Bài 2: Lợi tư, hại công

Bài 2: Lợi tư, hại công
TP - Doanh nghiệp được thuê nhà chuyên dùng thì chẳng khác nào trúng số độc đắc. Với nhà nước, từ lâu quỹ nhà chuyên dùng đã trở thành gánh nặng.

>> Bài 1: Đất vàng của nhà nước bị lách cho thuê

Chưa có tính toán đầy đủ sau nhiều năm cho thuê 758 cơ sở nhà chuyên dùng với hàng triệu mét vuông nhà thuộc sở hữu nhà nước tại Hà Nội nhưng nhiều chuyên gia khẳng định, nhà nước đang chịu thiệt là rất lớn. Ông Mai Xuân Vinh - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý công sản Hà Nội cho biết, tiền mà các doanh nghiệp bỏ ra thuê quỹ nhà này dao động từ 80 đến 100 ngàn đồng/m2/tháng. Trong khi đó, phần lớn quỹ nhà chuyên dùng đều ở vị trí đất vàng, phố trung tâm mà giá thuê trên thị trường có khi lên tới hàng triệu đồng/tháng cho mỗi mét vuông nhà mặt phố cổ hay khu vực Hoàn Kiếm, Ba Đình. Chi phí cho cả bộ máy quản lý quỹ nhà chuyên dùng và chi phí cải tạo, sửa chữa, duy tu hàng năm cũng rất lớn.

Đối với trường hợp doanh nghiệp được thuê nhưng lại tự ý cho thuê lại thì thiệt hại cho nhà nước còn lớn hơn gấp nhiều lần. Điển hình như trường hợp Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà Hà Nội - Handico cho Ngân hàng Nông nghiệp thuê lại khu đất tại số 4 Phạm Ngọc Thạch.

Không những cho thuê-liên kết trái phép mà Handico còn ưu ái cho Ngân hàng Nông nghiệp Phát triển nông thôn chỉ phải trả tiền thuê một lần (theo giá tại thời điểm ký hợp đồng thuê lại) cho cả thời hạn 30 năm! Hay như căn nhà mặt phố 150 m2 trên khuôn viên 260 m2 đất tại 96 Hàng Trống cũng chỉ được cho thuê lại với giá 1.500 USD/tháng.

“Ai cũng lợi cả, chỉ nhà nước là chịu thiệt thôi”- Ông Mai Xuân Vinh khẳng định. Nhiều hợp đồng doanh nghiệp và cơ quan nhà nước cho thuê lại nhà công, đất công cũng vẫn ký với giá mềm so với thị trường bởi có lẽ bản thân những người có quyền ký đang được hưởng những khoản lợi khác lớn hơn ngoài hợp đồng?

Cho thuê tiếp hay bán đứt?

Ông Mai Xuân Vinh cho rằng, sau khi rà soát, kiểm tra đầy đủ, thành phố nên tổ chức bán đấu giá công khai quỹ nhà chuyên dùng để lấy tiền đầu tư vào các lĩnh vực dân sinh bức xúc khác. “Nếu tiếp tục cho thuê với giá hiện nay thì ước tính phải mất đến trên 310 năm mới thu được khoản tiền tương đương với giá bán tại thời điểm hiện nay.

Tôi tính sơ bộ nếu bán ngay thì sẽ thu được hàng ngàn tỷ đồng cho nhà nước. Trường hợp vẫn cho thuê tiếp thì cũng phải đấu giá theo thị trường. Có ý kiến cho rằng nếu không cho thuê nữa thì hàng trăm người lao động sẽ khó khăn nhưng tôi cho rằng, doanh nghiệp thì phải hoạt động theo luật, phải bình đẳng và không thể làm thiệt hại cho nhà nước”- Ông Vinh nói.

Chi cục quản lý công sản cho rằng, không có gì phải cấn cá trong xử lý các vấn đề này. Ngay cả khi gặp phải sự phản ứng của doanh nghiệp thì cũng là chuyện bình thường vì họ có nhiều quyền lợi liên quan đến các hợp đồng thuê nhà. Ngay cả đối với Cty Quản lý phát triển nhà Hà Nội khi được giao tiếp nhận và quản lý quỹ nhà chuyên dùng cũng phải đảm bảo và phát triển vốn và tài sản của nhà nước, do vậy giá thuê cần phải theo thị trường.

Trong khi nhiều cơ quan, doanh nghiệp mang nhà công, đất công cho thuê kiếm lời thì kết quả thanh tra công vụ vừa qua cho thấy, nhiều cơ quan công quyền bố trí phòng tiếp dân, nơi giải quyết công việc hành chính quá chật hẹp, thiếu ghế cho người dân ngồi...

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Chậm trễ thi công trạm dừng nghỉ cao tốc, Bộ trưởng Giao thông chỉ đạo 'nóng'
Chậm trễ thi công trạm dừng nghỉ cao tốc, Bộ trưởng Giao thông chỉ đạo 'nóng'
TPO - Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Trần Hồng Minh yêu cầu giám đốc các ban quản lý dự án chịu trách nhiệm toàn diện trước Bộ trưởng về tiến độ giải phóng mặt bằng, tiến độ và chất lượng các dự án. Bộ GTVT sẽ xem xét và xử lý trách nhiệm các chủ thể tham gia dự án nếu có không hoàn thành nhiệm vụ.