Đẻ thuê - phần nổi tảng băng

PV báo Tiền Phong tìm về làng quê các cô gái đẻ thuê
PV báo Tiền Phong tìm về làng quê các cô gái đẻ thuê
TP - Trong số 15 cô gái Việt Nam đẻ thuê được giải thoát tại Thái Lan, tám cô quê Bạc Liêu, tất cả đang chờ đoàn tụ gia đình. PV báo Tiền Phong đến xứ sở Công tử Bạc Liêu để tìm hiểu gia cảnh của họ.

> Các cô gái trong vụ mang thai hộ sắp sửa về nước
> Cứu giúp 15 cô gái Việt trong vụ đẻ thuê
> Khóc cười phận đẻ thuê

Bài 1: Làm gì không ai biết

PV báo Tiền Phong tìm về làng quê các cô gái đẻ thuê
PV báo Tiền Phong tìm về làng quê các cô gái đẻ thuê.

Xã chuyên muối của huyện Đông Hải có ba cô gái nằm trong danh sách người đẻ thuê vừa được giải cứu tại Thái Lan. Ông chủ tịch xã trông rất trẻ xua tay: “Làm gì có chuyện đẻ thuê, lấy chồng nước ngoài thì có. Những người này không có ở đây đâu. Vả lại, người làm hộ chiếu đi nước ngoài không qua xã đâu, làm gì chúng tôi biết được”.

Khi chúng tôi nghỉ chân tại quán nước trước cổng UBND xã, chị chủ quán nói nhỏ: “Ở đây lấy chồng nước ngoài thì nhiều, còn đẻ thuê thì có cô Lê Thị Như Hiếu thôi. Đi Thái Lan đẻ thuê nhưng chưa về. Mấy ông xã biết mà giấu đó!”.

Căn nhà của cô gái lỡ dở chuyện chồng con Lê Thị Như Hiếu có gia đình ở trên thị trấn huyện Giá Rai, mới chuyển khẩu về xã chưa đầy một năm, rồi đi làm ăn xa. Căn nhà nhỏ kiêm luôn quán nhậu đế ở bên bờ vuông tôm.

Anh công an xã nói: “Vợ chồng nhà này làm khổ chúng tôi dữ lắm, mở quán nhậu, đánh lộn hà rầm. Cứ cự cãi, đánh lộn là anh em phải đến giải quyết, muốn khùng luôn!”.

Chị Châu Thị Sáng, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã, nói: “Ở đây còn nhiều phụ nữ nghèo, mỗi người mỗi cảnh. Đây là vùng đồng bào dân tộc Khmer, chuyện đi lại làm ăn với Campuchia, rồi Thái Lan cũng khó biết. Nhiều phụ nữ trẻ làm ăn xa, có nhiều người lấy chồng nước ngoài bằng đường mai mối. Hiện có một em gái vượt biên chừng vài tháng nay chưa thấy về”.

Cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan thăm và động viên các cô gái mang thai hộ ở Trung tâm Kredtrakarn, tỉnh Nonthaburi ngày 26-2. Ảnh: Ngọc Tiến(TTXVN).
Cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan thăm và động viên các cô gái mang thai hộ ở Trung tâm Kredtrakarn, tỉnh Nonthaburi ngày 26-2. Ảnh: Ngọc Tiến(TTXVN)..

Cha mẹ chỉ biết đi làm xa

Căn nhà của cô gái Thạch Thị Mỹ Hướng- một trong 15 cô gái đẻ thuê được giải cứu tại Thái Lan nhỏ xíu, dưới chân đê biển. Căn nhà tình thương lợp bằng mái tôn, vách lá rách, núp sau mảng rừng ngập mặn.

Đất đai của cha mẹ Hướng vừa đủ để cất căn nhà, thậm chí cái chuồng vịt phải rào lưới ở giữa nhà. Chị Hiên ở cạnh nói: “Xóm này, đứa trẻ nào học hành biết đọc biết viết là may mắn. Anh em của Hướng không được học hành gì, kiếm sống đủ là mừng rồi”.

Ngồi trong ngôi nhà tình thương của Hướng mà nghe gió biển mát lạnh. Xóm Mồ Côi của Hướng chừng hơn 10 căn nhà, cũng nghèo khó, rách nát, trơ trọi. Cô gái trẻ Thạch Thị Mỹ Hướng sớm mưu sinh bằng nghề hái lượm với cha mẹ, anh chị và bạn bè trang lứa.

Cha mẹ của Hướng sinh được 5 người con, tất cả đều ít đến trường, sống bằng nghề làm mướn, bắt ốc mò cua, chài lưới ven biển.

Giữa trưa, một đôi vợ chồng già, ướt mèm, liêu xiêu mé biển trở về, chị hàng xóm bảo: “Cha mẹ của con Hướng đó!”

Mẹ của Hướng kể: “Con gái tôi đi làm mướn ở Sài Gòn, rồi theo bạn bè đi làm ăn xa. Hôm trước Tết, nói về thăm nhà hơn 10 ngày, tất bật làm hộ chiếu để kịp đi nước ngoài làm thuê”.

Khi hỏi về Thạch Thị Mỹ Hướng, bà Trần Thị Hiền kể: “Trước khi đi, nó ngủ chung, khóc ướt gối, dặn tôi đủ điều. Cái áo ấm mua cho cha mặc cho đỡ lạnh đi giăng lưới, mấy trăm ngàn mua gạo ăn tết… Đêm trước con Hướng chuẩn bị đi, thức hoài, không ngủ. Nó nói kỳ này con đi xa, lâu lâu mới về. Mẹ ráng lo cho em và cha. Con xin mấy cái áo cũ, nói cha mặc cho đỡ lạnh, bệnh rề rề hoài”.

Nhìn căn nhà xiêu vẹo của gia đình cô gái trẻ Thạch Thị Mỹ Hướng thấy chạnh lòng. Bây giờ, trên đất Thái Lan, cô gái trẻ đang mang thai sắp tới về gia đình, sống ra sao?

Phía sau thị trấn

Huyện Giá Rai (Bạc Liêu) có nhiều cô gái trong danh sách đẻ thuê. Phía sau thị trấn sầm uất là những dãy nhà lá lụp xụp. Trưởng công an ấp không khó khăn khi xác định gia đình ông Mai Năng có con gái thứ 3 đi làm ăn ở Thái Lan. Căn nhà lá rách nát, chật chội ở khu dân cư nghèo. Trưởng công an ấp nói: “Gia đình ông Năng nghèo, bệnh tật, mới được cấp sổ hộ nghèo nên chưa được cấp nhà tình nghĩa”.

Gọi là căn nhà cho vui cuộc đời chứ thật ra là túp lều lá của vợ chồng và 6 người con. Ông Mai Năng, 53 tuổi, lụ khụ từ trong nhà bước ra. Ông bị bệnh gần chục năm, một phần cũng do lao lực. Ông ú ớ: “Tôi bệnh, không làm ra tiền”.

Bà Danh Thị Luốt- vợ ông đi giặt đồ mướn ngoài chợ vừa về tới. Nghe hỏi đứa con gái, bà mau mắn: “Con tôi Mai Thị Phúc, học dở dang lớp 3, là người có học nhất nhà, nghe nói đi làm thuê ở Thái Lan. Lũ nhỏ em của nó không biết chữ nên ở nhà hết trọi, làm mướn quanh đây thôi”.

Bà Danh Thị Luốt đem hình cô gái Mai Thị Phúc ra khoe: “Ở nhà chỉ có Phúc lanh lợi, đi làm mướn nước ngoài, chắc được tiền nhiều. Nhưng sao mà 5 tháng rồi, con Phúc không lần nào nhắn tin về nhà. Tôi đi hỏi mấy người bạn của nó đều không biết hay họ giấu mình cái gì?”.

Sự thật cô Mai Thị Phúc đi đẻ thuê ở Thái Lan, sắp về nhà, lại chất lên vai bà gánh nặng. Nhưng tôi không can đảm nói ra sự thật, sợ bà đau lòng.

Còn nữa

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG