Rùa tai đỏ - Hủy hay ăn?

Bẫy rùa tai đỏ trên Hồ Gươm mấy hôm nay vắng khách vì bị cho là trời lạnh
Bẫy rùa tai đỏ trên Hồ Gươm mấy hôm nay vắng khách vì bị cho là trời lạnh
TP - Liên quan việc giải quyết những con rùa tai đỏ bắt được ở Hồ Gươm và các hồ Văn Quán, Mỗ Lao thời gian qua, có ý kiến cho rằng nên tiêu hủy nhưng cũng có ý kiến cho rằng có thể làm thực phẩm cho con người.

>> 'Cụ' Rùa nổi sát bờ, mang nhiều vết thương

>> Tận mắt xem vết thương trên mai 'cụ' Rùa

Bẫy rùa tai đỏ trên Hồ Gươm mấy hôm nay vắng khách vì bị cho là trời lạnh
Bẫy rùa tai đỏ trên Hồ Gươm mấy hôm nay vắng "khách" vì bị cho là trời lạnh.

Chủ trương tiêu hủy

Phó Chủ tịch UBND Hà Nội kiêm Trưởng ban Chỉ đạo khẩn cấp bảo vệ Rùa Hồ Gươm chỉ đạo phải tiêu hủy toàn bộ số rùa tai đỏ bắt được ở Hồ Gươm.

Tính từ ngày 10-2, ngày Sở Khoa học&Công nghệ Hà Nội bắt đầu thử nghiệm các bẫy rùa tai đỏ, sau khi các bẫy được triển khai trên Hồ Gươm, số lượng rùa tai đỏ bắt được không nhiều, chỉ hơn hai chục con.

Số tù binh ít ỏi này hiện được lưu giữ rải rác, trong đó có một nơi tại trụ sở Sở KH&CN HN với 13 con và một nơi ở Đền Ngọc Sơn với sáu con, đặt trang trọng trong lồng kính khung gỗ.

Lý giải số rùa tai đỏ bắt được không nhiều, TS Lê Xuân Rao, Giám đốc Sở KH&CN cho là do thời tiết còn lạnh, chưa phù hợp với tập tính kiếm ăn của các loài rùa nói chung. “Rùa tai đỏ cũng là nguồn bổ dưỡng, được nuôi kinh doanh và làm thực phẩm phổ biến ở không ít quốc gia”, TS Rao nói.

Ông Vũ Ngọc Thành, giảng viên khoa Sinh học, Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội), lại nói không nên tiếc việc tiêu hủy rùa tai đỏ vì quá trình chế biến thức ăn khó kiểm soát được, kể cả nếu làm thức ăn cho động vật cũng dễ nguy hại vì nguy cơ bệnh tật.

Có ăn mới biết

“Thực ra ăn rùa tai đỏ rất ngon, ngon hơn cả ba ba”, ông Nguyễn Ngọc Khôi, thành viên nhóm lai dắt Rùa Hoàn Kiếm thuộc ban chỉ đạo khẩn cấp bảo vệ Rùa Hoàn Kiếm, nhận định. “Khi làm thịt, chỉ cần bỏ hết nội tạng đi là xong”.

Với 14 năm kinh nghiệm nuôi và xuất khẩu rùa, ông Nguyễn Ngọc Khôi, còn là Chủ tịch HĐQT Tập đoàn thương mại Hà Nội KAT, nói tiếp: “Những con rùa tai đỏ nửa cân trở lên là làm thực phẩm cho người được. Nếu nuôi lâu, chúng có thể nặng đến 3 kg và sống đến 70 năm”.

Kinh doanh và xuất khẩu rùa tai đỏ từng là nghề hái ra tiền của ông, xuất sang Trung Quốc, nước lớn thứ hai nuôi rùa tai đỏ làm thực phẩm, sau Hoa Kỳ.

Bên Trung Quốc, khách sang mới được mời ăn thịt rùa tai đỏ vì giá đắt, khoảng 400.000 đồng/ kg rùa sống, mà một cân rùa sống thịt ra chỉ còn ba lạng thịt. “Năm ngoái tôi dự hội nghị doanh nhân ở Trung Quốc. 40 người được mời thực đơn thịt rùa tai đỏ. Tính ra tiền Việt khoảng 500 triệu đồng” - ông Khôi nói. “Bên đó, thịt rùa tai đỏ được chế biến thành các món ăn đặc sản. Còn xương người ta dùng nấu cao”.

Vị thương gia này bày tỏ mong muốn được thu mua toàn bộ rùa tai đỏ bắt được nếu được phép xuất khẩu.

Sáng qua, Rùa Hồ Gươm nổi tới ba lần tại khu vực cầu Thê Húc – Đền Ngọc Sơn (Q. Hoàn Kiếm, Hà Nội). Mỗi lần cụ Rùa nổi từ 15 đến 30 phút vào lúc 9h30, 10h30 và 12h30.

Trong khi đó, tối qua, công tác chuẩn bị cứu cụ Rùa tiếp tục được hoàn tất để chuẩn bị đưa cụ Rùa lên chữa thương vào hôm nay, 6-3. Ngoài việc hoàn thiện bể thông minh làm nơi chữa thương, đã có khoảng 20 bè cây thủy trúc được thả trên mặt hồ.

Nhét tiền lên tiêu bản Rùa Hồ Gươm

Nhét tiền gây ẩm mốc tiêu bản rùa. Ảnh: Tuệ Linh
Nhét tiền gây ẩm mốc tiêu bản rùa. Ảnh: Tuệ Linh.

Trong khi báo đài liên tục cập nhật sức khỏe của cụ Rùa Hồ Gươm thì tiêu bản cụ Rùa được trưng bày tại đền Ngọc Sơn bị người tham quan nhét tiền.

Tiền trên nóc tủ, tiền được cài qua khe thậm chí tiền rơi lả tả dưới chân cụ Rùa nhìn rất phản cảm.

Để thanh minh, chị Cẩm Tú (Hàng Vôi) nói: “Cụ Rùa sẽ đem lại may mắn cho mình trong năm mới”. Vũ Dũng – sinh viên Đại học Lao động Thương binh và Xã hội, thì “thấy người khác làm, mình cũng làm theo thôi”.

Anh Ngọc – hướng dẫn viên du lịch của VietSun Travel cho biết: “Trong quá trình đưa khách đi, chúng tôi đã lưu ý nhưng do đoàn khách quá đông nên không kiểm soát được hết, mặt khác những hành vi này đã thành thói quen của người dân rồi…”

Ông Vũ Ngọc Thành (khoa Sinh học trường ĐH Khoa học Tự nhiên Hà Nội) cảnh báo: “Việc người dân trực tiếp nhét tiền vào bên trong lồng kính đã tạo điều kiện cho nấm mốc phát triển ở nơi lưu giữ và trưng bày tiêu bản cụ Rùa Hồ Gươm”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Đơn vị vận hành nói gì về thông tin metro TPHCM tạm dừng vì mưa quá lớn?
Đơn vị vận hành nói gì về thông tin metro TPHCM tạm dừng vì mưa quá lớn?
TPO - Theo đơn vị vận hành, chiều 27/12, TPHCM có mưa rất lớn kèm dông và sấm sét đã dẫn đến hệ thống bảo vệ an toàn điện toàn tuyến metro 1 được kích hoạt. Do đó, đơn vị đã quyết định tạm dừng lịch trình chạy tàu, đưa tàu về các nhà ga nhằm đảm bảo an toàn cho hành khách và tiến hành kiểm tra toàn bộ hệ thống của tuyến.