>> Chuyện cũ mới biết về đẻ thuê
Ngôi nhà của bà Danh Thị Luốt càng trống vắng mỗi khi chiều xuống vắng bóng con. |
Chờ tin con xa
Bà Danh Thị Luốt- mẹ của Mai Thị Phúc tất tả chạy về ngôi nhà xập xệ sau thị trấn Giá Rai khi hay tin có người đến tìm. Khác lần gặp trước đây mấy ngày, bà Luốt lau vội mồ hôi, nước mắt chảy dài: “Hôm qua, cháu điện về, nói con bị bắt rồi!”.
Nhà không có điện thoại, Phúc gọi về nhà cậu ruột ở thị trấn, bà Luốt lập bập lên ngóng tin con. Bà Luốt kể: “Tôi hỏi sao cả nửa tháng con không điện về, cả nhà trông, ba con ngã bệnh luôn, mấy em con đòi nghỉ học rồi nè! Nó nói con bị bắt ở Thái Lan, bị lấy điện thoại, không điện về được”.
Kỳ lạ là, Phúc điện thoại về gia đình mà không dám nói lớn tiếng như sợ ai nghe và gấp gáp lắm. Bà Luốt cho biết thêm: “Con tôi dặn, có ai đến hỏi, kêu bảo lãnh thì mẹ cứ xác nhận con là con của mẹ, lao động ở Thái Lan, lăn tay, bảo lãnh con về!”.
Bà Luốt vội nhờ người em ruột gọi lại số điện thoại vừa nhận thì Phúc bảo phải mượn điện thoại người quen, không nói chuyện nhiều được, vì đang ở trong nhà lánh nạn trên đất Thái Lan. Và Phúc cũng không quên dặn mẹ yên tâm, có nhiều người cùng bị bắt, ai sao con vậy, không sao đâu.
Tiễn tôi ra về, bà Luốt không quên nói lời cảm ơn và muốn giúp đỡ cho con bà sớm về gia đình. Với bà, không biết vì sao con bà bị bắt? Làm gì bên Thái Lan?
Mấy ngày gần đây, nhiều người lạ đến hỏi thăm Thạch Thị Mỹ Hướng đi nước ngoài làm ăn ra sao cũng khiến bà Trần Thị Hiền thêm lo. Cứ mỗi lần ra biển mò cua trở về, đôi vợ chồng già lại ngóng ánh mắt về nơi cuối sóng. Bà Hiền khóc: “Không biết con gái tôi làm gì trên đất khách mà bị bắt...”.
Bỏ lửng câu nói, nước mắt lăn dài trên gò má nhăn nheo, bà Hiền ngùi ngùi: “ Vợ chồng tôi nghèo khổ, dốt nát, làm sao cứu con bây giờ?”. Ngoài kia, sóng biển rì rào, vô tư thổi băng qua ngôi nhà tình thương trống vắng và buồn tẻ.
Bà Luốt đứng ngồi không yên sau khi nghe con gái cầu cứu từ xứ xa. |
Chính quyền, đoàn thể cũng chờ
Thượng tá Phạm Quang Chung, Trưởng phòng quản lý xuất nhập cảnh (PA 61) Công an tỉnh Bạc Liêu cho biết: “Chúng tôi rất quan tâm việc phụ nữ sang Thái Lan đẻ thuê trên báo chí mấy ngày qua. Chúng tôi rà soát, xác minh thì chưa xác định việc đẻ thuê có hay không? Nếu có thì đáng thương hơn là đáng trách.
Vì nghèo khổ và thiếu học nên họ cực chẳng đã phải đi đẻ thuê kiếm sống thì phải giúp đỡ các cô thế nào, nuôi dưỡng các bé ra sao? Chúng tôi đã liên hệ và chờ cơ quan ngoại giao để giải quyết việc này”.
Cty đẻ thuê Baby 101 hoạt động bất hợp pháp tại Thái Lan, cung cấp dịch vụ cho khách hàng là những vợ chồng hiếm muộn, cung cấp tinh trùng và trứng rồi thuê đẻ với giá 32.000 USD/bé. Nhưng Thiếu tướng Manu Mekmok, Phó chỉ huy bộ phận nhập cư Thái Lan cho biết: 9 phụ nữ nói tự nguyện việc đẻ thuê với tiền công 5.000 USD/bé, số người khác cho là bị lừa. |
Bà Phạm Thị Diệu, Chủ tịch HLHPN huyện bày tỏ: “Chúng tôi đang bận tổ chức các hoạt động 8-3 nên mới tiếp cận được 3 gia đình. Nếu đúng như những gì báo chí thông tin, chúng tôi sẽ bàn cách đón họ chu đáo và ấm áp”.
Ông Mai Chí Tính, Chủ tịch UBND huyện Giá Rai (Bạc Liêu) nói: “Dư luận đẻ thuê mới nghe nhưng rất cảm thông, cần sự chia sẻ. Nếu vì nghèo khó mà phải mang nặng đẻ đau thuê là rất đau lòng. Chiều nay, tôi họp với công an, đoàn thể tìm hiểu thêm tình hình này vì chưa được cơ quan cấp trên thông báo chính thức”.
Hiện nay, huyện Giá Rai còn đến 9.000 hộ nghèo, cận nghèo, chiếm gần 19% số hộ dân. Ông Mai Chí Tính nói: Chúng tôi không chỉ tiếp cận mà phải chia sẻ, giúp đỡ các cô gái là nạn nhân đường dây đẻ thuê này. Về lâu dài, chúng tôi quan tâm hơn nữa đến đời sống người dân, nhất là phụ nữ nghèo. Có thế mới giúp họ không rơi vào những hoàn cảnh thương tâm tương tự.
Trao đổi qua điện thoại, ông Trương Minh Chánh, Chi cục phòng chống tệ nạn xã hội Bạc Liêu nói: “Tôi mới nhận được danh sách của 7 cô gái ở Bạc Liêu. Hiện nay, chúng tôi cho xác minh nhưng chưa có kết quả”. PV báo Tiền Phong xin gặp ông để cung cấp danh tính những cô gái quê Bạc Liêu trong đường dây đẻ thuê này, nhưng rất tiếc ông đã cúp máy.
Bao giờ các cô gái đẻ thuê về quê?
Ông Phạm Minh Tuấn, Bí thư Thứ nhất Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan trao đổi với PV Tiền Phong vào chiều ngày 7-3:
Thưa ông, tình hình các cô gái Việt Nam trong đường dây đẻ thuê tại Thái Lan như thế nào?
Hiện các cô gái đang chờ đợi các cơ quan chức năng Thái Lan, Đài Loan giải quyết, đặc biệt là tòa án Thái Lan yêu cầu các cô làm chứng, phải thẩm vấn nên chưa biết lúc nào kết thúc.
Vậy, bao giờ các cô gái Việt Nam được hồi hương?
Câu trả lời này được mọi người quan tâm nhưng chưa thể trả lời. Vụ việc đẻ thuê là rất mới, phức tạp và tế nhị mà giải quyết căn cứ vào luật pháp quốc tế và các bên có liên quan như Đài Loan, Thái Lan, Việt Nam…
Phía Việt Nam có những động thái nào để giúp đỡ, giải cứu các cô gái Việt Nam?
Ngay từ đầu, Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan rất tích cực phối hợp với các cơ quan Thái Lan để bảo vệ các cô gái Việt Nam vì họ là nạn nhân. Chúng tôi cử cán bộ đến thăm các cô gái trong trung tâm tạm lánh.
Tại đây, các cô gái được chăm sóc, bảo vệ chu đáo. Hiện nay, Bộ Công an cử Cục hình sự, Cơ quan liên minh phòng chống buôn người tại Việt Nam cũng đã có mặt tại Thái Lan để giải quyết vụ việc.
Ông có thể thông tin về những cô gái Việt Nam trong đường dây đẻ thuê được giải thoát tại Thái Lan?
Việt Nam có 15 cô gái trong đường dây đẻ thuê được giải cứu. Trong đó, có 7 cô đang mang bầu, 2 cô sinh em bé hơn một tháng và 6 cô chưa mang bầu. Đặc biệt, thông tin ban đầu, có 2 cô bị cưỡng hiếp.
Các cô có nguyện vọng, yêu cầu gì không?
Các cô đều muốn sớm hồi hương, sum họp với gia đình.
*Tên một số nhân vật và địa danh đã được thay đổi