi tên lưu niệm và viết lời kêu gọi bảo vệ môi trường như Không vứt rác bừa bãi, Đừng bẻ cành, hái lá...

Tại thành phố Việt Trì, điểm đến đầu tiên đối với du khách miền xuôi, có Hội chợ thương mại bày bán sản vật Phú Thọ, hội thao bóng chuyền, bắn nỏ, cờ tướng, bơi chải...

Ban tổ chức Lễ hội cho biết, hơn 40 nhà khoa học văn hóa đến từ 16 quốc gia và vùng lãnh thổ đã về Đền Hùng trước ngày chính lễ. Ngoài việc tham gia Lễ dâng hương, họ sẽ trình bày nhiều tham luận khoa học về tín ngưỡng thờ Hùng Vương.

Đoàn sẽ dự Liên hoan hát xoan, về 2 làng ở gần Đền Hùng coi dân lễ tế, rước kiệu cổ, múa sư tử, tìm hiểu văn hóa dân gian của các làng Việt quanh vùng di tích - những minh chứng cơ bản và sinh động để giúp sức cho Phú Thọ hoàn thiện hồ sơ Tín ngưỡng thờ Hùng Vương trình lên UNESCO công nhận đây là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG